.

Bình yên xóm Mít

“Hai chục năm lấy chồng, chừ tui mới biết thế nào là hạnh phúc”, một người vợ đã tâm sự với cán bộ phụ nữ phường, khi gia đình chị thoát khỏi bạo lực gia đình (BLGĐ). Và trong câu chuyện dài kể về những người vợ bị bạo hành, chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cho rằng, khi bị bạo hành, người phụ nữ luôn chịu thiệt thòi, bởi người đàn ông có thể dùng sức mạnh cơ thể để đánh đập họ, hay hành hạ về tinh thần như nhục mạ, ép buộc quan hệ tình dục…

Hòa Thọ Tây từng nổi lên vấn đề BLGĐ bởi ở đây tập trung 7 gia đình có xảy ra bạo lực trong một xóm mang tên xóm Mít. Những đêm khuya, nếu điện thoại của các chị trong hội phụ nữ đổ chuông, sau đó là tiếng kêu cứu, thì rất có thể đó là cảnh ông chồng say xỉn đánh vợ ở xóm Mít.

Tháng 11-2008, Câu lạc bộ Phòng chống BLGĐ phường Hòa Thọ Tây ra đời, trong khi cả thành phố chưa có mô hình nào tương tự. Bắt đầu những tháng ngày tuyên truyền, vận động, và phải 6 tháng sau những người vợ bị bạo hành mới đến thổ lộ với các chị về những vết thương tím bầm trên cơ thể và hơn hết là những vết thương tâm hồn do người bạn đời mang lại. Có chị bị bạo hành nhiều lần, đã viết đơn tố cáo chồng. Một thời gian sau nữa, các chị ở hội phụ nữ đã vận động và kéo được những ông chồng này tham gia câu lạc bộ, giúp cho họ hiểu bạo lực với người thân là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hội phụ nữ đã bảo lãnh cho 7 gia đình xóm Mít vay vốn làm ăn; phường hỗ trợ họ học nghề, giới thiệu việc làm; tặng bò, heo giống; trao học bổng cho các em học sinh…

Bây giờ đến xóm Mít, không còn nghe bà con xì xào chuyện gia đình ông A, ông B đánh vợ, chửi con; dễ dàng nghe những bà vợ là nạn nhân của BLGĐ nói rằng từ khi lập gia đình, họ đã được ăn miếng bánh hạnh phúc. Xóm Mít đã bình yên như bao xóm khác.

Gặp những cán bộ phụ nữ, những người là tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, họ cho rằng căn bệnh BLGĐ không khó chữa. Kiểm điểm,  nộp phạt không ăn thua, người dân ở khu vực chi bộ 6 Hòa Thọ Tây đã yêu cầu đưa ông chồng vũ phu ra giữa dân để kiểm điểm, thậm chí đòi trục xuất gia đình họ ra khỏi địa phương hay đe “nếu anh đánh vợ thì chúng tôi sẽ đánh anh”. Biện pháp “cứng” lại tỏ ra hiệu quả. Với những gia đình lục đục do kinh tế khó khăn, vợ/chồng không có việc làm thì được giúp giải quyết việc làm… Từ đó, những biện pháp căn ke, “bắt mạch và kê đơn” đúng bệnh đã giúp giải quyết vấnđề BLGĐ.

Và hơn hết, người phụ nữ đã được trang bị kiến thức để biết tự bảo vệ khi trong gia đình có nguy cơ bạo lực, biết lên tiếng đấu tranh, bảo vệ chính mình và các con, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Mỗi ngày cả nước vẫn còn xảy ra rất nhiều vụ BLGĐ như đã từng có ở xóm Mít. Như theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hằng năm có khoảng 2/3 trong tổng số gia đình có hành vi bạo lực về thể chất; 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần; 30% cặp vợ chồng có ép buộc quan hệ tình dục. Nếu những hành vi bạo lực được các cấp chính quyền công khai đấu tranh, ngăn chặn triệt để thì mới xóa được những chuyện bạo lực như ở xóm Mít.

Năm 2010, Hội Phụ nữ Hòa Thọ Tây đề ra một giải pháp là buộc những cặp vợ chồng muốn đăng ký kết hôn phải ký cam kết vào bản đăng ký Xây dựng gia đình hạnh phúc. Những cam kết ấy như một bản lề, để những người chồng, người vợ biết yêu thương, tôn trọng người bạn đời và không làm cho họ đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hiền Lương


 

;
.
.
.
.
.