Mẹ chồng, nàng dâu và... tổ ấm tan vỡ

.

Một tổ ấm vừa tan vỡ, nhưng nguyên cớ lại không khởi phát từ hai người trong cuộc. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu không phải là vấn đề mới nhưng đến nay nhiều gia đình vẫn rơi vào bế tắc…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phòng xử dân sự của TAND quận Hải Châu hôm ấy chỉ có một người đàn ông đứng cô độc đối diện với hội đồng xét xử (HĐXX). Người đàn ông cao lêu khêu, gầy tong teo, da đen nhẻm, liên tục buông tiếng thở dài: “Tôi không ngờ hôm nay cô ấy lại xin xử vắng mặt”. Giọng trầm buồn, anh N.V.T (SN 1978) trút bầu tâm sự, anh và vợ, chị T.T.M (SN 1978, ngụ quận Hải Châu) vốn là bạn học thời sinh viên. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, anh đã yêu thương chị. Thế nhưng, mặc cảm với hoàn cảnh nghèo khó của mình, anh chưa một lần dám tỏ tình với cô tiểu thư phố thị.

Ra trường, anh vẫn lặng lẽ dõi theo cuộc sống của chị. Năm bước sang tuổi 36, cả hai đều chưa nên duyên vợ chồng với ai, anh đánh liều, quyết định hẹn chị cà-phê, ôn lại kỷ niệm cũ. Vài tháng sau, anh mạnh dạn tỏ tình và hạnh phúc khi chị gật đầu đồng ý. Trước ngày cưới, anh bày tỏ nỗi lo lắng về môi trường sống khác nhau sẽ là trở ngại, chị trấn an: “Chỉ cần mình có nhau là đủ”.

Theo chồng, chị rời Đà Nẵng về Bình Định gầy dựng tổ ấm. Thế nhưng, ngày vui của đôi vợ chồng chẳng kéo dài được lâu. Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần và rất cố gắng nhưng chị vẫn không thể hòa nhập với cuộc sống mới. Hôn nhân chớm nở vội rơi vào bế tắc. Những cuộc cãi vã ngày càng nhiều hơn.
Giọng buồn, anh thẫn thờ chia sẻ, mẹ anh rất khó tính, nhiều lần thể hiện thái độ không đồng tình với con dâu. Mọi nỗ lực thay đổi lối sống của vợ anh đều không được mẹ ghi nhận. Đỉnh điểm, cuối năm 2015, vợ anh mang thai nên tính cách có phần gắt gỏng hơn.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa mẹ chồng, con dâu ngày càng trầm trọng khi con dâu muốn dưỡng thai theo cách hiện đại, còn mẹ chồng vẫn bảo lưu quan điểm truyền thống. Cho đến khi đứa trẻ chào đời vẫn không thể xoa dịu căng thẳng của người lớn, thậm chí bất đồng quan điểm về cách chăm sóc trẻ sơ sinh càng khiến “cuộc chiến” gay gắt hơn. Từ không đồng ý ra mặt, mẹ chồng và nàng dâu chuyển sang “chiến tranh lạnh”. Khi không còn có thể gắng gượng với không khí bức bối, chị bồng đứa con chưa tròn 3 tháng về nhà cha mẹ ruột.

Anh thừa nhận phần lỗi của mình trong câu chuyện vì đứng ở giữa, bối rối không biết cư xử sao cho phải. Khó xử, anh “bỏ lơ” mối quan hệ phức tạp này và tuyệt vọng nhìn sự việc vượt quá tầm tay. Anh bảo, đến nay, anh không còn tình cảm với vợ nhưng thương đứa trẻ còn nhỏ đã gánh chịu nỗi đau gia đình ly tan.

Trong khi đó, tại các bản khai và những phiên tòa hòa giải, chị lại cho rằng, trong quá trình chung sống, vợ chồng không có mâu thuẫn. Mọi bất hòa dần nảy sinh khi mẹ chồng can thiệp nhiều và sâu vào cuộc sống của con cái. Dẫu vợ chồng đã ly thân từ tháng 12-2016 nhưng chị vẫn còn tình cảm với chồng và không muốn ly hôn. Mặc dù HĐXX đã dành nhiều thời gian để hàn gắn tình cảm, mong anh thay đổi quyết định nhưng anh vẫn cương quyết ly hôn. Nhận định mâu thuẫn vợ chồng không thể khắc phục, mục đích hôn nhân không đạt được, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện ly hôn của anh, giao con cho chị chăm sóc do đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Phiên tòa kết thúc, dẫu ở vai “thắng kiện” nhưng gương mặt anh thẫn thờ, ủ rũ. Có một giọt buồn vừa vương nơi khóe mắt trĩu nặng niềm đau của người đàn ông ấy...

YÊN LAM – KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.
.