Bà Ngozi Okonjo-Iweala được mệnh danh là “Bà đầm thép” của nền tài chính Nigeria. Bà Bộ trưởng 59 tuổi này làm việc cật lực không chỉ nhằm tìm kiếm nguồn tiền cho việc phát triển kinh tế và y tế của Nigeria mà bà rất quan tâm tới viện trợ nhân đạo của cả thế giới.
Trẻ em Nam Sudan bị sốt rét. |
Bà khẳng định rằng, trong vai trò Bộ trưởng Tài chính Nigeria và một thời gian dài làm việc cho Ngân hàng thế giới, bà đã tham dự rất nhiều cuộc họp về viện trợ nhân đạo. Bà thấu hiểu được lý do của những lời chỉ trích công tác viện trợ nhưng quá ít so với 9 triệu lý do tốt đẹp để thành lập những quỹ viện trợ nhân đạo. Bà cho rằng cần phải có sự dung hòa giữa nhân đạo và đầu tư thương mại, tức là bà giải thích về lý do của những lời chỉ trích và cổ vũ cho hoạt động nhân đạo.
Bà đặc biệt ấn tượng về Quỹ Toàn cầu chống lại AIDS, sốt rét và lao mà suốt thập niên qua đã cứu sống được 9 triệu mạng người. Tại Hội nghị G8 ở Okinawa 13 năm trước, những thành viên tham gia là các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý một sáng kiến táo bạo nhằm hạn chế chết chóc và đau khổ bởi HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét. Đây là lần đầu tiên G8 đạt được thỏa thuận về cải thiện sức khỏe toàn cầu.
Suốt hơn một thập niên qua, Quỹ này đã cứu được 9 triệu người, ngăn chặn được nhiều dịch bệnh kinh khủng ở châu Phi và các nước đang phát triển trên khắp thế giới. Lượng người nhiễm HIV mới giảm được hơn 20%. Căn bệnh giết người nhiều nhất ở châu Phi là sốt rét cũng đã giảm được 1/3. Số lượng người tử vong vì bệnh lao trên toàn thế giới giảm được hơn 40%. Quỹ đã hỗ trợ điều trị cho 4,2 triệu người nhiễm HIV, 9,7 triệu người mắc bệnh lao và trên 300 triệu người bị sốt rét. Quan trọng hơn cả những con số thống kê trên là hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều nước châu Phi và đang phát triển được nâng cấp. Quỹ toàn cầu cũng thường xuyên được xếp hạng là minh bạch nhất trong số các tổ chức viện trợ quốc tế.
Giúp đỡ các nước nghèo và đang phát triển giảm thiểu tử vong và bệnh tật không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn là cách để mở ra cơ hội kinh doanh và thương mại cho các nước giàu. Nhiều nước giàu còn đầu tư hạ tầng để nắm bắt cơ hội đầu tư thuận lợi ở các nước nghèo và đang phát triển. Tuy nhiên, họ không hề quên bổn phận duy trì viện trợ y tế bởi vì nhiều loại bệnh đã kháng thuốc hoặc xuất hiện những loại bệnh mới nguy hiểm hơn ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung của cả thế giới.
ANH THƯ (Theo Lemonde & Guardian)