.

"Vết xe đổ" của Chế Lan Viên và ba chữ "nếu" của Tô Nhuận Vỹ

.

Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cháu gọi bà Hoàng Thị Kim Cúc bằng cô ruột, đã giải mã “nghi án văn chương” ở thôn Vỹ qua tác phẩm Lá trúc che ngang - Chuyện tình của cô tôi (NXB Đà Nẵng tháng 8-2013). Ấn phẩm gần 200 trang với khá nhiều tư liệu, hình ảnh, bút tích của một số người cùng thời có mối quan hệ thân tình với Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc.

 Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa giao lưu với độc giả Huế. Ảnh: T.T
Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa giao lưu với độc giả Huế. Ảnh: T.T

Tác giả khá bất ngờ khi tiếp cận những lá thư của bà Hoàng Cúc gửi cho rất nhiều người như: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Nguyễn Bá Tín, Võ Long Tê, v.v... đều có lưu một bản, với hai chữ “để lại” viết chéo ở phía trên góc lề trái. Tác giả phán đoán: “Cô hiểu sau này sẽ có những người cố tình không nói đúng những lời cô tâm sự. Cô biết có ngày những bức thư ấy sẽ nói lên sự thật...”.

Tác giả cũng đã tuyển chọn thêm một số bài viết, ý kiến của nhiều người, công bố những tư liệu do bà Hoàng Cúc để lại để khẳng định rằng “thiên tình sử của Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc chỉ mới ở mức độ cảm nhận nhẹ nhàng như khói, như sương” (Trần Kiêm Đoàn).  

Như chúng ta biết, ở thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế, có một người phụ nữ đôn hậu, bình dị, sống cuộc đời âm thầm, lặng lẽ theo triết lý nhà Phật, bỗng nhiên trở thành một nhân vật gây ra nhiều tranh luận sôi nổi trên báo chí và văn đàn suốt nhiều thập kỷ. Cho đến năm 1971 thì bà mới lên tiếng phiền trách nhà thơ Quách Tấn đã tùy tiện viết về bà và gia đình bà. Không chỉ riêng Quách Tấn, thông tin trên nhiều sách, báo khi viết về Hàn Mặc Tử đều vô tình, hoặc cố tình, hiểu sai mối tình đầu với Hoàng Cúc. Và năm 1987 Chế Lan Viên đã vô tình lặp lại “vết xe đổ” của Quách Tấn.

“Vết xe đổ” của Chế Lan Viên

Xin được dùng chữ “vết xe đổ”, vì trong vòng hai tháng, Chế Lan Viên đã hai lần làm “xao động tình cảm” bà Hoàng Thị Kim Cúc, “nàng thơ” của Hàn Mặc Tử hồi cuối thập niên 1930. Các tư liệu liên quan vừa được công bố trong Lá trúc ngang che - Chuyện tình của cô tôi. Đó là bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên về vở kịch Quan Nghị gật của Hàn Mặc Tử trên Tạp chí Sông Hương (TCSH) số 25/1987; và bài giới thiệu tập Bài thơ thôn Vỹ, do TCSH tổ chức bản thảo và ấn hành 40.000 cuốn vào năm 1987, với tựa đề Sông Thương, Sông Hương trong dòng văn học.

Trong thư gửi Chế Lan Viên, ngày 10-9-1987, bà Kim Cúc viết: “... rồi tôi cũng được anh lưu tâm giới thiệu với mấy điều ngộ nhận trên. Không hiểu anh đã dựa vào đâu để nhắc đến tôi với mấy lời thiếu tế nhị trên tờ Sông Hương và Bài thơ Thôn Vỹ. Tôi lấy làm phiền lòng hết sức... Xin anh hãy thận trọng khi đề cập đến một cá nhân nào, nhất là chuyện tâm tình của người đó mà anh chưa hiểu rõ họ... Nếu tôi cứ yên lặng để anh đi từ sai lầm này đến sai lầm khác thì sợ sẽ làm giảm giá trị cho các tác phẩm của anh sau này...”.

Trong bài Sông Thương, Sông Hương... Chế Lan Viên viết: “... Lẽ nào không nhắc đến Hoàng Cúc. Chính Mai Đình mang đến tôi một tập Nắng Xuân có đăng bài Sao anh không về chơi thôn Vỹ của Tử tặng Cúc... in ở Quy Nhơn năm 1937. Chị Cúc không như trong các sách nói đã đi lấy chồng. Chị sống độc thân, tu hành, năm nay 73 tuổi rồi, nhưng tập thơ 50 năm xưa chị vẫn giữ, bút tích Tử chị còn giữ...”.

Trong thư gửi Chế Lan Viên bà Kim Cúc cho biết: Hai chị em Vân Khanh (cháu HMT, học trò cũ của bà Kim Cúc) đến thăm và mượn tập Nắng Xuân. Mấy hôm sau trở lại, cùng Mai Đình, Vân Khanh cho biết: “Em đem tập Nắng Xuân trả cô, nhưng khi ghé nhà anh Chế Lan Viên, thấy tập báo anh mừng quá đòi mượn... Anh bảo cứ đưa anh mượn, rồi anh sẽ viết giấy cho cô, và anh đã viết trên tấm danh thiếp này nhờ em đưa đến cho cô đây.” Bà Kim Cúc viết: “Vậy tập Nắng Xuân đến tay anh là do tự ý Vân Khanh đưa anh mượn, không có ý kiến của tôi và đặt tôi vào tình trạng đã rồi... Tiện đây cũng thưa anh rõ là bài thơ Sao anh không về chơi thôn Vỹ không có mặt trong tập Nắng Xuân... Bài Ở đây thôn Vỹ Dạ được sáng tác năm 1939”.

Ba chữ “nếu” của cựu Tổng biên tập TCSH

Trong buổi ra mắt cuốn Lá trúc che ngang - Chuyện tình của cô tôi tại Huế vừa qua, với tư cách là Tổng biên tập TCSH thời điểm đó, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã bày tỏ suy nghĩ và sự áy náy của mình: “Tôi cạn nghĩ, sự thiếu chính xác về mối tình của nhà thơ và cô gái Huế, cũng như về gia đình cô Hoàng Thị Kim Cúc đã có thể tránh được, nếu…

1. Nếu năm 1987, cô Kim Cúc đến TCSH đăng cải chính của mình, như cô dự định, thì sự thiếu chính xác này đã không thể tiếp tục (lại có phần đi xa hơn ban đầu) trong hơn 26 năm qua. Tôi nghĩ, với trạng thái tinh thần của Sông Hương khi đó, việc đăng cải chính này, dù có “động chạm” tới không ít tác giả có tên tuổi, là điều không có gì khó khăn.

Dĩ nhiên, TCSH cũng đã chưa thật trọn vẹn với cô Kim Cúc và gia đình, khi mà cô đang sống ở Vỹ Dạ. Chúng tôi thiếu một sự chu đáo tham khảo nội dung liên quan đến cô, mặc dầu chúng tôi luôn luôn tôn quý Hàn Mặc Tử và cô. Tuy nhiên, cho phép chúng tôi thưa rằng, khi cho xuất bản cuốn Bài thơ thônVỹ, TCSH đã “quá cả gan”. Bởi lúc này thơ Tiền chiến đang bị phê phán gần như ở tất cả hệ thống tuyên truyền và giáo dục của cả nước, và đây là cuốn thơ Tiền chiến đầu tiên được in, nên chúng tôi đang phải tìm cách để bảo vệ tư tưởng đổi mới của mình. Dù trước đó, một trong những “cách” ấy là mời Chế Lan Viên viết lời tựa. Bởi ông là sự tín chấp lớn đối với Nhà nước. Mặt khác, mọi người đều biết, ông là người gần gũi với Hàn Mặc Tử và trong nhóm thơ Quy Nhơn, những điều ông nói và viết về Hàn Mặc Tử, trong đó có mối tình Hàn Mặc Tử - Hoàng Cúc, chưa thấy ai phản bác. Chúng tôi thưa lại điều này không phải để không thấy sự thiếu chu đáo của mình mà để mọi người hiểu thêm sự vụ.

2. Nếu các vị đáng kính như Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín giữ đúng lời hứa với cô Kim Cúc sẽ chỉnh sửa khi tái bản sách về sự thiếu chính xác khi viết “không đăng đối của hai gia đình”, cũng như quan hệ tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và cô thì sự thiếu chính xác càng không đi xa đến vậy, và số người hiểu sai đã dài dằng dặc… Chúng tôi hoàn toàn không hiểu sao LỜI HỨA nghiêm trang như vậy lại không được thực hiện!

3. Nếu cuối cùng, nếu như Cô Hoàng Thị Kim Cúc… bớt nghiêm cẩn hơn, bớt khép kín mà mở lòng với công chúng thương kính và hâm mộ cô trong quan hệ với thi sĩ, cũng như sự mẫu mực trong đời sống thường nhật… thì câu chuyện chắc cũng không đợi đến ngày hôm nay, khi cô không còn trên cõi đời này nữa.

Nhưng, lại nhưng, nếu cô không là cô như thế thì, biết đâu, cái hư ảo, cái mờ nhân ảnh không còn nữa lại khiến bài thơ và sự thưởng lãm, sự suy đoán không còn vô bờ vô bến, có khi khác nhau đến vô bến vô bờ của vô vàn con người thì… biết đâu Đây thôn Vỹ Dạ sẽ không là một (01) trong một trăm (100), trong năm mươi (50), trong mười (10) bài thơ tình hay nhất Việt Nam từ xưa tới nay như kết quả ở nhiều cuộc bình chọn của người yêu mến thơ.

THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.