.
Những cái nhất của Đà Nẵng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm

.

Được xây dựng từ năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất Việt Nam với hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chăm-pa.

Rất nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L
Rất nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L

Theo giới thiệu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, được thực hiện bởi những người Pháp yêu ngành khảo cổ học, đặc biệt là của những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (L’Ecole francais d’Extrême - Orient, viết tắt là EFEO) và những đồng nghiệp Việt Nam.

Ý tưởng về xây dựng ở Đà Nẵng một bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm đã manh nha từ năm 1902 với một đề án của Khoa Khảo cổ ở EFEO và phải đợi 17 năm sau đó tòa nhà đầu tiên của bảo tàng mới được chính thức hoàn thành theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair. Quá trình xây dựng đề án và vận động để đề án được thực hiện có sự đóng góp lớn của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của EFEO và là một trong những người đầu tiên có đóng góp quan trọng trong việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Chăm.

Toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay mặc dầu đã trải qua hai lần mở rộng quan trọng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chăm-pa cổ xưa. Trong đó, có ba hiện vật đã được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ tát Tara.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 được Henri Parmentier và cộng sự phát hiện vào năm 1902 – 1903 trong một cuộc khai quật tại tháp E1 ở Thánh địa Mỹ Sơn. Với chất liệu sa thạch vàng nhạt có niên đại từ thế kỷ VII - VIII, đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được các nghệ nhân Chăm chế tác những phù điêu mô tả đời sống của các tu sĩ Bà-la-môn xưa như: chơi nhạc, đàm đạo, làm thuốc…

Đài thờ Trà Kiệu có niên đại từ thế kỷ VII - X, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Chăm.

Trang phục, trang sức, kiểu tóc, mũ đội đầu của các nhân vật trên đài thờ cùng với các mô-típ viền trang trí hạt cườm rất phổ biến đã khiến cho đài thờ được xếp vào phong cách nổi tiếng của nghệ thuật điêu khắc Chăm thế kỷ VII đến thế kỷ X: Phong cách Trà Kiệu

Tượng đồng Tara được làm bằng đồng nguyên chất, cao 1,15m, được người dân Đồng Dương (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phát hiện vào năm 1978 khi đang cày ruộng. Tượng đồng Tara là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bồ tát được khắc họa trong tư thế đứng trang nghiêm với dáng hình tròn trịa, cân đối, mình thân trên và hai bàn tay để trần.

Đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong một không gian đầm ấm, một lượng người vừa đủ, ta có thể chiêm nghiệm một điều gì đó từ trong thinh lặng của những tượng, phù điêu, đài thờ… Chạm đến những hiện vật bằng đá, đồng hay đất nung, ta cảm nhận được hơi thở của nghìn xưa ẩn tàng đâu đó trong từng hoa văn tinh xảo, trong từng nét chạm trổ công phu.

Không đâu, ngoại trừ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ta có thể bắt gặp ở đây cuộc hội ngộ của các tượng thần mang hình dáng động vật hoặc hình dáng một vật thể do con người sáng tạo ra mà ngôn ngữ chuyên ngành gọi là các linh vật. Bên cạnh các nam thần, nữ thần là thế giới của những con vật huyền thoại như voi thần Ganesa, bò thần Nandin, chim thần Garuda, rắn thần Naga... Chim và rắn ngoài đời vốn là 2 kẻ thù không đội trời chung. Thế nhưng, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, ta sẽ bắt gặp chim thần Garuda và rắn thần Naga quấn quýt nhau trong một pho tượng lớn.

Ngoài các bộ sưu tập cũ, sau năm 1975 Bảo tàng đã bổ sung nhiều hiện vật mà giá trị nhất Tượng Bồ tát Tara và bộ sưu tập các tượng ở di tích An Mỹ (Quảng Nam) có khả năng có niên đại từ thế kỷ 6-7, từng được đưa đi trưng bày ở Pháp, Mỹ… Lâu nay chỉ chủ yếu nghiên cứu, khảo cổ di tích Chăm trên mặt đất. Gần đây, Bảo tàng lần đầu tiên tổ chức khảo cổ, nghiên cứu dưới đáy tháp Chăm ở Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện HòaVang).

Để trưng bày các hiện vật được tìm thấy trong các đợt khai quật này, Bảo tàng sẽ mở thêm Phòng Di tích Chăm tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ “trình làng” vào cuối năm nay nhằm tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Bảo tàng. Lâu nay người ta cứ nghĩ các hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm có xuất xứ từ ngoài Đà Nẵng. Việc trưng bày các hiện vật mới này cùng với các hiện vật đã được phát hiện trước đó ở Tháp Quá Giáng, Miếu Bà Khuê Trung,… sẽ chứng minh rằng ngay trên địa bàn thành phố cũng phát hiện nhiều hiện vật Chăm giá trị.

Được biết, thành phố đang xem xét chủ trương nâng cấp tăng thêm diện tích trưng bày,  bổ sung các loại hình phụ trợ như thư viện, biểu diễn loại hình văn hóa phi vật thể... để đầy đủ chức năng của một bảo tàng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.