- Thưa bác Lang Vè, trong bài vè lần trước có nêu 10 vị thuốc nam với 6 nhóm tác dụng của Toa căn bản. Có thể nói gọn hơn nữa về công năng của Toa căn bản cho bạn đọc dễ nhớ được không?
- Được chớ! Chỉ cần một chữ thôi. Đó là hòa.
- Ai cũng biết hòa là một trong 8 phép chữa bệnh cơ bản mà Đông y gọi là bát pháp: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ. Nhưng tại sao lại là chữ hòa, trong khi toa này có nhắc đến 4 chữ nhuận: “Cỏ mực nhuận huyết, Rau má nhuận gan/ Rễ tranh nhuận tiểu, nhuận tràng: Muồng trâu”?
- Nhuận huyết hay nhuận gan tức là nhuận bổ, từ này Lãn Ông hay dùng chỉ việc dùng vị thuốc bổ nhẹ nhàng, đối lập với tuấn bổ là bổ mạnh. Còn nhuận tiểu, nhuận tràng tui tạm gọi là nhuận tả, tức dùng thuốc hoạt trường lợi tiểu một cách nhẹ nhàng sơ thông, chớ không công phá như thuốc tẩy xổ. Toa thuốc có 2 vị nhuận bổ và 2 vị nhuận tả, như rứa không hòa thì là chi?
- Em chịu phép lý sự của bác, nhưng bài này đâu chỉ có thế?
- Nhóm thuốc giải độc cơ thể (cam thảo đất, ké đầu ngựa, cỏ mần chầu) là tăng cường chức năng gan, nhóm thuốc kích thích tiêu hóa (gừng, sả, vỏ quít) là tăng cường chức năng tỳ vị, như rứa Toa căn bản đã điều hòa can tỳ, một nội dung cơ bản của phép hòa.
- Nếu xét rộng nghĩa hơn, dường như Toa căn bản còn có chức năng điều hòa hàn nhiệt (không nóng, không lạnh), biểu lý, vinh vệ, khí huyết, âm dương nữa thì phải?
- Chú Phan Lang đã hiểu ra vấn đề rồi đó. Theo tui, hòa đây còn có nghĩa trung hòa, tức nguyên lý trung dung và hài hòa, có vai trò then chốt trong đạo học phương Đông.
- Dường như có cả một thời gian dài, trong đời sống và xã hội, chúng ta đã quá chú trọng đến vấn đề đấu tranh, xem đấu tranh là lẽ sống còn, là động lực phát triển, kiểu như thấy có bệnh là phải tìm và diệt cho kỳ hết vi trùng sinh bệnh.
- Đúng vậy, thực ra trung dung hài hòa mới chính là đạo lý hay phương thức để vạn vật dựa vào mà sinh thành và phát triển. Không nắm được chìa khóa trung hòa này thì không mở được cánh cửa thiên nhân hợp nhất, không hiểu phép tắc chữa bệnh của Đông y.
- Phải chăng nếu biết tổ chức một phương thang đạt đạo trung hòa, thì có khi ta không nhắm đến bệnh nào nhưng không bệnh nào là không chữa được? Như Lão Tử từng nói về đạo lý “bất tranh nhi thiện thắng” hay “vô vi nhi vô bất vi”.
- Coi chừng, hạ bớt đôi cánh triết lý bay bổng của chú đi, tui chưa muốn kết luận một điều gì. Câu chuyện về Toa căn bản của chúng ta mới chỉ bắt đầu, chắc cần nhiều thời gian suy ngẫm và sự góp bàn của nhiều bạn đọc nữa, mới hy vọng hé mở thêm một cái mới mẻ gì chăng?
- Vậy thì chúng ta tạm khép câu chuyện tại đây, hãy chờ kỳ đến vậy.
PHAN LANG