Giải thưởng Sách hay năm 2013 được trao tại REX – TP. Hồ Chí Minh sáng 22-9-2013. Đây là giải thưởng thường niên do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức. Với tiêu đề “Lan tỏa trí thức”, buổi lễ trao giải năm nay ngoài công bố giải Sách hay 2013, còn có tọa đàm “Sách và Khai minh”. Đây là điểm mới. Mới nữa, chỉ sau hai tuần thông báo, đã có hơn ngàn người đăng ký tham dự buổi lễ, trong khi khán phòng sang trọng của REX chỉ chứa được 700-800 người.
Các tác giả tham gia tọa đàm tại lễ trao giải. Ảnh: Kiều Mai Ly |
Biết rằng đây là giải thưởng dân lập đầu tiên ở Việt Nam với quy mô lớn (6 hạng mục và thêm hạng mục “Phát hiện mới”) mà có sức thu hút lớn như thế, đủ nói lên một điều: Sách vẫn còn có sức hấp dẫn đặc biệt với công chúng ngày nay, nhất là khi giải thưởng hội tụ một ban giám khảo và hội đồng xét tuyển (gồm 7 hội đồng) có đủ tâm, đủ tầm đánh giá chất lượng sách.
Giải thưởng Sách hay năm 2013 có gì lạ?
Định hướng nội dung 6 hạng mục Sách hay và Phát hiện mới, Ban giám khảo đòi hỏi tác phẩm được trao giải phải mang một thông điệp.
Nếu ở hạng mục Nghiên cứu, khảo luận Thần, người và đất Việt (NXB Văn hóa Thông tin, 2006) của Tạ Chí Đại Trường mang thông điệp về Tinh thần hòa hợp: không phân biệt trong hay ngoài nước, Nam hay Bắc… thì Li Tana qua Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 & 18 (NXB Trẻ, 1999) do Nguyễn Nghị dịch, nhắc nhở chúng ta hôm nay chú ý đến nền kinh tế nước nhà hiện tại.
Nếu Đi vào nghiên cứu khoa học của Nguyễn Văn Tuấn (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011) ở hạng mục Giáo dục, nhấn mạnh sự tối quan trọng của nghiên cứu khoa học trong đại học, một nghiên cứu khoa học không phải bị định hướng, một thứ khoa học không chấp nhận làm công cụ phục vụ mục đích ngoài khoa học; thì Chiến lược Đại dương xanh (NXB Tri thức, 2010) của Chan Kim Renee Mauborgne do Phương Thúy dịch - một dịch phẩm thuộc hạng mục Quản trị - gửi đến độc giả một thông điệp gần như ngược đời: Đi tìm/sáng tạo một thị trường không cạnh tranh. Ở đây, người thay mặt hội đồng xét tuyển đưa ra ví dụ vui: Thế giới có dầu gội đầu dành cho phụ nữ, từ đó các công ty đã cạnh tranh quyết liệt với nhiều nhãn mác khác nhau. Vậy, tại sao không sáng tạo loại dầu gội đầu dành cho nam giới? Nhìn rộng hơn, Việt Nam đang sở hữu mênh mông “thị trường biển”, là thị trường không cạnh tranh, tại sao chúng ta lại đi cạnh tranh với các thị trường mà ở đó chúng ta luôn ở thế yếu, thế kẻ đi sau?
Rồi, bên cạnh hạng mục Văn học - từ Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà văn, 2009), đến dịch phẩm Nắng tháng Tám của William Faulkner (NXB Hội Nhà văn, 2013) do Quế Sơn dịch, hay từ Chuyện nghề của Thủy do Trần Văn Thủy - Lê Thanh Dũng viết (NXB Hội Nhà văn, 2013) cho đến Giã biệt hoang vu của Nguyễn Hàng Tình (NXB Hội Nhà Văn, 2013) thuộc hạng mục “Phát hiện mới”… tất cả đều mang một thông điệp rõ ràng về tính nhân văn của sách.
Hay xa hơn, nhà văn Lê Tất Điều qua Những giọt mực, tác phẩm viết cho thiếu nhi ra đời từ năm 1968, vừa được Nhà xuất bản Mỹ Thuật tái bản, nhận giải Sách hay ở hạng mục Thiếu nhi, đã rất bất ngờ với giải Sách hay 2013. Từ Mỹ, ông đã gửi thư về: “Hơn 40 năm trước, tôi viết Những giọt mực dành cho thiếu nhi trong thời đại mình, không mơ ước điều gì quá xa xôi hơn. Rồi khi cuốn sách được quan tâm ở thời điểm ấy, tôi đã từng nghĩ giá như tác phẩm được nối dài qua nhiều thế hệ. Ước mơ ấy cũng dần tàn lụi trong những cuộc bể dâu, không thể ngờ hôm nay được giải thưởng Sách hay đã làm cho Những giọt mực tái sinh”.
Những giọt mực ấy - bằng trí tuệ sáng tạo, đã làm nên sách - những cuốn sách hay thể hiện qua tấm lòng rộng mở, làm nên thông điệp mà giải Sách hay muốn gửi đến cho mỗi chúng ta.
INRASARA