.

Phẩm giá con người quyết định thắng lợi(*)

.

Tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bền chặt với Điện Biên Phủ. Ngay những kẻ đối địch của đại tướng cũng đều công nhận ông là một trong những nhà chiến lược tài giỏi của thế kỷ XX. Năm 1965, Tạp chí Etudes vietnamiennes (Nghiên cứu Việt Nam) đăng tải bài trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bài viết đã được tạp chí Carnets du Viet Nam (Sổ tay Việt Nam) đăng lại vào tháng 2-2004. ĐNCT xin giới thiệu bản dịch của tác giả Phạm Ngọc Cừ nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

- Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (NCVN): Theo thứ tự về tầm quan trọng thì vấn đề đầu tiên mà Đại tướng quan tâm là vấn đề gì?

* Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tướng): Kẻ thù biết điểm yếu của chúng ta và máy bay địch không ngừng ném bom phá hoại con đường tiếp tế của chúng ta. Các bạn biết chúng ta đã giải quyết vấn đề này như thế nào: giải quyết thông qua việc tổng động viên rộng lớn toàn thể dân tộc chúng ta.

- NCVN: Một khi lương thực, thực phẩm và súng đạn đã đưa đến nơi thì xem như tất cả các vấn đề đều đã được giải quyết?

* Đại tướng: Vẫn còn lắm vấn đề cần phải giải quyết. Trước tiên, làm thế nào mang các loại vũ khí lên trên đỉnh các ngọn núi vây quanh Điện Biên Phủ khi thường là chẳng có một con đường nào cả. Đại bác đưa lên đỉnh núi bằng tay con người, cất giấu trong những hầm được ngụy trang rất khéo, hàng mấy trăm cây số hầm hào được đào trong nhiều tuần lễ liền. Những điều ấy các bạn cũng đã biết cả rồi.

- NCVN: Nhưng tại sao có lực lượng tình báo rất giỏi mà Navarre lại không thể dự kiến được những chuyện này?

* Đại tướng: Nói cho đúng ra cả Navarre cũng như mọi vị tướng tư sản khác đều không hiểu dân tộc ta, quân đội Việt Nam ta. Họ rất tin tưởng vào vũ khí, vào các phương tiện kỹ thuật.

- NCVN: Hiện nay rất nhiều tác giả Pháp - đặc biệt là bên quân sự - đều trách cứ Navarre như thế. Vậy một vị tướng khác Navarre có thể đã không phạm sai lầm ở Điện Biên Phủ? Xin đại tướng cho biết ý kiến về dư luận này.

* Đại tướng: Những kẻ sử dụng vô số xe tăng, máy bay và đại bác khó tưởng tượng rằng làm sao những chiến binh vũ trang kém cỏi lại có thể chống cự được họ. Khi đến Sài Gòn, tướng Leclerc cho rằng có thể “bình định” Nam bộ trong ba tuần lễ còn de Lattre de Tassigny thì nghĩ rằng có thể xáo trộn tất cả và biến chúng ta thành cát bụi. Bảy tổng tư lệnh đã thay nhau và họ đều mắc phải sai lầm này. Tất cả những vị tướng tư sản đều phạm sai lầm giống nhau nếu họ được đặt trong vị trí của Navarre. Chứng cứ rõ ràng là thực dân Pháp đã gây ra chiến tranh ở Algerie ngay sau khi chiến sự ở Đông Dương kết thúc và đế quốc Mỹ đến thay thế Pháp ở miền Nam Việt Nam để rồi cũng lặp lại đúng những sai lầm như thế.

- NCVN: Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì Đại tướng còn dành thời giờ cho một thao diễn quan trọng.

* Đại tướng: Đúng vậy. Giải quyết xong nhiệm vụ phòng ngự rồi, quân đội chính quy của chúng ta có thể tấn công bất cứ nơi đâu mà chúng ta muốn. Trong khi đó, những lực lượng cơ động của địch bắt buộc phải đến cứu viện ở mọi địa điểm bị ta tấn công. Không có máy bay, không có phương tiện vận chuyển cơ giới, không có tàu thủy thế mà lực lượng quân sự của ta lại rất cơ động, hơn hẳn quân thù.

- NCVN: Công tác chính trị trong quân đội là chỉ nghiên cứu những vấn đề có tính chất chính trị tổng quát, phải không thưa Đại tướng?

* Đại tướng: Không phải vậy đâu. Ví dụ, trước khi tấn công những điểm ở Điện Biên Phủ, một công việc quan trọng là đào hầm hào để tiến sát nách địch, ngụy trang cho địch không biết việc tiến quân của bộ đội ta. Đôi khi quân đội ta chưa nắm hết tầm quan trọng của những công việc ấy và đó cũng là một điều mà công tác chính trị phải giải quyết. Cuộc chiến đấu đã kéo dài và rất căng thẳng. Nói chung tinh thần bộ đội ta rất tốt nhưng như vậy không có nghĩa là tất cả mọi tình huống đều được hết như thế, đều không có những xu hướng tiêu cực. Giữa chiến dịch, chúng tôi phải xúc tiến hàng loạt tập huấn để động viên tinh thần, chính trị và tư tưởng và điều đó đã quyết định cho thắng lợi cuối cùng. Điều mà một số người gọi là lòng say mê cuồng nhiệt, trên thực tế, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một quân đội phục vụ nhân dân.

- NCVN: Nếu quân đội viễn chinh Pháp nhận được nhiều máy bay, vũ khí hơn nữa thì họ có thắng không?

* Đại tướng: Điều mà bọn thực dân thiếu không phải là vũ khí. Về mặt này, họ có ưu thế tuyệt đối. Điều mà họ thiếu nhất là con người, những con người muốn chiến đấu.

- NCVN: Rút ra bài học của những sự kiện lớn là điều thường làm. Xin Đại tướng tóm tắt cho những bài học về chiến dịch Điện Biên Phủ.

* Đại tướng: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà bọn đế quốc không còn có thể làm mưa làm gió được nữa. Đã có nhiều nước xã hội chủ nghĩa với sức mạnh to lớn về chính trị và vật chất, có nhiều thuận lợi cho các dân tộc bị áp bức đẩy mạnh phong trào giải phóng dân tộc lên thành cao trào. Hơn nữa, cuộc chiến tranh nhân dân được một quân đội nhân dân tiến hành có thể xem như một trong những chinh phục quyết định này, quan trọng hơn bất cứ thứ vũ khí nào đối với các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Bằng sự tự giải phóng mình, Việt Nam tự hào đã đóng góp vào việc giải phóng các dân tộc anh em… Đừng để sức mạnh của vũ khí hiện đại tác động đến tinh thần.Rốt cuộc, chính phẩm giá của con người đã quyết định thắng lợi.

Lược dịch từ “Carnets du Viet Nam” tháng 2-2004

PHẠM NGỌC CỪ


(*) Tít bài do ĐNCT đặt.

;
.
.
.
.
.