.
Những cái nhất của Đà Nẵng

Đình làng Phước Thuận

.

Tài liệu sớm nhất cho biết sự xuất hiện đình làng ở Đà Nẵng là khoán ước của làng Phước Sơn và đình được nhắc đến ở đây là đình Phước Sơn, nay là đình Phước Thuận thuộc thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Đọc chúc văn tôn vinh công đức Tam vị Tiền hiền tại Hội làng Phước Thuận. Ảnh: L.G.L
Đọc chúc văn tôn vinh công đức Tam vị Tiền hiền tại Hội làng Phước Thuận. Ảnh: L.G.L

Đó là thông tin từ cuốn Đình làng Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2012) của nhóm tác giả Hồ Tấn Tuấn (chủ biên) – Lê Xuân Thông – Đinh Thị Toan. Theo trang 17 sách đã dẫn, bản khoán ước được lập vào năm Gia Long thứ bảy (1808), có đoạn như sau:

“Chúng tôi là những viên chức lớn nhỏ trong xã, thuộc xã Phước Sơn, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Nay lập đồng ưng định cử ông cựu cai tên Đàm lên làm chức Trùm cả để chăm sóc các việc trong đình, chùa (…). Từ nay những nam phụ lão ấu trong xã và những người ngụ cư nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc Tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc…”.

7 năm trước, chúng tôi đã có chuyến đi điền dã về làng Phước Thuận, nghe các bậc kỳ lão nơi này kể rằng, phía tây núi Phước Tường xưa có “Phước Sơn đại xã”, một xã lớn được gọi là đất “Ngũ Phước” bao gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hưng, Phước Thái và Phước Hương (nay là thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn). Tuy nhiên, khi hỏi về thời điểm chia tách xã lớn Phước Sơn để hình thành 5 “xã con” thì các cụ không nêu được cụ thể, chỉ đưa ra vế đối xưa (hiện còn lưu ở đình Phước Thuận) “Phước Thuận khai nguyên tiên ngũ xã” để minh chứng rằng Phước Thuận là xã mở đầu trong năm xã (của Phước Sơn đại xã).

Sách đã dẫn cũng không xác định thời gian cụ thể của sự chia tách này, nhưng khẳng định rằng làng Phước Thuận, về mặt tổ chức, được hình thành muộn nhất là vào trước ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1843), đời vua Thiệu Trị. Bởi lẽ, trong 14 sắc phong của các vua Triều Nguyễn (từ Minh Mạng đến Khải Định) mà đình hiện lưu giữ, thì bắt đầu từ sắc vua Thiệu Trị ban ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão, địa danh Phước Thuận xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính trong bộ máy tổ chức chính quyền phong kiến Triều Nguyễn. Trước đó, sắc của vua Minh Mạng ban ngày 11 tháng 9 năm Bính Tuất (1826) vẫn còn ghi là “Phước Sơn xã, Phước Tường Thượng tổng…”.

Theo các vị kỳ lão làng Phước Thuận thì đình Phước Sơn (tiền thân của đình Phước Thuận) ban đầu được lập bằng tranh tre nứa lá ở Cồn Am, xứ Bàu Dài, nay là Xóm Trên thôn Phước Thuận. Về sau (theo phỏng đoán của nhóm tác giả sách đã dẫn là khoảng cuối thế kỷ XVII), đình được dời về xứ Cây Trôi cho đến ngày nay. Đến đời Thái Đức (1778 - 1793, Nguyễn Văn Nhạc) thời Tây Sơn, đình làng được xây dựng khang trang bằng gỗ và vật liệu tại chỗ, còn lưu dấu tích ở ruộng Hồ Lư là nơi lấy đất sét sản xuất gạch ngói ngày xưa. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), toàn bộ sườn gỗ của đình được gia cố bằng gỗ mít và kiền kiền, gần như giữ nguyên hiện trạng đến nay. Sau khi “Phước Sơn đại xã” được chia tách thành 5 xã, đình Phước Thuận nổi tiếng khắp vùng qua câu ca dân gian: “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”.

Nếu khoán ước làng Phước Sơn là tài liệu sớm nhất cho biết sự xuất hiện đình làng ở Đà Nẵng thì đình Phước Sơn (tức Phước Thuận) là một trong bốn ngôi đình được coi là có niên đại sớm nhất ở Đà Nẵng: Phước Thuận, Dương Lâm, Bồ Bản và Phong (Lệ) Bắc. “Tuy nhiên, chỉ có đình Phong Lệ Bắc và đình Dương Lâm mới cho chúng ta những niên đại chính xác. Ở đình Phong Lệ Bắc, xà cò ghi: “Tự Đức bát niên tuế thứ Ất Mão, tứ nguyệt, cát nhật, bổn xã phụng tạo”, tức là được dựng vào ngày lành tháng Tư năm Ất Mão, Tự Đức thứ tám (1855); còn đình Dương Lâm là vào tháng Bảy năm Bính Dần, Tự Đức thứ mười chín (1866)” (sđd, tr.15).

Riêng niên đại đình Phước Thuận và đình Bồ Bản là do nhóm tác giả sách đã dẫn đoán định. Dựa vào dòng chữ khắc trên xà cò ở đình Phước Thuận và văn bia đình Bồ Bản kết hợp với việc khảo chứng từ những lưu truyền dân gian và xem xét quy mô, kiểu thức kiến trúc và điêu khắc trang trí, các tác giả cho rằng đình Phước Thuận có niên đại năm Thiệu Trị thứ tư (1844) và đình Bồ Bản có niên đại năm Tự Đức thứ năm (1852).

Như thế, đình Phước Thuận là đình làng cổ nhất Đà Nẵng hiện nay. Ngoài 14 sắc phong Triều Nguyễn (chưa kể 7 tờ bị giặc Pháp lấy mất), đình Phước Thuận hiện còn giữ hơn 17 tập sách cổ, trong đó có bộ Đinh, bộ Điền thời Thái Đức và Khoán ước thời Gia Long nói trên... tất cả đã góp phần làm phong phú di sản văn hóa Hán Nôm của Đà Nẵng.

Ngày 20 tháng Ba âm lịch hằng năm, bà con 38 phái tộc làng Phước Thuận tổ chức hội làng và lễ Giỗ Tam vị Tiền hiền là Mai Văn Trân, Phạm Văn Tín và Hồ Văn Ngạn đã có công khai phá vùng đất phía Tây núi Phước Tường lập nên xã hiệu mới.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.