.

Con tằm chưa nhả hết tơ

.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng, số lượng báo chí văn học, nghệ thuật (VHNT) là câu chuyện thường xuyên được nhắc đến tại các Hội thảo Báo chí văn nghệ toàn quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khía cạnh được đưa ra phân tích, mổ xẻ còn khá chung chung, khiến câu chuyện này đến nay vẫn chưa có hồi kết…

Tạp chí Non Nước, một trong những tạp chí văn học, nghệ thuật được bạn đọc đánh giá có chất lượng tại khu vực miền Trung-Tây nguyên.
Tạp chí Non Nước, một trong những tạp chí văn học, nghệ thuật được bạn đọc đánh giá có chất lượng tại khu vực miền Trung-Tây nguyên.

Liệu cơm gắp mắm

Đó là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam tại Hội thảo Báo chí văn nghệ toàn quốc diễn ra ở Đà Nẵng hôm 11-9 vừa qua. Cũng theo ông Thiện, số lượng bạn đọc tìm mua báo in ngày càng giảm sút. Giá giấy, công in tăng, giá báo tăng, nên một số báo chí nói chung và báo văn nghệ nói riêng lượng phát hành giảm đáng kể, thị trường bị co hẹp. Một số Liên hiệp các Hội VHNT “lực bất tòng tâm”, kinh phí hỗ trợ cho báo chí không đủ để triển khai hoạt động nhằm bảo đảm yêu cầu tối thiểu về chất lượng và số lượng, có nơi hoạt động cầm chừng với số trang quá mỏng hoặc gộp nhiều tháng vào 1 số nên khó tạo được sự gắn bó bền chặt giữa người đọc và tờ báo.

Bên cạnh đó, tình trạng “khủng hoảng thừa” thông tin giữa thời đại công nghệ bùng nổ ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc cũng được nhiều đại biểu đề cập đến. Thông tin từ Cục báo chí cho biết, tính đến tháng 3 năm 2013, cả nước có 812 cơ quan báo in, với 1.084 ấn phẩm, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, hầu hết đều dành “đất” cho chuyên mục văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực thông tin điện tử hiện có 74 báo, tạp chí, 336 trang mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước 63 tỉnh, thành thì đã có 80 cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương và địa phương. Trong sự phát triển đa dạng đó, tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã diễn ra. Nhiều tờ báo ra đời chủ yếu đăng tải các vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, là kẽ hở để báo chí và trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng với mục đích xuyên tạc, bài xích.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin & Truyền thông nói, hiện có không ít tờ báo thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Thậm chí, thông tin bịa đặt hoàn toàn đã diễn ra ở một số tờ báo, như bịa đặt bài phỏng vấn khi không phỏng vấn, biến nguồn tin đồn thành tin chính thống, lấy từ mạng xã hội mà không có sự kiểm chứng hoặc cho đăng tải những thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa người Việt Nam nhằm câu khách.

Hội nghị cũng chỉ ra rằng, sự chuyên nghiệp, tâm huyết, toàn tâm toàn ý đối với nghề ở một số lãnh đạo cơ quan báo chí hay người làm báo chưa được đề cao như một sứ mệnh nghề nghiệp cao quý. Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh, những khó khăn của nền kinh tế đã tác động tiêu cực đến hoạt động của báo chí. Mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo điều kiện cho lối làm báo tùy tiện, dễ dãi, thiếu tôn trọng người đọc có “đất sống”. Nhiều ấn phẩm ra đời mang nội dung nhạt nhẽo, trình bày thiếu chuyên nghiệp, lỗi chính tả, phát hành chậm trễ, theo kiểu “ra cho có”.

Xem báo văn nghệ là “cơ quan văn hóa”

Do tính chất đặc thù về nội dung thông tin và lượng phát hành không lớn, báo chí văn nghệ ít có điều kiện tổ chức các hoạt động khác để tăng thêm nguồn thu. Đại bộ phận người làm báo văn nghệ hiện nay là văn nghệ sĩ với sở trường chủ yếu sáng tác hoặc phê bình văn học, nghệ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động báo chí.

Mặc dù còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng phát hành nhưng ông Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đánh giá cao vai trò của báo chí văn nghệ trong việc truyền bá các tác phẩm, tác giả mới đến đông đảo bạn đọc, bám sát hiện thực cuộc sống, nhịp thở của văn chương, khơi gợi, đặt ra nhiều vấn đề lớn và mới mẻ đối với sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Qua đó có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông cho rằng, để báo văn nghệ phát triển thì không nên buông theo cơ chế thị trường, chuyển tải nội dung hời hợt, câu khách, chỉ xoáy vào mảng cướp, giết, hiếp, sexy... Khi truyền bá các tác phẩm phải chú ý đến toàn bộ đời sống văn học nghệ thuật cũng như đối tượng tiếp nhận. “Đã đến lúc cần xem báo văn nghệ là cơ quan văn hóa, nơi sản xuất ra những tác phẩm văn hóa phục vụ bạn đọc. Do đó, cần thể chế hóa, hình thành cơ chế, chính sách cho loại hình này phát triển đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhằm nâng cao chất lượng báo chí văn nghệ, mỗi địa phương cần có Hội đồng thẩm định để tiến hành chọn lọc tác phẩm và có trách nhiệm với sản phẩm báo chí do mình sản xuất”, ông Quát nói.

Có thể nói, Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc lần này tập trung phân tích khá kỹ những điểm yếu và thiếu của loại hình báo chí nói trên. Tuy nhiên, các ý kiến trên còn khá chung chung, chưa “chỉ mặt đặt tên” cũng như chưa đưa ra những ví dụ cụ thể để mọi người so sánh, đối chiếu nhằm tìm cách thay đổi. Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ ví von loại hình này như “con tằm chưa nhả hết tơ” bởi từ lâu, báo văn nghệ được cho là tờ báo phụ, chuyên mục văn hóa-văn nghệ là nội dung phụ trên nhiều tờ báo, tạp chí, truyền hình. Ông chia sẻ: “Trong xã hội hiện nay, các nhà văn hóa, sản phẩm văn hóa bị xem là thứ yếu. Các tờ báo văn nghệ chưa có định hướng phát triển rõ ràng, chưa được xem là sản phẩm văn hóa. Đa số lãnh đạo, biên tập viên chưa đủ khả năng phát hiện, nâng tầm những sáng tác mới mà nội dung của nó tiềm ẩn giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao”.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị các Bộ, ban, ngành liên quan cần gắn kết chặt chẽ phong trào văn hóa, văn học, nghệ thuật với các phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, làm phong phú, đa dạng hơn đời sống văn hóa của nhân dân. Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trăn trở, các tạp chí thuộc Hội đang có hiện tượng địa phương nào biết địa phương nấy, vùng nào biết vùng nấy, ít có sự gắn kết, giao lưu, học hỏi để có cách ứng xử kịp thời, phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.