Nước mắt chảy xuôi

.

Vất vả nuôi con khôn lớn, chưa được đáp đền, người cha ấy đã phải ra tòa chứng kiến con bị xét xử. Càng đau đớn, đắng cay hơn khi bị hại trong vụ án lại chính là ông.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tại phiên xử lưu động một ngày giữa tháng 9-2017, khi vị kiểm sát viên công bố cáo trạng vụ án “Cố ý gây thương tích” do bị cáo P.V.D (SN 1994, ngụ quận Liên Chiểu) gây ra, phòng xử án xôn xao bàn tán xen lẫn tiếng thở dài, lời trách móc từ phía hàng ghế dự khán. Giọng ai đó hơi lớn, đầy phẫn nộ: “Có cái chuyện gì đâu mà con lại đi chém cha, thật không thể hiểu nổi!”. Sau vành móng ngựa, bị cáo cúi thấp đầu, bàn tay run rẩy bấu chặt vào vạt áo.

Bi kịch gia đình xảy ra vào chiều ngày 9-5-2017, D. bật nhạc rất to khi nhậu với bạn tại nhà cha mẹ. Lúc này, ông P.V. (SN 1964, cha ruột của D.) đang ngồi bẫy chim trước nhà đi vào và nói D. mở nhỏ nhạc nhưng D. bỏ mặc ngoài tai. Một lúc sau, thấy tiếng nhạc vẫn còn to, ông Â. đi vào, tự mở nhỏ nhạc và nhẹ nhàng nói với con: “Để ba bẫy chim xong rồi con mở nhạc to mấy cũng được”.

Chuyện tưởng chừng chẳng có gì lại bùng phát thành cơn giận dữ của đứa con trong lúc ngà ngà say. Chẳng nói chẳng rằng, D. đùng đùng đi xuống bếp, lấy một con dao chạy ra chỗ ông Â. ngồi, chém một nhát vào tay cha gây thương tích với tỷ lệ 15%. Vẫn chưa nguôi nỗi bực tức, khi cha bỏ chạy ra đường, D. quay vào nhà dùng 1 viên gạch đập vỡ kính cửa chính rồi quẹt ga, châm lửa đốt chiếc xe máy của ông Â. nhưng được mọi người can ngăn và dập lửa. Sau đó, mọi người đưa ông Â. đi cấp cứu.

Phần xét hỏi, tòa đau đáu: “Ông Â. có phải là cha ruột của bị cáo không? Tại sao bị cáo lại chém cha mình chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt, chẳng đâu vào đâu như vậy?”. Thinh lặng hồi lâu, D. ấp úng những lời biện minh không rõ chữ rồi im bặt. Tòa khuyên: “Cha mẹ của bị cáo đã vất vả, lam lũ nuôi bị cáo khôn lớn. Bị cáo trưởng thành, cha mẹ lại lo toan dựng vợ gả chồng. Bị cáo có tổ ấm riêng của mình, cha mẹ vẫn tiếp tục cưu mang cả gia đình nhỏ của bị cáo. Tấm lòng trân quý như thế của cha mẹ, bị cáo có ghi khắc trong lòng không?”. D. líu ríu gật đầu.

Tòa lại hỏi: “Vậy lúc bị cáo chém cha, bị cáo có nghĩ đến công ơn sinh thành của ông không? Bị cáo có nghĩ đến con bị cáo khi thấy cha chém ông nội sẽ suy nghĩ gì không? Bị cáo có nghĩ đến nỗi thương tâm của mẹ mình không?”. Lúc này, nghe tòa nói, D. rưng rưng bật khóc. Tấm lưng to bè của người thanh niên tuổi 23 khòm xuống, run bần bật. Hồi lâu, D. quay người về phía sau nhìn cha với ánh mắt thiết tha nỗi dằn vặt, day dứt hối lỗi.

Thấy con trai như vậy, cha của bị cáo, cũng là bị hại trong vụ án không giấu được sự đau khổ. Đôi mắt ông hoe đỏ, bàn tay vẫn còn in hằn di chứng sau vụ án lẩy bẩy vươn về phía con như muốn kéo con ra khỏi vành móng ngựa để trở về với vòng tay chở che của mình. Chừng như sực tỉnh, biết điều này là không thể, ông đột ngột thả rơi bàn tay. Bàn tay đập vào bàn vang lên tiếng động khô khốc như vết cứa sâu hoắm trong lòng ông. Sau quá trình điều trị, bàn tay của ông dần hồi phục nhưng động tác gập duỗi ngón tay và khớp cổ tay vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng nỗi đau thể xác nào có sánh được nỗi đau tinh thần?!

Nước mắt chảy xuôi, ông run run thưa với hội đồng xét xử: “Tôi tha thiết xin tòa xem xét giảm nhẹ mức án cho con tôi để nó sớm về với gia đình. Hôm đó, con tôi say rượu nên không kiểm soát được hành vi của mình, chớ bình thường, nó thương tôi lắm”. Nghe cha nói, D. lại càng cúi đầu thấp hơn.

Giờ nghị án, ông ngồi lặng thinh ở hàng ghế trên cùng, lặng lẽ nhìn xoáy vào tấm lưng của con trai, gục đầu thở dài. Tòa tuyên án D. 48 tháng tù giam, ông thẫn thờ, bất động nơi hàng ghế dự khán. Trong hốc mắt của ông, có dòng lệ ứa ra, chua xót và đắng cay…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.