.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Phan Châu Trinh, con người khảng khái

.

Chỉ có con người “bạt mạng” như học giả Nguyễn Văn Xuân mới dám gọi Phan Châu Trinh là “kẻ bạt mạng” chứ thực tình chưa ai dám gọi.

Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng.
Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng.

Trong sách Phong trào Duy tân (NXB Đà Nẵng, 1995) học giả Nguyễn Văn Xuân đã viết “Phan Châu Trinh tuy có bề ngoài nghiêm trang, nóng nảy, hăng hái, nhưng bên trong vẫn là người nhiều tình cảm... Nhưng tình cảm và lý trí của ông không giống hầu hết các nhà Nho khác. Vì ông vừa có cốt cách đại nho lại là kẻ “bạt mạng” vừa ở trong khuôn khổ, vừa muốn luôn luôn đạp phá khuôn khổ”.

Nhìn lại cuộc đời của Phan Châu Trinh chúng ta thấy nhận định này hoàn toàn chính xác. Từ khi còn đi học cho đến khi làm quan rồi hoạt động cách mạng Phan Châu Trinh luôn thể hiện là con người “bạt mạng” không khuất phục trước bất cứ một uy vũ nào. Ông luôn thể hiện cái hùng khí của một bậc vĩ nhân. Huỳnh Thúc Kháng đã chứng thực điều này như sau:

“Tiên sinh là người thích thảng, không có cách cẩn thứ mực thước như bọn hủ đạo đức, bình sinh trong quan trường, cõi sắc, đám bạc, cuộc say, chỗ nào cũng chui mình vào không thèm trớ tránh chi cả, song đã biết là lụy thì tức thì gò ngựa, không bước vào nữa... không có chút gì là quyến luyến. Thường bảo ông Nghè Trần cùng tôi rằng: người ta lâm vào cái cảnh tình dục ham muốn, vào trong ấy mà ra lại được mới là hào kiệt, mới là không nịch (chìm đắm), như các anh là đứng ngoài xa trông vào mà đã sinh lòng sợ, không dám lại gần đó mà thôi, nhất đán vào trong, biết đâu không mê mà bị nó làm lụy mình như các người khác. Ông Nghè Trần thâm phục câu nói ấy”. (Sđd tr.36).

Lúc còn là học sinh ông đã ngang tàng, khí khái không biết sợ ai. Cái thời mà quân sư phụ được xem là bất khả xâm phạm, đạo thầy trò trọng như non thế mà ông đã “dám chơi thầy một vố tối tăm mặt mày và rất xứng đáng” (thầy ở đây dĩ nhiên là những quan Huấn, quan Giáo chuyên vòi vĩnh vào các kỳ khảo hạch). Điều này đã được Huỳnh Thúc Kháng kể lại trong tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ.

Khi làm Hành tẩu bộ Lễ ở Huế (chỉ là nhân viên quèn), ông đã dám đối mặt lý sự với một đại quan Ngự sử (chức quan chuyên can gián vua). Nguyễn Văn Xuân kể: “Một hôm ở Huế, tại nhà Đào Nguyên Phổ, Phan Châu Trinh cùng anh em bàn văn Âu Dương Tu và Tô Đông Pha, hai đại văn hào đời Tống.

Vừa lúc ấy có Ngự sử họ Huỳnh đến. Cuộc bàn luận đang say. Huỳnh Ngự sử bảo:

- Các anh có phải Âu, Tô, sao dám bàn văn Âu Tô?

Phan Châu Trinh mặc dù chỉ là chức quan nhỏ, lại còn nhỏ tuổi vẫn tiến lên chào và trả lời quan Ngự sử:

- Cứ như lời quan lớn thì chức Ngự sử triều đình cũng chỉ là hư thiết đó thôi.

Trời! Chức Ngự sử lập ra không thực tế. Thằng cha này hỗn và phạm thượng quá cỡ. Nhưng Ngự sử Huỳnh  cũng nén sự tức giận, hỏi lại:

- Anh nói cái gì vậy?

Phan Châu Trinh ung dung đáp:

- Không phải Thiên tử không nói việc Thiên tử, không phải Tể tướng không dám bàn việc Tể tướng thì chức Ngự sử không phải hư thiết hay sao?

Cả mọi người nghe lối lập luận chắc như đinh đóng ấy cùng cười ồ cả lên. Quan Ngự sử lấy làm thẹn”. (Sđd, tr.165-166).

Nguyễn Văn Xuân cho rằng, Phan Châu Trinh không sợ trước bất cứ uy vũ nào kể cả uy vũ ghê gớm của Tây gác tù là thứ không còn biết gì đến nhân đạo. Ông thuật lại lời kể của Huỳnh Thúc Kháng về chuyện Phan Châu Trinh bị tù ở Côn Đảo: “Gardien Chef (giám thị trại giam) vào hỏi, tiên sinh biện bạch cứng cỏi. Chef tay cầm roi lăm le, tiên sinh giựt mà bẻ ngay. Anh Chef giận, xin với tham biện phạt bốn ngày xiềng. Lại lần khác, tên cai mã tà cầm xâu chìa khóa giá lên muốn đánh, tiên sinh thuận tay bắt lấy, quăng một cái rủi nhằm trán tên cai ấy đổ máu”.

“Một lần khác nhân có bệnh dịch người ta muốn đem tiên sinh nhốt vào bagne (trại giam tù khổ sai), nơi đang có dịch để ông chết. Nếu ông chịu nói một tiếng ngọt với lý hương làng An Hải (một làng ở Côn Đảo, nơi cụ Phan bị giam lỏng gần 3 năm - ĐNCT) thì chả có việc gì, nhưng ông khảng khái bảo: “Con ma chuyên chế, con sát cường quyền cũng kiêng thần tự do trong mình tao, đồ dịch quỷ làm gì”. Thế rồi ông vào bagne ở”.

Tính khảng khái và bạt mạng của Phan Châu Trinh thể hiện rất rõ trong chuyện gửi thư Thất điều cho Khải Định. Trong thư ông đã hạch hỏi, chửi bới thậm tệ vị “đương kim hoàng đế” và còn tuyên chiến một mất một còn với Khải Định: “nguyện để cho cái đầu của tôi cùng với cái quân quyền chuyên chế dã man của Bệ hạ đồng thời rơi xuống đất”. (Lê Thị Kinh, Những tư liệu mới về Phan Châu Trinh, Quyển II, NXB Đà Nẵng, 2001, tr.255).

Nhưng có lẽ sự “bạt mạng” của Phan Châu Trinh được thể hiện rõ nhất trong những bức thư ông viết cho quan ba Caron, quan sơ thẩm Tòa án binh Paris khi ông bị bắt giam trong ngục Santé vào năm 1915: “Quan lớn bảo thằng nào buộc quan lớn phải hành hạ tôi cực khổ 7 tháng nay, nó đem gươm súng tới mà nó giết tôi tại buồng giam 6-21 nhà giam Santé đi. Quan lớn bảo nó đừng có khêu gan chọc tức thằng Phan Châu Trinh này. Thằng Phan Châu Trinh thà chết thì nó xách cái đầu của nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng sợ giam đâu, nó chẳng chịu làm thân trâu ngựa để người ta cưỡi lên đầu lên cổ nó đâu.

Quan lớn làm tức tôi thế này thì tôi thà chết, chết ngay tại giữa buồng giấy quan lớn. Tôi thề lấy máu mà tôi bôi đầy đầu, đầy cổ, đầy mặt quan lớn thôi. Tôi bôi cho đỏ cả cái bàn giấy gian dối, không công bằng của quan lớn ra thôi. Tôi chẳng chịu chết mòn, chết rục, chết vắng chết thầm ở cái buồng giam 6-21 nhà giam Santé đâu”. (Lê Thị Kinh, sđd, tr.97, 98).

Gan đến thế,“bạt mạng” đến thế là cùng. Liệu ai dám sánh với ông?

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.