Đề nghị y án 18 năm tù với ông Đinh La Thăng vụ PVN mất 800 tỉ đồng

.

Cho rằng không có tình tiết mới, VKS đề nghị bác kháng cáo, cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm.

Sáng 22/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 4. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

VKS cấp cao cho rằng, việc áp dụng pháp luật của toà cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan với tất cả các bị cáo.

Bị cáo Thăng có vai trò chính

Trong việc góp vốn vào Oceanbank (OJB), bị cáo Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận 6934 về việc tham gia góp vốn cùng Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OJB nhưng chưa thông qua HĐQT PVN là trái điều lệ của PVN. Việc góp vốn vào Ocenabank cũng trái chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Với lần góp vốn thứ 3, Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực nhưng Đinh La Thăng vẫn cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm đại diện 20% vốn tại OJB và không khống chế nghị quyết tăng vốn 2 đợt lên 5.000 tỉ đồng. Từ đó, các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN đã ký nghị quyết tăng vốn lần 3 là 100 tỉ đồng; vi phạm Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ của 1 tổ chức tín dụng”. Lần góp vốn này các bị cáo cũng không báo cáo Thủ tướng.

Đánh giá 3 lần góp vốn một cách tổng thể và biện chứng, VKS thấy rằng các bị cáo chưa thực hiện triệt để chủ trương, không thực hiện hết các yêu cầu của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc một cách có hệ thống. Việc các bị cáo báo cáo Chính phủ chỉ mang tính thủ tục.

Bị cáo Thăng cho rằng đã rời khỏi PVN nên không chịu trách nhiệm, nhưng theo VKS, nguyên nhân mất 800 tỉ đồng là do các bị cáo đầu tư một cách trái phép. Như vụ án Hà Văn Thắm, việc OJB mất vốn chủ sở hữu chỉ là vấn đề thời gian.

VKS nhận định, thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, các bị cáo còn lại đã thực hiện 3 lần góp vốn trái quy định vào OJB với tổng tiền 800 tỉ đồng. Do năng lực yếu kém của OJB và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, OJB đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỉ đồng vốn góp của PVN tại OJB đã bị mất hoàn toàn, buộc NHNN phải mua 0 đồng để khắc phục hậu quả ngân hàng này gây ra, ổn định kinh tế vĩ mô…

Trong vụ án này, theo VKS, bị cáo Thăng giữ vai trò chính, đưa ra chủ trương cố ý làm trái đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn. Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá quá trình đóng góp của bị cáo cho xã hội, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, được tặng nhiều danh hiệu cao quý, việc áp dụng quy định pháp luật với bị cáo là có cơ sở.

Sau khi xem xét các tình tiết, cơ quan này đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng -  nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và cho rằng không có tình tiết mới nên đề nghị cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Trước đó, toà sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái.

Không có cơ sở xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo

Đối với bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN), VKS nhận định: bị cáo Quỳnh là người giúp sức tích cực, là người phụ trách kế toán, hiểu biết rõ quy định và thực trạng của OJB. Ngoài ra, bị cáo còn nhận 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) nên bị cáo có vai trò quan trọng sau Đinh La Thăng. Vì vậy, VKS nhận định, tại phiên phúc thẩm, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đối với các bị cáo đồng phạm nguyên là thành viên HĐTV PVN, VKS cho rằng các bị cáo đã thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho ngành dầu khí… Tuy nhiên, mức án mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, ở phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo chưa đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Cũng trong phần luận tội, VKS cũng cho rằng không có căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Với kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn (với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) về 200 tỉ đồng giao cho Ninh Văn Quỳnh nhưng Ninh Văn Quỳnh khai chỉ nhận được 20 tỉ đồng, VKS thấy rằng chỉ có cơ sở xác định Quỳnh chiếm đoạt 20 tỉ đồng. Về việc này, Tòa sơ thẩm đã kiến nghị và đến nay, VKS tiếp tục đề nghị Tòa phúc thẩm kiến nghị làm rõ khoản tiền chênh lệch để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, VKS phân tích, Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị Ninh Văn Quỳnh chuyển 20 tỉ đồng này cho mình để bồi thường trong một vụ án khác; đại diện OJB cũng đòi chuyển 20 tỉ đồng này cho mình. Xét thấy, việc thi hành khoản tiền 20 tỉ đồng này thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội nên Tòa phúc thẩm không xem xét giải quyết.

Nếu Nguyễn Xuân Sơn và đại diện OJB tiếp tục có nguyện vọng thì làm đơn gửi cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.

Mức án tòa sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo:

Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch HĐQT PVN: 18 năm tù về tội Cố ý làm trái; buộc bồi thường 600 tỉ đồng.

Ninh Văn Quỳnh – cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN: 7 năm tù về tội Cố ý làm trái, 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 23 năm tù. Buộc bồi thường 100 tỉ đồng cho PVN.

Vũ Khánh Trường – cựu Thành viên Hội đồng thành viên PVN: 5 năm tù, buộc bồi thường 40 tỉ đồng.

Nguyễn Xuân Sơn – cựu Phó Tổng giám đốc PVN: 30 tháng tù

Nguyễn Xuân Thắng – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN: 22 tháng tù

Nguyễn Thanh Liêm – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN: 20 tháng cải tạo không giam giữ

Phan Đình Đức – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN: 15 tháng cải tạo không giam giữ

Các bị cáo Sơn, Thắng, Liêm và Đức mỗi người phải bồi thường 15 tỉ đồng cho PVN.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.