.

Mãi giữ tình đồng môn

.

Cho dù có khác nhau trong mưu sinh và cuộc sống, tất cả đều dành những tình cảm chân thành cho nhau, về những bạn học đã một thời chung lớp dưới mái trường Phan Châu Trinh ắp đầy kỷ niệm.

Họp mặt thầy, cô giáo và học sinh cũ THPT Phan Châu Trinh tại TP. Hồ Chí Minh tháng 4-2012.
Họp mặt thầy, cô giáo và học sinh cũ THPT Phan Châu Trinh tại TP. Hồ Chí Minh tháng 4-2012.

Năm nào cũng vậy, cứ Chủ nhật sau Tết, những cựu học sinh Phan Châu Trinh khóa 1966-1973 chúng tôi lại họp lớp để thăm hỏi nhau, chúc mừng năm mới. Tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, thăm hỏi chúc tụng, đàn hát rộn ràng... Mặc dầu chúng tôi chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành “người cao tuổi” với nét thời gian đã hằn lên từng khuôn mặt, mái tóc, dáng hình, song bên nhau tất cả như trẻ lại cùng kỷ niệm xanh của tuổi học trò. Cũng choàng vai, bá cổ; cũng cùng nhau hát vang bài “Lên đàng”, bài “Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh”… mà thầy Hoàng Bích Sơn từng dạy.

Xen trong câu chuyện xưa là thăm hỏi gia cảnh, sức khỏe của các bậc sinh thành, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái của nhau. Trần Mãn, thường trực Ban liên lạc của lớp đã làm rất tốt chiếc cầu nối tình cảm này, là trung tâm thông tin cho cả chuyện vui lẫn chuyện buồn của lớp. Có thông tin về chuyện buồn, bạn bè lại tụ tập đến chia sẻ; có bạn gặp hoàn cảnh quá khó khăn bạn bè gần xa lại gom góp hỗ trợ; vật chất tuy không nhiều nhưng tình cảm tràn đầy. Có đám cưới của con bạn nào trong lớp, cứ nghe a-lô của Mãn là đi, không câu nệ có giấy mời hay không. Rất học trò!

Chính tình đồng môn vô tư ấy đã gắn kết bạn bè xa gần lại với nhau một cách tự giác, tự nguyện và nhờ đó duy trì được các buổi họp lớp đều đặn qua nhiều năm. Phấn khích vì tình bạn, nhà báo Trương Điện Thắng, một cựu học sinh của lớp cũng đã có vài ba bài viết về những người bạn thành danh của lớp và cả chuyện họp lớp. Chuyện gì thì chuyện, nhưng cuối cùng sôi nổi nhất cũng vẫn là chuyện học xưa học nay, chuyện trường xưa trường nay với nhiều so sánh.

Năm 1966, phần đông chúng tôi vào lớp Đệ thất (nay là lớp 6) Trường Phan Châu Trinh ở độ tuổi 12 sau một kỳ thi tuyển sinh khá gay cấn với tỷ lệ một chọi mười. Ngày ấy bậc trung học chia thành 2 cấp: trung học đệ nhất cấp (nay là THCS) và trung học đệ nhị cấp (nay là THPT). Lứa chúng tôi vào Trường Phan Châu Trinh vào thời điểm diễn ra nhiều sự kiện đáng nhớ: Ngày 24-3-1966, tượng Cụ Phan được dựng trước cột cờ sân trường, nhân húy nhật lần thứ 40 của Cụ; cuối năm học 1966-1967, trường trở thành trường trung học có đủ hai cấp dành cho nam sinh duy nhất của thị xã Đà Nẵng sau khi chuyển toàn bộ nữ sinh sang Trường Nữ Trung học Hồng Đức mới thành lập.

Vào Trường Phan Châu Trinh ngày ấy (và chắc cả bây giờ cũng vậy) là một vinh dự lớn lao. Bởi sự tranh đua học tập quyết liệt để có tên trong danh sách trúng tuyển. Bởi ngày ấy số trường công lập còn ít hơn trường tư. Bởi Phan Châu Trinh là trường trung học công lập toàn cấp có truyền thống dạy và học tốt; những trường trung học công lập khác tại Đà Nẵng chỉ mở đến Đệ tứ (lớp 9), lên Đệ tam (lớp 10) được chuyển về học tại Trường Phan Châu Trinh.

Nhiều bạn trong lớp vẫn còn giữ được học bạ, bảng tên, bằng khen... Cũng nhờ đó mà có chứng cớ để giải đáp cho sự tranh cãi giữa các bạn trong lớp về tên trường trước 29-3-1975: Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh? Lời giải đáp là cả hai tên này đều được sử dụng trên cùng một học bạ, trên cùng một giấy khen.

Qua 7 năm theo học tại trường, 3 năm đầu, tên trường và con dấu trên học bạ đều là Phan Chu Trinh; 4 năm sau tên trường là Phan Châu Trinh, con dấu vẫn như cũ. Lạ lùng hơn là trên Bảng danh dự (như Giấy khen bây giờ) ở cùng thời gian đó, con dấu lại là Phan Châu Trinh. Chẳng lẽ cùng lúc trường lại có hai con dấu với hai tên trường khác nhau? Trả lời chính xác điều này chắc là phải nhờ đến các thầy giáo vụ lúc bấy giờ.

Một chi tiết cũng khá lý thú liên quan đến tên trường là trường chính thức mang tên Phan Châu Trinh vào năm 1954 - năm mà lứa học sinh chúng tôi chào đời - theo đề nghị của giáo sư Bùi Tấn và của Hội đồng giáo sư. Thầy Tấn là Hiệu trưởng vào thời gian đó, là tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa toán nổi tiếng và cũng là thầy dạy toán của chúng tôi sau này.

Nhớ về trường xưa, bất cứ cậu học trò nào cũng nhớ về những Người Thầy đáng kính của mình. Chúng tôi mỗi lần họp lớp, xen trong câu chuyện xưa bao giờ cũng là kỷ niệm về những thầy, cô giáo khả kính đã từng gắn bó với lớp...

Ngày ấy, thầy, cô giáo cũng có người dạy thêm (gọi là dạy cours, ai muốn học thì học) nhưng tuyệt nhiên không ai phàn nàn về chuyện dạy thêm ngoài giờ so với chất lượng dạy của thầy, cô trong giờ chính khóa.

Vậy là đã trên 20 năm chúng tôi duy trì họp lớp. Nhớ lại đầu những năm 90 thế kỷ trước, sau hơn 15 năm vắng tin nhau, một số bạn gặp tôi bảo: “Ông chủ trì họp lớp đi chứ!”. Tôi trả lời, lấy tư cách gì mà triệu tập họp, mà chủ trì đây. Các bạn bảo, ông là lớp trưởng kia mà. Tôi không chịu làm lớp trưởng nhưng chịu làm công việc chủ trì họp lớp và được các bạn tín nhiệm bầu làm trưởng ban liên lạc lớp trên 20 năm qua. Đã mấy lần xin “từ chức” vì “đảm đương” nhiệm vụ hơn 4 “nhiệm kỳ” và cũng vì không muốn “tham quyền cố vị” nhưng các bạn chưa chịu. Thì thôi, đành phải chấp nhận nhưng cũng đề nghị lại với các bạn là khi nào về hưu thì... hưu luôn chức trưởng ban liên lạc.

Dòng chảy thời gian đã đưa các cậu học trò rụt rè bỡ ngỡ năm nào trở thành người lớn. Mỗi người một số phận. Có người thành đạt nhưng cũng có người kém may mắn ở mặt này mặt khác; có nhiều người đang ở thành phố nhưng cũng có không ít người định cư ở phương xa; có người con cháu đề huề nhưng cũng có người mới thành gia thất... Nhưng cho dù có khác nhau trong mưu sinh và cuộc sống, tất cả đều dành những tình cảm chân thành cho nhau, về những bạn học đã một thời chung lớp dưới mái trường Phan Châu Trinh ắp đầy kỷ niệm.

Tin rằng, tình đồng môn ấy sẽ bền lâu, mãi mãi...

TRẦN ĐÌNH LIỄN                                                  

;
.
.
.
.
.