.
Những cái nhất của Đà Nẵng

Trận đầu đánh Pháp

.

Dưới nhãn quan của các nhà nghiên cứu, quân và dân Đà Nẵng đã cầm chân và gây thiệt hại cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong trận đầu “chạm trán” với tàu đồng đạn sắt của phương Tây đầu tháng 9-1858. Đây chính là một khởi đầu thắng lợi lớn, nhưng duy nhất trong hơn một phần tư thế kỷ (1858-1884) chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam.

Súng thần công và tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: L.G.L
Súng thần công và tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: L.G.L

Nhận thấy Đà Nẵng là một cửa ngõ phía Nam trọng yếu, ảnh hưởng rất lớn đến sự an nguy của kinh thành Huế, các triều vua Nhà Nguyễn ngày càng ra sức củng cố việc phòng thủ vịnh biển này.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), đầu đời Gia Long, vua đặt ở tấn biển Đà Nẵng một viên thủ ngữ, một viên hiệp thủ và 17 thủ binh. Đến năm Minh Mạng thứ chín (1828) lại cấp cho ngựa trạm, năm thứ hai mươi lăm (1844) đặt vọng lâu và cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển. Vào năm Gia Long thứ mười hai (1813), vua cho đắp các đài Điện Hải và An Hải ở hai bên tả hữu tấn Đà Nẵng. Đến đời Minh Mạng, vua cho lập thêm các pháo đài Định Hải ở phía tả và Phòng Hải ở phía đông-bắc. Sau đó, để tăng cường phòng thủ Đà Nẵng, triều đình Huế còn cho lập các bảo Trấn dương chung quanh vùng núi Trà Sơn, tức Sơn Trà ngày nay.

Đài Điện Hải đầu tiên được đắp ở tả ngạn sông Hàn, phía gần biển, giữ nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền, trấn giữ cửa biển Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ tư (1823), đài được dời vào chỗ di tích hiện nay, do Phó Đô đốc chế Nguyễn Văn Trí chỉ huy hơn 500 dân phu xây dựng. Đài có chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở 3 cửa, dựng một kỳ đài và 30 pháo đài. Năm Minh Mạng mười lăm (1835), đài được đổi tên thành thành Điện Hải. Đến năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), thành được xây dựng lại theo kiểu thành vauban châu Âu, lưu dấu tích cho đến ngày nay.

Rạng sáng ngày 1-9-1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ vang trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam. Quân giặc đổ bộ tập trung hỏa lực tấn công uy hiếp vào các thành Điện Hải, An Hải. Trong thành, dù chỉ với vũ khí thô sơ, lạc hậu quân ta vẫn chiến đấu quyết giữ thành. Sau cùng, quân giặc đã phá được mé thành phía tây, tràn vào. Quân ta phải rút lui. Tuy chiếm được thành, nhưng quân giặc luôn ở thế bị động, nhất là khi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được triều đình điều vào Quảng Nam làm Tổng đốc quân thứ. Dưới sự chỉ huy của viên tướng tài ba này, quân ta áp dụng chiến thuật phục binh, thường tổ chức đánh bất ngờ làm tiêu hao lực lượng quân giặc, ngăn chặn đường tiến binh và bẻ gãy các đợt tấn công của chúng.

Quân giặc cho củng cố thành vừa để bảo toàn lực lượng, vừa làm bàn đạp tấn công quân ta. Trên dưới một lòng, quân ta đắp lũy bao vây thành, quyết một phen sống mái với địch. Cuối cùng, bị khủng hoảng tinh thần cùng cực vì chiến thuật trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta, liên minh Pháp - Tây Ban Nha đành rút quân vào Gia Định, bỏ lại trên bán đảo Sơn Trà gần một nghìn ngôi mộ mà dân gian quen gọi là khu Mả Tây, dấu tích vẫn còn ở phía đông mũi Mỏ Diều và đảo Cò.

156 năm trôi qua, dấu tích các thành lũy trong cuộc chiến đấu hào hùng ngày nào đã mai một cùng phong sương tuế nguyệt, nhưng thành Điện Hải, nhờ được xây dựng kiên cố nên còn lưu dấu cho đến ngày nay. Ngoài một số di tích vật thể hiếm hoi còn lại, người Đà Nẵng đã biết cách phục dựng chiến công đẩy lùi quân xâm lược bằng máu xương của lớp lớp anh hùng nghĩa sĩ năm xưa qua những cuộc hội thảo khoa học diễn ra ở Đà Nẵng bắt đầu từ mốc kỷ niệm 140 năm trận đầu đánh Pháp (1858-1998) đến nay mà gần nhất là Hội thảo khoa học Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860, do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tại thành Điện Hải ngày 28-9-2013.

Sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của con dân Việt bằng niềm tự tôn dân tộc. Riêng với các nhà nghiên cứu, họ đã lật từng trang sách xưa, soi từng viên gạch cũ để cho ra đời hàng trăm tham luận nhằm góp từng nét cọ “vẽ” lại toàn cảnh cuộc chiến “châu chấu đá xe” năm xưa. Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đã tập hợp 27 bài báo, tham luận tiêu biểu để cho ra đời cuốn sách Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) với sự hỗ trợ của NXB Giáo dục Việt Nam, ra mắt chiều 24-5 tại NXB Giáo dục Chi nhánh Đà Nẵng.

Trong bài Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc dưới Triều Nguyễn trước năm 1858 - Trường hợp tỉnh Quảng Nam ở trang 74  sách đã dẫn, tác giả Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đã viết như sau:

“… Công cuộc bảo vệ biển đảo của Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dưới Triều Nguyễn trước năm 1858 đã góp phần không nhỏ vào việc đánh bại cuộc tiến công quân sự của liên quân Pháp - Tây Ban Nha hồi đầu tháng 9 năm 1858, làm nên chiến thắng thứ nhất và duy nhất (ĐNCT nhấn mạnh) trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân trước khi người Pháp hoàn thành mục tiêu xâm lược và đô hộ trên phạm vi cả nước”.

Lịch sử đã minh chứng hùng hồn rằng, dân tộc Việt Nam không hề khuất phục trước bất cứ cuộc xâm lược nào đến từ ngoại bang. Khi mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương -981 trái phép trên lãnh hải của Việt Nam thì thêm một lần nữa, người Đà Nẵng sẽ thay mặt cả nước và cùng cả nước kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trước hiểm họa xâm lăng từ phía biển.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.