.

Cuốn sách không chỉ dành cho Huế

.

Bộ sách 2 tập “ Quốc học Huế - xưa & nay”, dày trên 1.600 trang, một công trình đồ sộ và công phu, vừa được NXB Văn hóa Thông tin ấn hành. Ban biên soạn là những nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi: Trần Phương Trà (chủ biên), Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Xuân Hoa, Phạm Khắc Lãm, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục.

Trường Quốc học Huế (còn được gọi là Trường Trung học Khải Định) được thành lập theo Dụ của vua Thành Thái ban hành ngày 23-10-1896, tính đến nay đã có lịch sử là 117 năm. Ngôi trường tọa lạc bên sông Hương, nhưng không chỉ dành cho Huế, mà trong gần suốt chiều dài lịch sử (trước 1945) nhà trường tuyển chọn học sinh từ Bình Thuận ra tới Thanh Hóa; mặt khác, do vị trí của Huế trong lịch sử dân tộc, Trường Quốc học Huế đã thành nơi hội tụ rất nhiều những người con ưu tú của đất nước: từ Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Sinh Cung) đến Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Lân, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận, Tôn Thất Tùng…

Riêng ở Quảng Nam - Đà Nẵng, ngay trong những trang đầu bộ sách, chúng ta đã “gặp” một nhân vật quê Đà Nẵng: Cụ Bùi Công Trọng, sinh năm 1918, học Quốc học Huế những năm 1934-1938. Cụ chưa phải là người nổi tiếng, nhưng chỉ qua vài trang hồi ký của Cụ in trong bộ sách này, chúng ta đã thấy được phần nào “không  khí” ở Quảng Nam-Đà Nẵng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, từ cuộc vận động bầu cử cho các ứng viên của cách mạng vào Hội đồng Dân biểu Trung Kỳ đến công tác truyền bá chữ Quốc ngữ cho công nhân, nông dân… Năm 1946, Cụ được cử làm Trưởng Ty Kinh tài của chính quyền cách mạng tại Đà Nẵng.

Bạn đọc còn được “gặp” nhiều nhân vật quê Quảng Nam - Đà Nẵng nổi tiếng hơn nữa hiện diện trong bộ sách như cụ Phạm Liệu (1872-1936), một trong “Ngũ Phụng tề phi” (5 người quê Quảng Nam đỗ tiến sĩ năm 1898) từng giữ chức thượng thư Bộ Binh; ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) em ruột Phan Thanh, tham gia hoạt động và viết trên nhiều tờ báo cách mạng từ năm 1931, sau cách mạng Tháng Tám là Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bác sĩ Trần Đình Nam (1896-1974) từng tham gia chính phủ Trần Trọng Kim với chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là người chấp bút viết “Chiếu thoái vị” cho vua Bảo Đại; nhà văn - nhà báo Phan Khôi, cụ Nguyễn Đóa, từng dạy và làm Giám thị ở Trường Quốc học Huế, từng giữ chức Phó Chủ tịch Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; nhà văn, nhà thơ Nguyễn Văn Bổng, Phạm Hầu, Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn), nhà báo Phạm Phú Bằng, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Đàn, từng giữ chức Giám đốc Nha Bình dân học vụ Trung bộ…

Nhà giáo Trần Đình Đàn (cùng với bà Tôn Nữ Giáng Châu) là một trong hơn 100 cặp vợ chồng trưởng thành từ “Trường Anh-Trường Em” (chồng Quốc học, vợ Đồng Khánh) đã được các tác giả bộ sách công phu sưu tầm và giới thiệu - câu chuyện của họ không chỉ gợi nhớ một thời trung học mộng mơ bên dòng sông Hương mà còn có thể là chất liệu cho nhiều bộ tiểu thuyết. Trong những “cặp đôi” đó, ở “Đất Quảng” còn có các cặp đôi nổi tiếng như Phan Thanh - Lê Thị Xuyến (từng là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Sau khi ông Phan Thanh mất, bà tục huyền với ông Lê Văn Hiến); Nguyễn Đình Tứ - Nguyễn Thu Nhạn (ông Nguyễn Đình Tứ quê Hà Tĩnh, từng là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; còn bà Thu Nhạn quê Điện Bàn, giáo sư-tiến sĩ, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam)…

Từ cuộc đời những “cựu học sinh” nổi tiếng như thế và cả những người bình thường, bộ sách đã cung cấp cho bạn đọc một khối lượng tư liệu, kiến thức lịch sử văn hóa vô cùng phong phú và những ai từng dạy và học tại ngôi trường này đều có thể tìm thấy những kỷ niệm thân thiết của mình. Mặt khác, những nhân vật tên tuổi gắn với một ngôi trường danh tiếng, nhắc chúng ta nghĩ đến việc xây dựng một môi trường giáo dục, chương trình giáo dục nhằm đào tạo nên một lớp người có nhân cách, có chí lớn - từ đó, bước vào đời, họ sẽ tự trang bị, bổ sung những kiến thức cần thiết cho công việc mà mình đảm nhiệm.

Xin dẫn một đoạn trong bài viết của đại tá Lâm Quang Minh (quê Đà Nẵng, cựu học sinh Quốc học Huế 1940-1943, hiện là Trưởng Ban liên lạc cựu học sinh Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế) viết về Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Đàn (dạy Quốc học Huế 1925-1927), người thầy của rất nhiều giáo sư-tiến sĩ ở nhiều miền đất nước:

“…Được vào học Trường Tây (Albert Sarraut), đỗ tú tài Tây, nói thông viết thạo chữ Tây, nhưng đầu óc không bị lai căng. Say mê nghiên cứu tiếp thu và truyền thụ cho học sinh tinh hoa văn hóa, văn học Pháp, nhưng không quên đề cao văn hóa đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam. Dạy văn, sử, địa Pháp bằng tiếng Pháp, những vẫn ăn mặc y phục Việt Nam, khăn đen áo dài, chân đi giày hạ. Ca ngợi tinh thần Cách mạng Pháp 1789, nhưng không quên liên hệ đề cao truyền thống oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Khêu gợi, động viên tinh thần yêu nước, thương nòi, tự tôn, tự hào dân tộc của học sinh… Bị cấm đoán không cho dạy trường công thì tìm cách ra mở trường dạy tư; đòi hỏi nghiêm khắc ở học sinh, nhưng thái độ vẫn ôn tồn, độ lượng, tôn trọng, thương yêu và hết lòng bảo vệ dù có nguy cơ bị tình nghi theo dõi, thậm chí bị thải hồi và bị quản chế nhiều năm tại quê nhà…”.

  Đọc bộ sách “ Quốc học Huế - xưa & nay”, hẳn là nhiều người sẽ nghĩ: Một ngôi trường như thế, có những người thầy như thế, ắt sẽ đào luyện nên nhiều nhân tài cho đất nước. Bộ sách không chỉ dành cho Huế và hy vọng là không chỉ ở Huế, mà sẽ có nhiều địa phương xây dựng được những ngôi trường “thầy ra thầy, trò ra trò”, nhất là khi sự nghiệp giáo dục được đưa lên hàng “quốc sách” và ngày càng được xã hội quan tâm.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.