Không phải đợi đến thời bây giờ phụ nữ Việt mới đối mặt với vấn đề hội nhập quốc tế. Hình ảnh người phụ nữ Việt nắm tay hòm chìa khóa cùng chồng làm ăn buôn bán với thương nhân nước ngoài từng thấp thoáng trong truyền thuyết và cổ tích - vợ ông Mai An Tiêm ngoài hoang đảo, đặc biệt vợ ông Chử Đồng Tử trên đất liền… - là bằng chứng sinh động.
Rồi từ mấy trăm năm trước cũng đã có không ít cuộc hôn nhân dị chủng giữa cô dâu Việt với chàng rể ngoại quốc, riêng lẻ như giữa công chúa Huyền Trân với vua Champa Chế Mân hồi thế kỷ XIV hoặc phổ biến hơn như giữa các cô gái Hội An với những thương nhân Nhật Bản sang đầu tư và định cư ở đô thị cổ này hồi thế kỷ XVII… Tuy nhiên, chưa bao giờ vấn đề hội nhập quốc tế lại mở ra nhiều khả năng, đồng thời/và cũng chính vì thế mà tạo nên nhiều áp lực đối với phụ nữ Việt như thời chúng ta đang sống.
Áp lực trước tiên là mức độ phổ cập ngày càng lớn của hội nhập quốc tế, lớn đến mức không phụ nữ Việt nào có thể đứng ngoài cuộc, từ các nữ trí thức, nữ doanh nhân cho đến các cô thôn nữ hay bà bán hàng xén. Phạm vi hội nhập vừa được mở rộng ra bên ngoài, cả năm châu bốn biển, vừa được đẩy sâu vào bên trong, đến tận cổng làng, thậm chí sát cổng nhà. Người phụ nữ Việt nếu không chủ động hội nhập với thế giới bên ngoài thì trước sau gì cái thế giới bên ngoài ấy cũng tìm cách thâm nhập vào bản thân họ.
Điều này thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực thị hiếu thẩm mỹ nói chung, thị hiếu nghệ thuật nói riêng - nhất là ở phương diện tác động ảnh hưởng của thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật đối với thói quen tiêu dùng - của phụ nữ Việt ngày nay.
Áp lực tiếp theo là những đòi hỏi cao về vốn tri thức. Muốn chủ động hội nhập với thế giới bên ngoài thì phụ nữ Việt phải có đủ tri thức cần thiết. Tri thức nói ở đây chủ yếu là sự hiểu biết về kinh tế - xã hội của đất nước và của thế giới với tư cách là hành trang để mọi người bất luận nam hay nữ có thể đường hoàng bước vào lộ trình toàn cầu hóa. Một phụ nữ Việt thời hội nhập không thể không biết giá một cân gạo, một lạng thịt, một bó rau hay là một lít xăng… nhưng cũng không thể thiếu tri thức về nhiều vấn đề quốc gia đại sự thậm chí quốc tế đại sự như là số phận của cả một dòng sông, của cả một quần đảo, của cả một dân tộc… đang đứng trước bao nhiêu là thách thức sống còn. Muốn có đủ tri thức cần thiết thì phải được đi học, kể cả được du học ở xứ người... Và phải không ngừng được cập nhật tri thức khi không còn đi học nữa. Trong xu thế gia đình quy mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con như hiện nay, cơ hội đi học thậm chí du học và học suốt đời không phải là điều gì quá xa vời hoặc bất khả thi đối với nhiều phụ nữ Việt.
Áp lực nữa là những đòi hỏi cao về kỹ năng nghề nghiệp. Kỹ năng nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ chỗ có tri thức, tri thức càng sâu rộng uyên bác thì kỹ năng nghề nghiệp càng vững vàng thuần thục, và cũng như tri thức, kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi phải được thường xuyên cập nhật hoặc đổi mới không ngừng.
Chúng ta - nam cũng như nữ - đang sống trong một thời đại mà không một ai dẫu giỏi giang đến mấy lại có thể học một lần để làm một đời, nói cách khác thời buổi này không ai có thể sử dụng kỹ năng nghề nghiệp được hình thành từ khi mới bước vào nghề cho suốt cả quá trình hành nghề hàng bao năm tháng. Với phẩm chất chịu thương chịu khó đầy nữ tính vốn có cộng với sự bình đẳng về cơ hội được học tập nâng cao tri thức, nhiều phụ nữ Việt ngày nay đã sở hữu một kỹ năng nghề nghiệp đạt đến mức chuyên nghiệp đủ sức hành nghề ngang bằng hoặc có khi còn vượt trội so với đồng nghiệp nam giới, đáp ứng được yêu cầu đa dạng và tính cạnh tranh cao của hội nhập quốc tế.
Khi được hỏi: “Theo bạn thì đàn ông hay phụ nữ có cuộc sống dễ dàng hơn và tại sao?” trong phần thi ứng xử của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (năm 2008) tại thành phố Nha Trang, hoa hậu Venezuela Dyana Mendoza trả lời: “Chúa tạo ra chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng cách khác nhau lớn nhất là trong khi đàn ông nghĩ rằng con đường nhanh nhất để tới đích là đi thẳng, thì phụ nữ lại biết một thực tế là đôi khi đường vòng mới là cách tốt nhất đưa bạn đến mục tiêu”.
Có thể hiểu câu trả lời rất thông minh của cô theo nhiều hướng, nhưng xét từ giác độ bình đẳng giới thì Dyana Mendoza đã nói lên được một sự thật: để vươn tới cùng một mục tiêu, lộ trình của nữ giới thường dài hơn lộ trình của nam giới. Khoảng cách giữa hai lộ trình ấy là sản phẩm của định kiến giới trọng nam khinh nữ. Vì vậy, để phụ nữ Việt có thể chủ động hội nhập quốc tế thì việc tìm cách giảm thiểu những áp lực kể trên vẫn không đáng kể bằng việc tìm đường vượt qua những trở lực cố hữu về bình đẳng giới.
Trong tầm nhìn hội nhập quốc tế, xin giới thiệu một trong những cách phụ nữ Pháp tìm đường vượt qua trở lực cố hữu về bình đẳng giới. Năm 2005, Chính phủ Pháp ban hành đạo luật cho phép một đứa trẻ sinh ra có thể mang họ cha hay họ mẹ, hoặc ghép từ họ cha và họ mẹ. Cái mới trong đạo luật này là con có thể mang họ mẹ ngay trường hợp cha mẹ đang sống hạnh phúc và cuộc hôn nhân của họ là hợp pháp; và khi mang họ ghép từ cha và mẹ thì họ cha đặt trước hay đặt sau họ mẹ đều được, chỉ cần người mẹ thích thế.
Để có một đạo luật giàu chất nhân văn như vậy, đương nhiên rất cần nam giới ủng hộ, tán thành nhưng hẳn là phải có tác động, đóng góp trí tuệ, và cao hơn là quyết định của nhiều thế hệ phụ nữ Pháp trên chính trường. Đây là những phụ nữ nhận hoa, nhận quà hay thậm chí ôm hôn cũng chỉ bằng một tay thôi, tay còn lại họ dành để giơ lên biểu quyết đòi quyền bình đẳng giới, đòi xã hội thừa nhận rằng không có gì nam giới làm được mà phụ nữ không làm được, kể cả quyền hiện diện trong tên họ, trong danh tính của con mình.
Bùi Văn Tiếng