.

Săn heo rừng ở Đại Bình

.

Theo ký ức của những lão làng đất Đại Bình thì hồi đầu thế kỷ XX, heo rừng ở đây rất nhiều. Có khi chúng kéo thành đàn mười mấy hai chục con sục sạo thâu đêm suốt  sáng. Cho nên, nếu không đặt bẫy, không săn bắt thì  chúng sẽ phá nát hết hoa màu.

Những bộ lưới săn heo rừng giờ đã thành “đồ cổ”.
Những bộ lưới săn heo rừng giờ đã thành “đồ cổ”.

Là nơi tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, Đại Bình là một ngôi làng nhỏ nằm dọc theo bờ sông Thu Bồn, thuộc địa phận xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khi xưa, đây là vùng đất mà heo rừng thường xuống kiếm ăn, chủ yếu là những vạt khoai, sắn của bà con trồng ở bìa rừng.

Thời bấy giờ, để đi săn, thợ săn thường phải sắm bộ đồ nghề gồm lưới săn, chó săn rồi cây giáo. Lưới săn được đan bằng dây cói to bằng đầu ngón tay cái, rất chắc chắn. Mỗi tay lưới dài khoảng 150 mét, khá nặng, phải hai người khiêng mới nổi. Chó săn, xưa gọi là mun săn. Hồi đầu thế kỷ XX, ông Thủ Bộ, một tay săn nổi tiếng là cực giỏi, nhiều kinh nghiệm “trận mạc”, có bầy chó săn đông đến... 13 con. Trong đó, có con chó săn đầu đàn cực khôn. Kế đến là giáo, tức loại vũ khí dài khoảng mét sáu, đầu bịt sắt nhọn, dùng để đâm khi thú mắc lưới.

Xem ra, để sắm đủ lưới, nuôi bầy chó săn thiện chiến ấy, cả giáo, thợ săn mất khá bộn tiền. Trong đó, việc mua và nuôi bầy chó săn không đơn giản, phải là những gia đình có “máu mặt”, ít ra họ cũng xuất thân từ tầng lớp trung nông, phú nông. Bởi thế, để chỉ những gia đình giàu có, xưa có câu “Mun săn, gà chọi sẵn sàng/ Nhà ông phú quý giàu sang thay là...”.

Thường mùa săn heo rừng hằng năm bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng Giêng âm lịch, trùng thời điểm trước và sau Tết cổ truyền. Nhưng, rộ nhất là trong kỳ thu hoạch khoai sắn, khi có nhiều heo từ trong rừng sâu lẻn ra kiếm thức ăn. Tuy nhiên, cũng lắm lúc phát hiện thấy có dấu chân heo là người ta tổ chức đi săn, bất kể ngày giờ. Địa điểm đi săn thường là Hố Chuối, nơi tập trung nhiều heo rừng.

Mỗi lần đi, ông Thủ Bộ, người thợ săn giỏi nhất ở Đại Bình, hay sau này là ông Trần Kim Vạn, huy động khoảng hai chục người. Ngoài người trong chính gia đình mình là những thanh niên, nông dân trong làng, hễ ai rảnh thì đi. Sau khi giăng lưới ở bìa rừng, nơi heo rừng thường lẻn vào, ông mới thả chó. Rồi thợ săn, mỗi người một hướng cũng xông đến. Trên tay mỗi người là một chiếc giáo nhọn hoắt.

Heo rừng nghe tiếng hò reo, hoảng quá, cứ nhè hướng không có người mà lao tới. Kết cuộc, chúng tông nhào vào lưới săn làm tụt trụ đỡ khiến hai dây chiêng hai đầu của lưới kẹp cứng lại. Heo nằm gọn trong lưới. Nhiệm vụ đơn giản của đám thợ săn lúc này là dùng giáo đâm heo. Mỗi lần săn, có khi được nhiều đến bốn, năm con. Ít thì một, hai con. Cũng nhiều lúc tốn mồ hôi, sôi nước mắt mà chẳng được con nào. Nhưng, heo rừng một số con rất khôn, rất hung hãn, nhất là loại heo độc chiếc, tức heo đực có răng nanh. Trong lúc mắc vào lưới, có con cắn đứt lưới, vùng chạy thoát. Có con cùng đường, húc cả vào thợ săn. May là hiếm khi mới gặp heo độc chiếc.

Không chỉ săn heo rừng, người dân Đại Bình còn tổ chức bẫy heo rừng bằng hầm. Muốn bẫy, người ta đào một cái hố hình chữ nhật, sâu đến mức làm sao để heo rừng khi bị sa xuống đó không thể nhảy lên chạy thoát được. Hai bên hầm được rào kỹ. Hầm có cửa, có dây dương. Heo rừng đi bên nào cũng đụng phải dây dương. Khi đụng, cánh cửa đánh sầm một cái. Cả bầy heo nằm gọn dưới hầm. Nhiều người vẫn còn nhớ có lần ông Nhứt, một thợ bẫy heo rừng kỳ cựu ở Đại Bình, bẫy được một bầy heo đến... bảy con. Đó là lần được bà con cho là xác định kỷ lục bẫy heo rừng ở Đại Bình.

Đặc biệt, xung quanh chuyện bẫy heo rừng, có một hiện tượng mà theo nhiều người thì “khó tin nhưng có thật” (?). Đó là khi phát hiện cửa đã sụp, tức heo rừng đã mắc bẫy, nằm gọn dưới hầm, nếu chạy về huy động thêm người ra bắt heo thì chủ hầm phải cởi ngay chiếc áo đang mặc hoặc cái mũ đang đội treo ngay trước miệng hầm. Có như vậy, lúc quay lại, heo vẫn còn dưới hầm. Còn không, chúng sẽ chạy hết (!).

Chuyện săn heo rừng ở Đại Bình, làng quê Quảng nổi tiếng với các loại cây trái ba miền, gần như đã lùi vào dĩ vãng. Bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trong làng không còn ai tổ chức đi săn heo rừng. Nguyên nhân chính là số lượng heo rừng ngày càng ít. Không chỉ chấm dứt săn, trong làng cũng không mấy ai làm hầm bẫy heo rừng, vì chúng cũng không còn mò xuống phá hoại hoa màu của người dân như trước nữa .

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.