.

Tạo thói quen tốt

.

Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời Người cũng chỉ ra những hạn chế của truyền thống cần phải khắc phục như tâm lý nông dân sản xuất nhỏ, manh mún, hẹp hòi; chỉ ham cái lợi nhỏ trước mắt mà không lo cái lợi to lớn, lâu dài; ít giao tiếp nên dễ kém năng động; kiên định không đúng cách dễ trở thành bảo thủ, chủ quan, duy ý chí...

Hồ Chủ tịch tới thăm và dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội (1960).
Hồ Chủ tịch tới thăm và dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội (1960).

Tạo dựng những thói quen và truyền thống tốt đẹp

Trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947, Hồ Chí Minh đã có cách nhìn biện chứng, sâu sắc về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới; giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới. “... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.

Thói quen là những hành vi lặp đi lặp lại. Nhiều khi về mặt nhận thức, dù biết thế là sai, không hợp lý, nhưng do thói quen, người ta vẫn cứ hành động, xử thế như cũ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”. Như vậy, những giá trị tốt - xấu, đúng - sai, thật - giả... trong xã hội ta, thường bị lẫn lộn, khó phân biệt là do những thói quen và truyền thống lạc hậu chi phối, gây nên sự biến đổi và phá vỡ các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ xã hội, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là lẽ sống, lý tưởng sống mỗi cá nhân.

Có thể dễ dàng chỉ ra căn nguyên của nó là truyền thống, tâm lý tiểu nông mang những yếu tố tiêu cực, lạc hậu không chỉ tác động đến con người Việt Nam trong xã hội cũ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tình cảm, hành vi của chúng ta trong xã hội hiện đại, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là tư duy thiển cận chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt, nhỏ bé mà thiếu tầm nhìn xa, trông rộng, không có tính chiến lược lâu dài; tình cảm dòng họ thiên lệch trở thành liên kết bè phái, cục bộ, phe cánh nhằm tranh quyền, đoạt lợi cho mình và cho dòng họ của mình, gây mất đoàn kết nội bộ; thái độ “trọng nam, khinh nữ”, coi thường người trẻ, ghét người giàu có, thông minh hơn mình; tâm lý bằng lòng, yên phận với những gì đã có, thiếu năng động, sáng tạo trong công việc; tâm lý “ăn xổi ở thì” chỉ lo vun vén, thu lợi cho cá nhân mình, không quan tâm đến lợi ích tập thể; tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, xem thường pháp luật, khả năng hợp tác trong công việc hạn chế; tình trạng đi muộn, về sớm, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, hiệu quả thấp...

Việc xóa bỏ những thói quen, truyền thống lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức và hành vi của người Việt là một việc không đơn giản trong một sớm, một chiều. Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi “Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm”. Người nêu ra những việc rất cụ thể như vấn đề giữ vệ sinh sạch sẽ, quan hệ hàng xóm láng giềng, lễ hội, hiếu hỷ...; cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, trộm cắp, bịp bợm; không có đánh chửi, kiện cáo nhau, xây dựng làng kiểu mẫu về thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, việc thay đổi những thói hư, tật xấu không thể tiến hành một cách tùy tiện, giản đơn. “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”.

Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích cho mọi người về tác hại của những thói hư, tật xấu và những lợi ích của việc xây dựng những thói quen tốt, hướng dẫn cách làm cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. “Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”. Những biện pháp ép buộc, trấn áp thô bạo đều phản tác dụng. Tốt nhất là phải tạo dựng cho được những thói quen và truyền thống tốt đẹp, để những thói quen và truyền thống tốt từng bước và tiến tới thay thế hoàn toàn. Xây dựng lối sống mới, nếp sống mới, phong cách mới không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng, mà nó được thể hiện và thực hiện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị, rất dễ hiểu, cụ thể, thiết thực.

Ví dụ, một trong những vấn đề xã hội bức xúc nổi cộm hiện nay đó là tình trạng vi phạm luật giao thông, đặc biệt là luật giao thông đường bộ. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, số người bị thương cũng rất lớn. Mỗi người cần tự xây dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông không phải là khẩu hiệu suông, mà cần có những chế tài bắt buộc. Điều đó không chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người mà còn là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phải làm gương cho người khác

Thiết nghĩ, những thói hư tật xấu khác đã và đang tồn tại trong xã hội như: thói đánh đập vợ con; tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện, trường học, công sở và các nơi công cộng khác; thói quen uống bia, rượu say xỉn; tệ nạn cờ bạc; thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí; lối sống xa hoa, hưởng thụ, buông thả, đua đòi, trụy lạc...  đều cần phải lên án một cách mạnh mẽ và kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ.

 Tác phẩm Đời sống mới, Bác Hồ viết năm 1947 với bút danh Tân Sinh-NXB Trẻ tái bản (ảnh Internet).
Tác phẩm Đời sống mới, Bác Hồ viết năm 1947 với bút danh Tân Sinh-NXB Trẻ tái bản (ảnh Internet).

Phải có những người làm gương về đạo đức, lối sống. Trong phạm vi gia đình, đó là các bậc cha mẹ làm gương cho con cái; trong nhà trường là gương của các thầy, cô giáo đối với học sinh; trong xã hội, thế hệ trước phải làm kiểu mẫu cho thế hệ sau, cấp trên làm gương cho cấp dưới; những người lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu trước cán bộ, nhân viên; cán bộ, đảng viên gương mẫu cho quần chúng noi theo... “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Hồ Chí Minh đề cao tác dụng nêu gương của những người lãnh đạo, quản lý; những người tuyên truyền xây dựng đời sống mới. “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”. Cán bộ, đảng viên và quần chúng không chấp nhận những cán bộ lãnh đạo, quản lý nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đằng làm một nẻo.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếp sống đó không chỉ có ở Người khi hoạt động cách mạng bí mật, gian khổ, hiểm nguy mà còn giữ nguyên vẹn khi Người đứng ở đỉnh cao quyền lực - Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng.

Bác chúng ta không có nhiều thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nhưng để bù vào sự thiếu hụt đó, Người suốt đời cố gắng tự học. Theo Người, học ở trường lớp chỉ là một phần, còn phần chủ yếu là phải học trong lao động, trong công tác, trong hoạt động thực tiễn. Năm 1961, trong lần về thăm quê hương Nghệ Tĩnh, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm tỉnh nhà, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Năm 1966, nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Người nhấn mạnh quan điểm học tập suốt đời, phê phán nhận thức không đúng của một số đảng viên mới 40 tuổi đã cho mình là già, không chịu học tập: “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Tập một thói quen tốt cũng như từ bỏ một thói quen xấu không phải là điều dễ dàng, phải có ý chí và sự kiên trì. Chúng ta có thể học được ở Bác thái độ và quyết tâm trong việc từ bỏ thói quen. Ai cũng biết Bác có thói quen hút thuốc lá. Người cũng nhận mình có thói quen xấu đó và đã từng khuyên thanh niên Việt Nam đừng có học Bác điều này. Từ năm 1966, sức khỏe của Bác có dấu hiệu bất thường. Theo lời khuyên của các bác sĩ nên bỏ thuốc lá và Người đã có kế hoạch cai thuốc lá cho mình. Người hút giảm dần về số lần cũng như lượng hút, chỉ trong hơn một tháng Người bỏ hẳn.

Hồ Chí Minh cũng ít uống rượu, trong bữa ăn, Người chỉ uống một ly rượu thuốc. Khi bỏ thuốc, Người cũng thôi uống rượu. Tháng 3-1968, trong bài thơ Không đề Người viết: “Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm/Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần…”.

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh đã nêu rõ một thông điệp: Việc sửa đổi, từ bỏ những thói quen xấu, tạo nên những thói quen tốt. Đây cũng là một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang, hạnh phúc. Khó nhưng không thể không làm. Có ý chí, có quyết tâm thì nhất định làm được. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Người: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết... thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

NGUYỄN MẬU LINH


Chữ in nghiêng trong bài là những  câu nói của Bác Hồ rút từ  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995.

;
.
.
.
.
.