.

Ông Tanabe và Arsenal

.

Có hai sự kiện bóng đá đang được quan tâm nhất hiện nay ở Việt Nam. Thứ nhất, chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe cáo bệnh ở lại quê nhà thay vì trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc của một cố vấn đặc biệt cho VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam). Thứ hai, CLB danh giá Premier League Arsenal sắp sửa chơi trận giao hữu với tuyển Việt Nam tại Hà Nội. Cái thứ nhất thuộc chiến lược lâu dài. Cái thứ hai chỉ là “ăn xổi”, đá chơi cho vui.

Người hâm mộ Việt Nam lấy Arsenal làm niềm vui.
Người hâm mộ Việt Nam lấy Arsenal làm niềm vui.

Nghịch lý ở chỗ, dư luận và giới truyền thông lại thích nói về Arsenal hơn Tanabe. Có thể là người hâm mộ bóng đá Việt Nam thích bàn về chuyện vui hơn là chuyện buồn nhưng qua đó cho thấy người ta chán nói nhiều về VFF (LĐBĐVN) lẫn VPF. Không còn nhiều người tin vào chiến lược dài hạn của VFF và VPF. V-League 2013 chỉ mới bước qua giai đoạn hai đã lập tức bắt đầu xuất hiện những hoài nghi về công tác trọng tài, các đội bóng đá lơi chân bị chính người hâm mộ ruột phản ứng.

Trong bối cảnh chán ngắt đó, Arsenal sang thi đấu như một làn gió mát. Lần đầu tiên, người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến bằng da bằng thịt những ngôi sao lớn của “Pháo thủ” như cựu Vua phá lưới Ligue 1 Giroud hay tân binh Higuain. Hơn nữa, nó cho thấy chúng ta cũng đã bằng chị bằng em. Từng một thời, người hâm mộ Việt Nam thèm thuồng nhìn Arsenal, Liverpool, Everton, M.U sang Thái Lan, Malaysia… thi đấu giao hữu.

Arsenal sang đá giao hữu là chuyện chơi nhưng cũng là chuyện kinh doanh của VFF. Arsenal hay bất cứ đội bóng mạnh trên thế giới nào sang Việt Nam cũng chỉ là chuyện thoáng qua. Tanabe lại khác. Ông là con người được VPF, người hâm mộ chờ đợi xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp. Bản thân ông cũng rất háo hức với công việc ở Việt Nam. Còn nhớ vào ngày 23-1-2013, trên trang japandailypress.com có bài viết về Tanabe rằng: Ông rất háo hức sang Việt Nam dù hợp đồng vẫn chưa chính thức ký với VPF. Trang báo của Nhật Bản cho biết Tanabe là một Giám đốc điều hành với 20 năm kinh nghiệm ở các CLB Nhật Bản cũng như một vài CLB ở châu Âu. Ông Tanabe muốn đưa bóng đá Việt Nam tiến vào chuyên nghiệp như cách của bóng đá Nhật Bản.

Vậy mà Tanabe lặng lẽ rời Việt Nam để về chịu tang cha rồi cáo bệnh ở lại Nhật Bản và không thông báo ngày trở lại. Nhiệt huyết của Tanabe tan dần trong vài tháng ít ỏi ở Việt Nam vì bản thân người Việt chúng ta còn thấy bóng đá chuyên nghiệp V-League quá “khó hiểu” thì một người nước ngoài quá chuyên nghiệp như Tanabe sao hiểu nổi. Nếu Tanabe không trở lại, nghĩa là con đường chuyên nghiệp của V-League mà Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng kỳ vọng tạm gác lại chờ người mới.

Một mình Tanabe không thể làm nổi. Nhớ lại thời VFF nhận được sự hỗ trợ kinh phí của LĐBĐ Đức cùng với sự có mặt của chuyên gia Rainer Willfeld trong vai trò Giám đốc kỹ thuật cũng chỉ như “cái bóng” trước khi về nước một cách lặng lẽ. Chán với mục tiêu dài hạn gần như chắc chắn không thể hoàn thành nổi là có vé dự World Cup 2030, người hâm mộ tạm hài lòng với niềm vui nhỏ trước mắt là Arsenal hay bất cứ đội bóng lớn châu Âu nào sang Việt Nam đá biểu diễn.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.