.

Màu của nỗi nhớ

Thời còn mê thơ “lãng mạn”, đọc Đoàn Phú Tứ, hay thì có hay nhưng hiểu thì không hiểu nhiều lắm. Một câu hỏi ngây thơ cứ chờn vờn trong tâm trí tôi thuở ấy: Thời gian có màu sao? Có đúng là ông ấy nhìn thấy màu thời gian tím ngát như trong thơ ông:

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh…

Nhưng khi được xem tranh của  họa sĩ Đỗ Xuân Doãn vào đầu năm 2004, trong một lần ghé vào phòng tranh trên đường Đồng Khởi thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới ngộ ra một điều: Màu sắc không đâu xa, màu sắc tự trong mình. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là hình ảnh thôn quê  trong hồi ức một vùng đồng bằng Bắc Bộ nào đó. Đang sống giữa thành phố phương Nam, náo nhiệt, nhìn thấy bẹ chuối xanh non, đồng lúa như có gió lay, bỗng thấy lòng như dịu lại. Tranh của họa sĩ thật hiền lành, êm ả. Lũy tre tràn ngập màu xanh. Đứng dưới bức tranh treo trên tường cũng như cảm được cái rười rượi mát lành của gió quê, của bờ tre. Cánh đồng, từng bờ mương, ao nước tĩnh lặng như trong một miền ký ức xa xăm.

 Nhìn từng bức tranh ấm áp, dìu dịu của họa sĩ, khoan hãy bàn đến những giá trị nghệ thuật cao xa, nhưng cái yên ả một thuở thanh bình đem lại cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Nhưng ấn tượng hơn, đậm đà cảm giác trong phòng tranh là hình ảnh đây đó một Hà Nội, có lẽ chỉ còn tồn tại mơ hồ trong miền ký ức. Thì ra đây là phòng tranh của một người đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi thầm nghĩ, “phải thế chứ”. Phải là người Hà Nội, phải yêu Hà Nội, phải nhớ Hà Nội đến thế nào thì màu sắc, cảnh trí mới gợi lên được cái cảm xúc da diết, ấm áp đến vậy. Vì một lẽ nào đó, nay ông sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Tý một thời đã hát, “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Phải chăng đến lượt Đỗ Xuân Doãn, ông cũng lặng lẽ ca lên bài hát của mình: “Đi đâu rồi cũng vẽ về Hà Nội”.

Họa sĩ Đỗ Xuân Doãn là người Hà Nội. Những con phố nhỏ, những bụi bặm sông Hồng, những yên ả dưới tầng tầng gốc sấu, gốc sao nhập vào hồn ông từ thuở thiếu thời. Những con đường phố nhỏ ông qua, những gương mặt bạn bè thuở trong sáng nhất của đời người thấp thoáng trong nỗi nhớ, nỗi yêu Hà Nội. Lần đầu tiên ông làm quen với sắc màu trên con phố Yết Kiêu thân thuộc. Và những ngày Hà Nội khói lửa, ông chia sẻ với nỗi lo Hà Nội khi bom đạn dội xuống thành phố. Phút thanh thản vô tư khoảnh khắc ngưng còi báo yên, ông lại ngồi với mấy người bạn nơi cuối phố, một vỉa hè nào đó nhâm nhi ly cà-phê đắng. Rồi ông đi xa, Hà Nội  đã ở phía sau lưng, ông hòa nhập với cuộc sống mới, với đô thị mới ồn ào, náo động. Nhưng hóa ra không phải thế. Đôi chân ông đi xa, xa hàng ngàn cây số nhưng Hà Nội, nơi ông lớn lên với những kỷ niệm êm đềm thương mến  ấy thì ở trong lòng ông, giữa trái tim ông. Và từ đó nỗi nhớ trong ông hiện dần lên màu sắc để ông gửi vào những bức tranh.

Những tác phẩm của ông đều có tên riêng: Mùa thu Hà Nội, Gánh nước chè góc phố, Chợ hoa Hàng Lược, Vườn đào Nhật Tân, Cà-phê phố. Ở góc nhỏ trong căn phòng nhỏ là nét thanh thanh Hoa thủy tiên và chếch sang một chút là Ven hồ Trúc Bạch, là Xích lô Hà Nội, v.v… nhưng tất cả tụ trong một cái tên chung: Nỗi nhớ Hà Nội.

Vâng. Đỗ Xuân Doãn vẽ Hà Nội trong nỗi nhớ. Những cung bậc, sắc thái riêng tư của nỗi nhớ được ông thể hiện vào tranh với những sắc màu riêng, cho ta cảm nhận thật rõ trái tim ông hướng về Hà Nội, một Hà Nội  của riêng ông da diết, ấm áp, yêu thương, sâu nặng biết dường nào. Hà Nội đã lặng lẽ phủ bọc trong trái tim người họa sĩ xa quê hương từ hồi nào, ông không sao hiểu nổi.

Tại căn phòng nho nhỏ trên đường Đồng Khởi dạo đó, họa sĩ trưng bày chỉ 20 tác phẩm. Nhưng chừng đó cũng đủ dựng lên vẻ thanh lịch, quyến rũ một Hà Nội xưa, khi chiến tranh chưa  ập đến. Một Hà Nội thanh bình, yên ả. Chợ hoa tươi , sáng  rỡ phố cổ Hàng Lược. Vườn đào ấm áp sắc xuân Nhật Tân. Một chiếc tàu điện cũ kỹ ẩn hiện dưới vòm cây lá.  Dáng dấp nhỏ bé ông đồ viết chữ trên nền giấy đỏ. Một thiếu nữ trong se se lạnh chớm đông. Một quán cà-phê nhỏ và tia nắng vàng ươm ấm áp vào xuân. Cảnh ấy, người ấy hiện hữu bồi hồi Hà Nội trong ký ức, đan xen giữa mơ và thực trong nỗi nhơ dịu dàng, vô cùng ấm áp. Thiếu nữ trong “Hương bưởi”, Đỗ Xuân Doãn lưu giữ một thời thanh lịch Hà Nội. Dáng ngồi ấy, chiếc áo dài nền nã ấy và mái tóc dài đoan trang… Thiếu nữ ấy là chân dung xưa, Hà Nội nay không còn mấy nữa. Dẫu vậy, Hà Nội một thời ấy vẫn đọng lại trong hồn người Hà Nội.

Nhìn quán “cà-phê đen 3 hào” khiến ta nhớ lại những năm tháng chiến tranh. Ban ngày, còi rúc báo động. Bên này nhịp cầu Long Biên rung lên, bên kia kho đạn Đức Giang bốc cháy. Những đội viên tự vệ chạy trên con đường đổ ra bờ sông Hồng. Đỗ Xuân Doãn nhớ hết, nhớ từng viên gạch đỏ chói mép tường, nhớ từng đoàn xe đêm đêm rì rầm như âm thanh từ lòng đất vọng lên. Sau những giây phút căng thẳng, người Hà Nội lại tìm tới bạn bè, lại ngồi với nhau bên quán cà-phê đen “3 hào”. Với họa sĩ, Hà Nội có những phút bình yên đến khó tin, nhưng đó là nét rất riêng Hà Nội, không lẫn vào bất cứ nơi nào. Ông đôi khi tâm sự:

- Hà Nội vất vả náo động dưới những trận mưa bom của giặc. Nhưng sau những giây phút gian nguy ấy, ngồi thưởng thức ly cà-phê cùng bạn bè, thấy nó ngạt ngào làm sao. Trong chiến tranh có những khoảnh khắc thanh bình đến lạ, thật đáng yêu.

Có lẽ bức tranh “Cà-phê Hà Nội” là nỗi nhớ của họa sĩ vào khoảnh khắc bình yên hiếm hoi giữa hai đợt đạn bom đó chăng. “Xem tranh Đỗ Xuân Doãn ta thấy tâm hồn như thư thái hơn, như bình yên hơn, như dẫn ta về Hà Nội một thời quá khứ…”. Đã có một người xem tranh ông, thổ lộ vậy đó.

 Trong lần trưng bày sau, “Khai Xuân” vào mùa xuân 2006, Đỗ Xuân Doãn vẫn trở lại ký ức mình với  những tác phẩm: “Mùa thu Hà Nội”, “Gánh nước chè nơi góc phố”, “Hà Nội những ngày cấy đêm”… Quê hương, sao mà nặng lòng đến thế, họa sĩ?

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.