.

Trần Quý Cáp với phong trào Duy Tân ở Đà Nẵng

Viết một cái gì mới về Trần Quý Cáp lúc này thực khó, bởi lẽ những gì chúng ta đang biết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ quá ít ỏi so với hai người còn lại trong bộ ba Quảng Nam - do cụ Trần qua đời sớm, ngay từ năm 1908, trước cụ Phan 18 năm và trước cụ Huỳnh 39 năm. Thu hẹp vấn đề vào mối quan hệ giữa Trần Quý Cáp với phong trào Duy Tân ở Đà Nẵng - hiểu theo địa giới hành chính hiện nay - là một nỗ lực nhằm tạo sự khác biệt với các nghiên cứu trước đây, nhưng chắc cũng chỉ mong góp thêm một nén tâm nhang nhân kỷ niệm 104 năm cụ ra đi, chứ không kỳ vọng mấy vào khả năng có thể mang lại phát hiện gì mới hơn những kiến giải sẵn có trong thiên hạ.

Có thể nói con sông Yên chảy trên đất Hòa Vang rất có duyên với phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX nói chung và với Trần Quý Cáp nói riêng. Phía hữu ngạn thiên về xu hướng hậu dân sinh do phong trào Duy Tân phát động. Bản thân cụ Trần từng về làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến xây dựng nông hội và chính thành công của Nông hội (1) Cẩm Nê đã gợi hứng cho cụ sáng tác bài ca trù Khuyến nông nổi tiếng. Trong khi đó, phía tả ngạn lại thiên về xu hướng khai dân trí - cũng do phong trào Duy Tân khởi xướng. Từ mùa xuân năm Bính Ngọ 1906 tại làng Cẩm Toại, xã Hòa Phong đã xuất hiện một trường dạy - học theo lối mới: “Trường Cẩm Toại dạy chữ quốc ngữ và các môn khoa học mới theo phương pháp và sách giáo khoa chung của các trường duy tân trong tỉnh Quảng Nam...” (2). Có lần cụ Trần từ Nông hội Cẩm Nê vượt sông Yên sang thăm trường tân học Cẩm Toại và đã mời thầy giáo - học trò Lâm Nhĩ của Trường Cẩm Toại đến giảng chuyên đề về dân tộc Chăm tại trường tân học Diên Phong bên Phong Thử (3).

Như vậy, Trần Quý Cáp với tư cách lãnh tụ của phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX đã có những hoạt động trực tiếp và cụ thể trên địa bàn Đà Nẵng - đây là chỗ khác so với cụ Phan và cụ Huỳnh. Thật ra cụ Phan và nhất là cụ Huỳnh không phải không từng có mặt ở Đà Nẵng. Trong bài thơ khóc cụ Trần, cụ Huỳnh có nhắc đến buổi hai cụ chia tay nhau khi cụ Trần rời quê hương để vào nhận chức giáo thọ Ninh Hòa: “Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ/ Ðà Nẵng phân trầm tửu thượng ôn” - Chia tay chén rượu còn đương nóng/ Ðà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền. Sau này làm báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh cũng có ý định chọn Đà Nẵng làm nơi đặt tòa soạn và đã nhiều lần từ Huế vào Đà Nẵng chuẩn bị các nguồn lực cần thiết nhưng cuối cùng chính quyền bảo hộ buộc Cụ phải chuyển tòa soạn Tiếng Dân ra Huế. Tuy nhiên, khác với cụ Trần, trong khuôn khổ phong trào Duy Tân, cả cụ Phan và cụ Huỳnh đều không có những hoạt động trực tiếp và cụ thể trên địa bàn Đà Nẵng.

Đặc biệt, Trần Quý Cáp từng sáng tác một số bài thơ về Đà Nẵng như Vãn quá Hải Vân quan hoặc Đà Nẵng cảm hoài…, qua đó bộc lộ nhãn quan chính trị của riêng cụ trên cái nền tư tưởng chung mà cả bộ ba Quảng Nam và phong trào Duy Tân đất Quảng đang theo đuổi. Như mọi người đều biết, bộ ba Quảng Nam - trong đó có bản thân cụ Trần - và phong trào Duy Tân đất Quảng chủ trương đấu tranh bất bạo động, khác với Duy Tân hội do Tiểu La Nguyễn Thành và Phan Bội Châu khởi xướng vốn chủ trương đấu tranh bạo động. Nhưng tư tưởng bất bạo động của chính Trần Quý Cáp - lãnh tụ phong trào Duy Tân đã không kìm được nguồn thi hứng trào dâng của Trần Quý Cáp - nhà thơ khi cụ viết lên những dòng thơ lửa cháy: “Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại / Nộ quyền huy phá bạch vân đoan” - Lam Giang dịch: Ánh mắt trông mòn làn sóng thẳm / Thoi tay muốn phá lớp mây mù (Vãn quá Hải Vân quan), hoặc “An năng tái khởi Trần Hưng Đạo / Cọng vãn Đằng Giang vĩ đại công” - Lam Giang dịch: Làm sao gọi Đức Trần Hưng Đạo / Diễn lại Đằng Giang trận khác thường (Đà Nẵng hoài cảm)…

Suy đến cùng thì cũng không có gì mâu thuẫn khi một người đang chủ trương đấu tranh bất bạo động, thiên về các hoạt động khai trí trị sinh như Trần Quý Cáp lại vung nắm đấm trong thơ, lại mong một trận thủy chiến Đằng Giang lừng lẫy năm xưa được tái diễn ngay trên sóng nước Hàn Giang và tất nhiên là trong không gian nghệ thuật; song chí ít thì những thăng hoa nghệ thuật này cũng chứng tỏ Trần Quý Cáp không hề loại trừ khả năng đấu tranh bạo động. Không phải ngẫu nhiên mà Tiểu La Nguyễn Thành - người đang chủ trương đấu tranh bạo động lại rất mực đề cao Trần Quý Cáp. Cụ Huỳnh khi viết Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện đã nhắc lời Tiểu La nói với Phan Bội Châu: “Được một người tốt có đảm thức, hỏi ai? - Chỉ có Thai Xuyên” cùng lời Tiểu La nói với Phan Châu Trinh: “Nếu được một đôi người như Thai Xuyên, có việc gì chả làm xong”(4). Tuy nhiên, cũng không thể dựa vào những hội thoại ấy để nói rằng Trần Quý Cáp đích thị là người của Duy Tân hội. Rõ ràng đằng sau câu tự trả lời của Tiểu La “Chỉ có Thai Xuyên” có một ý hàm ngôn mà tuy không nói ra nhưng cả Tiểu La và Phan Bội Châu đều thấu hiểu: “Tiếc rằng Thai Xuyên đã đi theo con đường đấu tranh bất bạo động”. Cần thấy chỗ khác biệt giữa Trần Quý Cáp - và cả bộ ba Quảng Nam nữa - với Tiểu La Nguyễn Thành và Phan Bội Châu không phải là bạo động hay không bạo động mà là bạo động/khởi nghĩa vũ trang trong điều kiện về nội lực như thế nào, về dân trí ra sao… để không bị kẻ thù dìm trong bể máu, để không rơi vào cảnh “đuổi sói cửa trước rước hùm cửa sau”, để khỏi trở về số không tay trắng do giành được mà không giữ được… Có điều dẫu khác biệt đến mấy về phương thức đấu tranh thì những con người yêu nước đau đời và đầy khát vọng đổi thay ấy vẫn cứ thành tâm tôn kính nhau, vẫn đi lại với nhau như tri âm tri kỷ - cho nên không có gì khó hiểu khi Tiểu La khen Trần Quý Cáp trước mặt Phan Châu Trinh chứ không chỉ khen trước mặt Phan Bội Châu.

Ở Đà Nẵng bây giờ có con đường mang tên Trần Quý Cáp chạy thẳng ra bến cảng năm xưa cụ Huỳnh tiễn bạn đi Ninh Hòa với chén rượu còn đương nóng; có ngôi trường mang tên Trần Quý Cáp nằm gần quê Ông Ích Đường - một người Đà Nẵng đã tháp tùng bộ ba Quảng Nam trong chuyến Nam du năm 1905; có một số hậu duệ của cụ đương là công dân của cái thành phố mà sinh thời cụ nhìn đâu cũng thấy nhức mắt bởi lá cờ tam sắc như có lần cụ giãi bày bộc lộ trong thơ… Và không chỉ có vậy, bởi hình ảnh của cụ, ấn tượng về cụ - lãnh tụ phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX - vẫn luôn sâu đậm trong trái tim nhiều người Đà Nẵng.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Xem Tuyển  tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002, trang 836, 837.
(2) Xem Trường Tiểu học An Phước - 95 năm truyền thống, NXB Giáo dục, 2003, trang 8.
(3) Xem Tài liệu đã dẫn, trang 47.
(4) Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 1267.

;
.
.
.
.
.