Những phận đời chênh vênh

.

Bị cáo ra tòa, có một tổ ấm chênh vênh nơi ngõ cụt của đói nghèo, có ba đứa trẻ ngơ ngác trước nước mắt bất lực của mẹ, có người mẹ già chật vật mưu sinh đỡ đần con cháu…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Ngày vợ báo tin mang thai đứa con thứ 3, niềm vui chưa tròn, N.N (39 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang) đã buông tiếng thở dài khi nhìn bóng lưng khòm của mẹ già xấp xỉ 80 tuổi, nụ cười hồn nhiên của hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Giấu nỗi lo lắng cho riêng mình, N. tiếp tục quần quật mưu sinh với mong ước giản đơn là có thể chăm lo bữa ăn chu toàn cho cả nhà. Thấu hiểu nhọc nhằn của bạn, khi nhận được công trình thi công rào chắn đường cao tốc, anh N.Th thuê N. đến làm để bạn vơi bớt nỗi lo toan. Ngờ đâu, niềm lo này chưa tan, nỗi buồn khác đã bất ngờ ập đến.

Công trình chưa hoàn thành, chủ đầu tư công trình chưa thanh toán tiền nên anh Th. không thể chi trả tiền công cho N. Trong khi đó, người thân của N. liên tục thúc giục về khoản tiền nộp học của con trai.

Nhiều lần hỏi lấy tiền không được, N. sốt ruột, cầm dao tự chế ra công trình với mục đích hù dọa để anh Th. trả nợ 3 triệu đồng tiền công. Anh Th. chưa có tiền trả, N. rối trí, dùng dao chém vào xe của bị hại làm lưỡi dao rơi xuống đường.

Trong cơn bí bách, N. không làm chủ được bản thân, tiếp tục dùng cán dao đánh vào ngực anh Th. khiến anh Th. ngã xuống đường. Rồi, N. đến lán trại xách bình hơi (trị giá 1,6 triệu đồng) về nhà để anh Th. sớm trả tiền cho mình. Nào ngờ, tiền đóng học phí cho con vẫn chưa lấy được, N. đã phải tra tay vào còng vì tội “Cướp tài sản” trong lúc người vợ cận kề kỳ sinh nở. 

2. Hôm tòa xử, N. co rúm người đứng ở bục khai báo, gương mặt trắng bệch vì căng thẳng, bàn tay bối rối hết nắm lại thả. N. lí nhí phân trần: “Bị cáo bị áp lực về khoản tiền nộp học cho con, sợ con thua thiệt, ảnh hưởng chuyện học hành nên mới nghĩ đến việc hù dọa, làm căng với anh Th. để lấy được tiền.

Bị cáo hết cách rồi, không suy nghĩ được cái chi nữa mới làm ra chuyện như rứa. Nhưng bị cáo chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cướp tài sản. Bị cáo lấy bình hơi về nhà là để anh Th. không có máy làm, trễ nãi công việc sẽ phải trả tiền công cho bị cáo”.

Nghe bị cáo khai, mẹ và vợ của N. ôm nhau khóc nức nở. Áy náy, anh Th. giãi bày: “Tôi bị đánh đau nên mới giận, chạy đi báo Công an để cho anh N. sợ. Cũng không có muốn đẩy anh N. vào cảnh khốn cùng như rứa. Không ngờ là mọi chuyện lại thành nghiêm trọng đến nỗi anh N. phải đi tù”. 

Bị hại cũng tha thiết xin tòa giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo: “Sau khi vụ án xảy ra, vợ của anh N. có qua nhà gởi tôi 1 triệu. Tôi biết hoàn cảnh gia đình của ảnh, lấy mô ra tiền mà bồi thường, chắc cũng chạy vạy vay mượn khắp nơi nên tui không có lấy. Người tôi không bị chi, công ty cũng không có thiệt hại gì nên mong tòa tạo điều kiện cho ảnh sớm về lo cho mẹ già, con thơ. Lúc trước, tôi cũng có viết giấy bãi nại cho bị cáo rồi”.

3. Giờ nghị án, người thân rụt rè bế đứa con thứ ba vừa hơn tháng tuổi đến bên bị cáo. Lần đầu tiên được nhìn thấy con, bị cáo vỡ òa run rẩy đưa đôi bàn tay thô ráp bế lấy con. Chiếc còng lạnh ngắt khiến đứa bé đang thiu thiu ngủ giật thót. Bị cáo cũng sững người, lắp bắp lời xin lỗi con trẻ. Đứng nhìn từ xa, vợ bị cáo đưa tay quệt mãi mà vẫn không hết những giọt nước mắt xót xa đang tuôn trào…

TAND huyện Hòa Vang tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam, bị cáo ngoái về phía sau, day dứt nhìn mãi bóng dáng nhỏ xíu của con thơ. Mẹ và vợ của bị cáo ngã khụy nơi hàng ghế dự khán, ánh mắt nhìn nhau đượm nỗi lo lắng.

Chỉ vì thiếu hiểu biết, bị cáo đã có ứng xử nông nổi để rồi đánh đổi tự do nơi chốn lao tù. Ba năm, chẳng biết mẹ và vợ của bị cáo sẽ chèo chống tổ ấm vốn đã ngặt nghèo như thế nào? Lại thương những đứa trẻ phải trải qua quãng thơ ấu thiếu vắng tình thương, sự dạy dỗ của cha…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.
.