.

Sách là bạn

Ngày còn là học sinh Trường Phan Châu Trinh-Đà Nẵng, thầy giáo dạy sử của tôi nói rằng các em chỉ cần ghé vào hiệu sách, giở một vài cuốn sách thôi, cũng đã có ý nghĩa rồi… Tôi hiểu thầy nói câu đó để khuyến khích học trò đọc sách. Có lẽ sự khuyến khích của thầy cô giáo những năm ngồi ghế nhà trường đã giúp cho nhiều người sau này lớn lên còn gắn bó với sách vở, coi đó như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày!

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số và Internet, từng có lo ngại từ hơn mười năm trước rằng sách báo in nói chung sẽ không còn chỗ đứng. Nhưng các nghiên cứu của đại học Harvard đã cho thấy không đến nỗi như vậy. Internet có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin tức thời, các phương tiện kỹ thuật số có thể thu gọn như cuốn vở học trò và chứa vài ba ngàn cuốn sách, mà ta ngỡ là có thể mang cả một thư viện bên mình khi đi bất cứ đâu… Nhưng chớ vội. Tất cả những tiến bộ như vậy đều không thể thay thế được vai trò của sách. Nhà khai sáng người Pháp, nổi tiếng với học thuyết tam quyền phân lập, Nam tước Montesquieu, khi nói chuyện đọc sách có một câu hàm súc: Đó là đánh đổi những giây phút buồn chán để lấy những ngày giờ lý thú. Đọc sách không chỉ để giải trí, thư giãn mà còn để biết thêm thông tin và kiến thức…

Nhưng nhiều người khác còn cho rằng đọc sách cũng như kết bạn: Xấu và tốt gần nhau, tùy cách chọn lựa của chúng ta. Đây là điều quan trọng nhất.

Kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi năm nay đã 87 tuổi. Nhờ mê sách, đọc sách nhiều năm mà từ khi về hưu, ông trở thành một… nhà văn trẻ với cả chục đầu sách, từ truyện ngắn, truyện lịch sử đến kịch bản phim. Nhiều tác phẩm của ông đã được trao giải thưởng. Lúc nào đến thăm, tôi cũng thấy ông phấn chấn như một người trai trẻ vì còn làm được nhiều điều có ích. Một người bạn khác của tôi ở quận Cẩm Lệ, anh từng đi lính và bị bom đạn cướp mất cả đôi chân từ trước năm 1975, phải ngồi xe lăn tay. Thế nhưng bằng tình yêu sách vở, anh trở thành người dạy học môn toán tại gia, nghiên cứu cả dịch lý và làm nghề thuốc. Nay thì anh đi xe máy cải tiến dành riêng cho người tàn tật và có nhà cửa khang trang…

Nhiều anh nông dân ở Quảng Nam đã trở thành nông dân giỏi hoặc tự sáng chế ra các công cụ sản xuất mà báo chí đưa tin, cũng nhờ mày mò từ các trang sách. Ở đó là các kinh nghiệm, kiến thức được đúc kết từ khắp nơi, ở nhiều thời khác nhau, được họ mang ra ứng dụng trong công việc hằng ngày…

Tuy vậy, không phải ai cũng thấy hết giá trị của việc đọc sách, mà ngược lại. Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng sẽ mất thì giờ nếu ngồi đọc một cuốn sách, họ chỉ cần nghe thời sự, đọc vài bản tin trên mạng hoặc xem ti-vi là đủ! Tôi từng tặng một chủ tịch xã cuốn “Những vấn đề của nông thôn hiện nay” quy tụ nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng lúc anh vừa được bầu lên. Nhưng anh ấy cầm sách mà không lộ vẻ thích thú gì, còn nói: “Hằng ngày đọc báo tôi cũng hiểu nhiều vấn đề ở nông thôn rồi!”. Hậu quả là, cái xã ấy ngày nay ì ạch nhất trong những xã của khu vực dọc sông Thu Bồn với nhiều tệ nạn xã hội, môi trường… Một lần ghé nhà, tôi thấy cuốn sách tôi tặng nằm chung với vài cuốn lý luận dày cộp khác chen giữa mấy hộp rượu ngoại. Nhưng các cuốn sách đóng đầy bụi…

Có một ông chồng trẻ hàng xóm suốt ngày ngồi đọc, đọc đến cận cả mắt. Nhưng tôi thấy sách anh ta đọc chỉ toàn là truyện vụ án, chuyện ngoại tình, lừa đảo… mượn ở tiệm cho thuê sách gần nhà. Không nói, nhưng tôi chắc rằng ai cũng đoán ra đó là một kẻ đang thất nghiệp, chỉ ngồi nhà giữ trẻ cho vợ!
Cho nên, nhân “Ngày đọc sách và bản quyền thế giới” mà UNESCO đã chọn hằng năm, ta có thể nói thêm: Hãy cho tôi biết anh đọc sách gì, tôi sẽ biết anh là ai!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.