.

Đừng để chết vì thuốc lá

.

Thầy thuốc đối với bệnh nhân như thầy giáo đối với học sinh. Vì thế, đội ngũ y, bác sĩ của các cơ sở y tế phải là người không hút thuốc lá (HTL) để có thể đàng hoàng đưa ra lời khuyên bỏ thuốc đối với người mắc những bệnh có liên quan đến thuốc lá.

 

Mô tả ảnh.
Tại Đà Nẵng, mô hình “cộng đồng không khói thuốc lá” được triển khai ở 40 cơ sở y tế.

Ông L.V.P. trông già hơn tuổi 67 của mình, là một trong những bệnh nhân “thường trực” của Khoa Nội - Hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng, từ nhiều năm nay. Bác sĩ Trưởng khoa Văn Thị Thu Nguyệt cho biết, một năm, ông 7-8 lần cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: HTL

Tác hại của thuốc lá: SOS!

Các tài liệu y văn cho biết, thuốc lá là “thủ phạm” gây ra 4 bệnh tử vong hàng đầu trên thế giới: cơn đau tim, tai biến mạch máu não, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người đã bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà vẫn HTL thì nguy cơ bị ung thư phổi tăng từ 3 - 7 lần so với người bình thường.

Theo một đề tài nghiên cứu mới đây do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng thực hiện, ở Đà Nẵng, tỷ lệ HTL trên dân số là 21,7% (nam giới 40,3%, nữ giới 4,5%). Nếu căn cứ vào số dân gần 890.000 người do Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng đưa ra hồi tháng 12-2009 thì ước tính Đà Nẵng hiện có khoảng 193.130 người HTL (177.540 nam và 15.590 nữ).

Trên thế giới, trong các ca bệnh về đường hô hấp thì có đến 82% có nguyên nhân từ HTL. Ở Đà Nẵng, con số này là khá cao. Thống kê tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, trong năm 2009 có 2.143 bệnh nhân đến Khoa Nội – Hô hấp chữa bệnh về đường hô hấp thì có đến 249 ca mắc bệnh viêm phế quản mạn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (đều có nguyên nhân từ HTL), tỷ lệ trên 116%. Cũng con số này, năm 2010 là 355/2.014 (tỷ lệ trên 176%) và 8 tháng đầu năm 2011 là 254/1.736 (tỷ lệ trên 146%). Đó là chưa kể một số bệnh nhân đến khám, được chẩn đoán là ung thư phổi và phải chuyển qua Khoa Ung thư - Bác sĩ Thu Nguyệt cho biết thêm.

Trong số những bệnh nhân qua các năm nói trên, có ông L.V.P. Ông đã “thâm niên” 30 năm nghiện thuốc lá nặng, tới bệnh viện chữa trị xong, nghe lời khuyên bác sĩ, về nhà bỏ thuốc được mấy ngày rồi thì hút lại.
Xuất phát từ thực trạng báo động của cả nước về HTL, ngày 17-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 467/QĐ-TTg, thành lập Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá (tên tiếng Anh: Vietnam Steering Committee on Smoking and Health - VINACOSH). Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 3 tỉnh, thành (cùng với Thái Nguyên và Tiền Giang) nhận được Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng không khói thuốc lá” từ VINACOSH.

Cơ sở y tế “sạch” khói thuốc lá

Tại Đà Nẵng, phải 9 năm sau, Dự án mới chính thức được triển khai từ ngày 28-5-2010 tại 150 đơn vị, trong đó có 40 cơ sở y tế, 80 cơ quan hành chính (sở, ban, ngành, văn phòng UBND các cấp) và 30 cơ sở giáo dục (13 trường ĐH, CĐ và 17 trường THPT) đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng là cơ quan được giao thực hiện chương trình Dự án, triển khai các hoạt động liên quan. Một điều đáng mừng là, theo chị Hồ Tâm, cán bộ trung tâm, hiện có rất nhiều đơn vị không nằm trong dự án cũng đến trung tâm xin tài liệu, tờ rơi và mời cán bộ đến nói chuyện, tuyên truyền cho nhân viên của đơn vị về tác hại thuốc lá.

Khi xây dựng “Cơ sở y tế không khói thuốc lá”, Dự án không buộc cán bộ y tế bỏ thuốc mà là không hút trong khuôn viên đơn vị. Đối với những người chưa bỏ được thuốc lá thì chương trình này sẽ là một khó khăn cho họ, bởi hút trong khuôn viên đơn vị, sẽ bị xử phạt tùy theo quy định mà đơn vị ban hành như khiển trách, hạ bậc thi đua, trừ lương...

Chị Hồ Tâm đưa ra một ví dụ khá thú vị. Cứ tưởng tượng có một bác sĩ đang làm việc tại tầng 7 Bệnh viện Đà Nẵng, nếu thèm thuốc lá thì anh ta phải leo xuống hết tầng 1, rồi tiếp tục ra khỏi bệnh viện mới có thể “hít một hơi” xả cơn nghiện. Thời gian từ lúc xuất phát đến khi quay lại tầng 7 có thể mất gần 30 phút, trong khi các bệnh viện luôn quá tải thì lấy đâu ra thời gian mà làm như thế? Có thể từ sự khó khăn, phiền phức này mà bác sĩ đó có ý định bỏ thuốc lá cho khỏe thân. Đó cũng là mục tiêu sâu xa mà chương trình hướng đến.

Thầy thuốc đối với bệnh nhân như thầy giáo đối với học sinh. Vì thế, đội ngũ y, bác sĩ của các cơ sở y tế phải là người không HTL để có thể đàng hoàng đưa ra lời khuyên bỏ thuốc đối với người mắc những bệnh có liên quan đến thuốc lá. Bác sĩ Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hải Châu, cho biết cũng may là nếu cai nghiện được thuốc lá thì tác hại của nó giảm xuống rất nhanh, trở về bình thường. Đó là điều đáng để người nghiện bỏ thuốc.

Bác sĩ Đoàn Ngọc Phong, Chuyên Khoa Lao và Bệnh Phổi – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, thì cho rằng, để bỏ thuốc thì quyết tâm là yếu tố quyết định: Hiểu biết + Quyết tâm + Hỗ trợ = Thành công. Để góp phần vào công việc cai nghiện thuốc lá thành công – bác sĩ Phong nói, ngành Y tế cần tăng cường các chương trình truyền thông nhằm cung cấp kiến thức, nhất là tác hại của HTL đối với bản thân người hút, các thành viên trong gia đình mà đặc biệt là đối với trẻ em. Ngoài ra cũng nên thành lập những đơn vị hướng dẫn cai thuốc lá hỗ trợ cho người cai khi gặp những tác dụng phụ do thuốc lá gây ra.

Khó khăn trong xây dựng “mô hình cộng đồng không khói thuốc lá” là hiện nay trên thị trường thuốc Đà Nẵng chưa có thuốc điều trị cai nghiện. Và như thế, vẫn còn thiếu một sự hỗ trợ mạnh mẽ để những người nghiện thuốc lá nặng như ông L.V.P. không phải nhập viện vì khói thuốc lá.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.