Pháp luật & Công dân

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước với tài sản công

Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, trong đó quy định cụ thể các loại TSC, nguyên tắc quản lý và sử dụng TSC, việc giám sát của cộng đồng đối với TSC, nội dung quản lý Nhà nước về TSC, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công…

Theo quy định của Luật này, nội dung quản lý Nhà nước về TSC bao gồm việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; quản lý việc giao TSC; đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng TSC; xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Đồng thời, quản lý việc sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa TSC; khai thác nguồn lực tài chính từ TSC; quản lý việc thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với TSC; kiểm kê, báo cáo TSC; xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin về TSC và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC...

Luật nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, HĐND, UBND các cấp trong việc quản lý, sử dụng TSC. Trong đó, Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về quản lý, sử dụng TSC; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC theo thẩm quyền; thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với TSC theo quy định của pháp luật… Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng TSC, các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng TSC và báo cáo, công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Theo luật định, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về TSC; chủ trì xây dựng, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về: chế độ quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng TSC; chế độ quản lý tài chính đối với đất đai, tài nguyên…

HĐND các cấp có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý của địa phương; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan. Căn cứ quy định của Luật này và phân cấp của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

UBND các cấp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với TSC thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật; thống nhất quản lý TSC thuộc phạm vi quản lý của địa phương; công khai TSC thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc yêu cầu của HĐND cùng cấp. UBND cấp huyện, UBND cấp xã báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của UBND cấp trên hoặc HĐND cùng cấp…

Theo Luật Quản lý, sử dụng TSC, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC có các quyền sau đây: Sử dụng TSC phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả TSC được giao theo chế độ quy định; được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật; quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC có nghĩa vụ bảo vệ, sử dụng TSC đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; lập, quản lý hồ sơ TSC, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại TSC theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán; báo cáo và công khai TSC theo quy định của Luật này; thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng TSC theo quy định của pháp luật; giao lại TSC cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền. Ngoài ra, phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC có quyền tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng TSC để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao; giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng TSC được giao quản lý, sử dụng; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Song song đó, có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng TSC được Nhà nước giao; chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng TSC đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng TSC được Nhà nước giao; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

TH.S tổng hợp

;
.
.
.
.
.