.

Một thuở lên đàng

.

Ai cũng có một thời để nhớ. Nhưng với họ, những người từng sinh hoạt, chiến đấu trong một tổ chức Đặc khu đoàn Quảng Đà thời chống Mỹ, thì kỷ niệm ấy càng thân thương, gần gũi. Các địa danh Hòn Tàu, Núi Chúa, Sông Bung, Bến Giằng, Khe Rằng, Khe Rúc, Chín Khúc, Ba Ao, Dốc Bu, Dốc Gió, Đồi Tranh, Yên Ngựa, Chín Chủ, Đồng Làng, Cấm Nhọn, Khe Dâu, Hòn đá Đà Nẵng… là nơi ghi dấu những chiến công của Đặc khu đoàn một thuở.

Đồng chí Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu đoàn Quảng Đà (đứng) phát biểu trong cuộc họp mặt truyền thống Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2013 và ra mắt tập kỷ yếu.      Ảnh: T.Y
Đồng chí Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu đoàn Quảng Đà (đứng) phát biểu trong cuộc họp mặt truyền thống Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2013 và ra mắt tập kỷ yếu. Ảnh: T.Y

Hơn 35 năm đã trôi qua, những nam thanh nữ tú ngày ấy giờ đã lên chức ông, chức bà. Họ giờ là hưu trí, thương binh, cựu chiến binh, tù yêu nước, là giáo chức bình dị hay những lão nông thầm lặng giữa đời thường. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng, nhưng hễ có dịp gặp nhau là tay bắt mặt mừng, trò chuyện rôm rả như anh em chung một mái nhà. Đặc biệt, trong cuộc gặp mặt thân mật dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 vừa qua, nhiều người rưng rưng nước mắt khi được cầm trên tay tập Kỷ yếu Đặc khu đoàn Quảng Đà thời chống Mỹ “Một thuở lên đàng” (NXB Đà Nẵng tháng 7-2013) như một nơi ghi dấu những hoài niệm, một lời ru cho dịu đi nỗi nhớ, là sự động viên cho người đang sống và vinh danh những con người đã hy sinh.

Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, lực lượng thanh niên Quảng Đà đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 5-1972, khi phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ-ngụy ở các đô thị miền Nam bị địch tổng đàn áp bằng chiến dịch Phượng hoàng. Trước phong trào thanh niên phát triển rộng khắp, ở Đà Nẵng, địch mở thêm các chiến dịch Sao chổi 1, Sao chổi 2 liên tiếp đánh phá phong trào cách mạng. Hàng trăm cơ sở, đảng viên, đoàn viên bị địch bắt bớ, đánh đập, đày đi Côn Đảo và khắp các nhà tù miền Nam. Để thực hiện quyết tâm của tuổi trẻ Quảng Đà lúc này, tháng 11-1972, Ban Chấp hành Đặc khu đoàn Quảng Đà đã có thư kêu gọi cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn đặc khu. Nội dung thư nêu rõ: “Chúng ta thề với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân: Tuổi trẻ Quảng Đà bất chấp mọi hy sinh gian khổ kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành cho kỳ được độc lập, tự do thật sự cho Tổ quốc và dân tộc”… Ngoài ra, Đoàn Thanh niên còn động viên nhiều gia đình có người thân đi lính cho địch kêu gọi họ bỏ súng về với gia đình sinh sống làm ăn lương thiện.

Không chỉ tham gia vào phong trào đấu tranh vũ trang, nhiều anh chị em thuộc Đặc khu đoàn Quảng Đà trở thành lao động chính trong các trại tăng gia sản xuất. Như chia sẻ của ông Lương Thanh Liêm, nguyên Tổng Thư ký BCH Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng: “Đó là những ngày mệt rã rời nhưng thật vui. Ban ngày, chúng tôi dậy sớm theo tiếng kẻng báo thức của người được phân công trực nhật, xuống sông đánh răng, rửa mặt rồi lên nhà ăn sáng, khi thì vài chén cơm độn, khi thì mấy khúc sắn luộc… rồi cuốc rựa “chiến đấu” với cây rừng trên các đồi núi và bạt ngàn lau sậy nơi triền sông. Những ngày đầu lao động, tay tôi dợp phồng mọng nước, và sau đó tróc từng mảng da, nhưng chỉ thời gian sau thì chai lại rồi cũng quen đi”.

Mặc dù được đặt tên là kỷ yếu, nhưng những bài viết trong cuốn sách dày hơn 200 trang do Ban Liên lạc Đặc khu đoàn Quảng Đà phát hành lần này, có rất nhiều bài viết trở thành tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trong đó, có nguyên bài viết về Đặc khu đoàn Quảng Đà thời chống Mỹ (1962-1975) dày hơn 50 trang, miêu tả chi tiết những diễn biến, hoàn cảnh lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của một thế hệ trẻ giữa lòng thành phố Đà Nẵng và các miền quê thuộc Quảng Đà xưa. Trong cuộc chiến đấu gian khổ và đầy cam go ấy, nhiều người đã hy sinh, nhiều người khác bị địch bắt, tù đày ở các nhà lao miền Nam, Côn Đảo. Trong bài viết “Nhập thành, chuẩn bị nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968” của Hoàng Nam, nguyên cán bộ nội thành của Đặc khu đoàn Quảng Đà, cựu tù Côn Đảo có đoạn: “Khi đi đến cây số 6 đường 100, chị Năm Mai bị thương-một mảnh pháo xuyên ngực, tôi bị pháo nhồi phù hơi ngạt bất tỉnh, khi tỉnh lại thấy một chân dính trên thân tre, một chân dưới nước”. Đó chỉ là một trong những tình huống cam go mà mỗi một thành viên của Đặc khu đoàn Quảng Đà gặp phải khi tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Tất cả như một thước phim quay chậm, sau mỗi trang sách được mở ra.

Không có gì thật bằng chính những người từng trải qua ngày tháng đó nói về họ, về những đồng chí, đồng đội cùng sát cánh trên mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là một phần lịch sử đáng trân trọng và nâng niu trong mỗi con người. Mỗi ngày, mỗi tháng trôi qua, những con người từng tham gia vào Đặc khu đoàn Quảng Đà đi đến gần hơn với cái đích của cuộc đời. Cuốn kỷ yếu như một tập tài liệu quý, gợi lại vô vàn kỷ niệm anh dũng mà thân thương của những anh, những chị giao liên hợp pháp, bán hợp pháp, bất hợp pháp của chiến trường Quảng Đà xưa. Một thời mà mỗi thanh niên Quảng Nam, Đà Nẵng thường truyền tai nhau câu nói “Sức ta là sức thanh niên. Thế ta là thế đứng trên đầu thù” để có thêm sức mạnh chiến đấu trước họng súng của quân thù.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.