Xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Hợp đồng chưa hoàn thiện vẫn ký

.

Sáng 8-1, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về cả hai tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”, trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (trái) và bị cáo Đinh  La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (trái) và bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN

Sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước; thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng cứ khống rút tiền dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng trên 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác.

Bên cạnh đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương, cùng với bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh được chia 4 tỷ đồng; đồng thời bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghe cáo trạng.Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghe cáo trạng.Ảnh: TTXVN

Lấy tiền tạm ứng để trả gốc, lãi nợ ngân hàng

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC bị thẩm vấn đầu tiên. Cũng như Trịnh Xuân Thanh, ông Thuận bị truy tố về hai tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”, theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình điều tra, bị cáo được cơ quan điều tra đánh giá thành khẩn khai báo, từng có nhiều thành tích trong công tác.

Tại phiên tòa, ông Thuận khai hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được duyệt phương án. “Vậy vì sao lại ký?”, tòa chất vấn. Bị cáo trả lời: “Ký để tạo công ăn việc làm cho người lao động và Chủ tịch HĐQT cũng đã đồng ý; ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác”.

Ông Thuận còn thừa nhận PVC không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để thực hiện dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, song lúc đó tình hình tài chính PVC khó khăn nên vẫn cứ nhận.

Ông Thuận khai sau ngày khởi công dự án đã giao cho Phó Tổng Giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư là PVPower tạm ứng. Nhưng do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư cho PVN. Hợp đồng 4194 được ký lại dựa trên hợp đồng 33 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện. “Chưa đủ điều kiện nhưng cứ ký để có tiền đúng không?”, thẩm phán hỏi và bị cáo Thuận xác nhận điều này.

Theo lời khai của bị cáo Thuận, khi có tiền tạm ứng, PVC rất khó khăn về tài chính nên lấy luôn tiền tạm ứng để trả gốc, lãi nợ ngân hàng... Ông Thuận giải thích do áp lực trả nợ tiền vay ngân hàng, khó khăn về tài chính ở thời điểm đó và “mọi việc đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh”.

Phủ nhận trách nhiệm

Khi tòa thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, cựu Phó Chủ tịch HĐQT PVC phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định “không biết, không được hỏi ý kiến” về những việc làm trái quy định tại PVC. Thẩm phán ngay sau đó đọc lời khai tại cơ quan điều tra và ông Quý đã thay đổi câu trả lời trước đó, thừa nhận “có ký duyệt chi tiền cho phương án tái cấu trúc”. Với nhiều câu hỏi của tòa, ông Quý đều phủ nhận có liên quan trách nhiệm hoặc nói “không nhớ”.

Tiếp phần trả lời của ông Quý, bị cáo Phạm Tiến Đạt, Kế toán trưởng PVC năm 2012-2013, khai rằng nhận nhiệm vụ vào giữa năm 2011 nên không biết việc ký hợp đồng EPC số 33. Sau này tiếp nhận, bị cáo thấy còn nhiều nội dung sơ sài.

“PVC thời điểm này bị mất cân bằng tài chính nghiêm trọng các nguồn nợ không biết trông vào đâu. Vì không còn cách nào khác nên khi có nguồn tiền tạm ứng, PVC gần như chi hết vào trả nợ ngân hàng. Còn các khoản đầu tư tài chính, không có nguồn vốn góp mà các anh chỉ đạo thì bị cáo vẫn phải thực hiện”, bị cáo Đạt khai.

Theo cựu Kế toán trưởng này, PVC dùng tiền tạm ứng để trả nợ ngân hàng gần 800 tỷ, góp vốn gần 200 tỷ đồng, số còn lại khoảng 100 tỷ đồng hỗ trợ vốn tự động cho các công trình… “Lúc chi tiền sai cứ nghĩ chỉ tạm chi rồi lại bù sau nhưng bây giờ thì đã thấy sai”, bị cáo Đạt nói.

Trả lời câu hỏi “Tại sao biết hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà vẫn ký tạm ứng?”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN khai rằng, thời điểm đó biết hợp đồng số 33 còn thiếu và sơ sài khi chỉ có 8 trang với 14 điều nhưng không nhận thức được là “không có khả năng thực hiện”. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Sơn mới ý thức được hợp đồng vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa xét xử, TAND thành phố Hà Nội đã triển khai theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của TAND Tối cao quy định về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Theo đó, phòng xét xử không đặt vành móng ngựa. Hội đồng xét xử ngồi trên cùng, ở vị trí cao nhất.

Đại diện Viện Kiểm sát và luật sư bào chữa ngồi đối diện nhau. Khi khai báo trước tòa, các bị cáo đứng trước bục mà không phải đứng trước vành móng ngựa. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo…

Vụ án có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm 17 bị cáo bị tạm giam, 5 bị cáo tại ngoại. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999; 8 bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

B.T

;
.
.
.
.
.
.