.

Bình yên trong trái tim mình

.

Cha mẹ bị giặc Mỹ giết hại nhưng ông vẫn nhiệt tình dẫn cựu binh Mỹ tìm hài cốt chiến hữu của họ. Điều đó chỉ có ở Bộ đội Cụ Hồ giàu tính nhân văn cao đẹp.

Đại tá Dương Minh Chí cùng cháu nội bên chiếc áo “Cựu chiến binh vì hòa bình” do các bạn Mỹ tặng năm 2013. Ảnh: H.M
Đại tá Dương Minh Chí cùng cháu nội bên chiếc áo “Cựu chiến binh vì hòa bình” do các bạn Mỹ tặng năm 2013. Ảnh: H.M

Dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng), khu đô thị mới Hòa Xuân, có căn nhà khá xinh xắn với nhiều cây xanh của Đại tá Dương Minh Chí.

Quê thôn Lỗ Giáng, Hòa Xuân, từ nhỏ ông Dương Minh Chí đã sống trong không khí sục sôi cách mạng. Cha ông bị Mỹ kéo đến nhà bắn chết sau khi người chú là Phó bí thư Đảng ủy xã hy sinh. Cả nhà có 5 người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Chứng kiến nỗi đau gia đình, vừa qua tuổi thiếu niên, ông đã thoát ly làm quân giải phóng. Tham gia nhiều chiến trường, đánh hàng chục trận, nhưng kỷ niềm đáng nhớ nhất là trận đụng biệt kích Mỹ ở núi An Định (Đại Lộc, Quảng Nam) năm 1966, khi ông ở Tiểu đoàn đặc công 489.

Hôm đó ông và đồng đội đang đứng chân ở An Định thì một tiểu đội biệt kích Mỹ đổ bộ lên đỉnh núi. Đã rất cảnh giác, vậy mà đồng chí Hồ Tuy đã bị chúng bắn hy sinh. Nhanh chư chớp, ông lia đạn vào nơi vừa phát ra tiếng nổ. Một tên Mỹ to lớn đổ vật xuống. Bọn chúng rút ngay sau đó. Không đành lòng để tên Mỹ phơi xác trên núi, ông vào đơn vị lấy cuốc rồi hì hục cùng đồng chí Chín đào lớp đá cứng trơ chôn cất tên Mỹ và chọn một cây to làm dấu để nhớ.

Liên miên theo các chiến trường, ông ngỡ đã quên. Vậy mà, năm 1993, khi đang làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS Hòa Vang, có một tốp người Mỹ gồm cả da trắng và da đen, cùng người của ta trong Bộ ngoại giao đến tìm ông đề nghị chỉ nơi chôn tên lính biệt kích Mỹ năm xưa. Cả đoàn đi trực thăng bay về phía An Định rồi sau đó leo bộ hàng tiếng đồng hồ theo sườn núi. Cảnh vật thay đổi nhiều, nhưng vốn là chiến sĩ đặc công luôn quan sát, ông nhanh chóng xác định vị trí chôn tên biệt kích. Nơi đây còn để lại chiếc giày của bọn chúng bỏ chạy năm nào. Phía Mỹ cho người đào lên và phát hiện có hài cốt đã đem về nước.

Năm 2012, đoàn cựu chiến binh Mỹ sang thăm Hội cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng. Đại tá Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố đã tiết lộ về chuyện Đại tá Dương Minh Chí, người từng làm việc ở Hội, dù cha và chú bị Mỹ giết hại vẫn gác niềm riêng đi cất bốc hài cốt lính Mỹ. Họ nghe và vô cùng ngạc nhiên về lòng bao dung, độ lượng của Bộ đội Cụ Hồ. Có người đã thốt lên “Tuyệt vời lòng vị tha của Bộ đội Cụ Hồ, sao họ có thể làm như thế được?”.

Sau đó báo chí bên Mỹ đã đăng mẩu chuyện này. Năm 2013, một nữ giáo sư trường đại học cùng đoàn cựu chiến binh Mỹ gần 20 người đã qua thăm Hội CCB thành phố Đà Nẵng. Họ nói với ông Chương rằng họ đã nghe câu chuyện về ông Chí trên báo và muốn tìm gặp người thật, việc thật. Đại tá Dương Minh Chí được mời đến Hội cũng là lúc các bạn Mỹ ôm hôn ông nồng nhiệt. Họ mời ông dẫn đi thăm lại nơi đã tìm hài cốt ở núi An Định. Lúc này ông Chí không được khỏe vì trước đó phẫu thuật nong động mạch vành tim. Nhưng ông đã cố gắng đi cùng đoàn. Hình ảnh người lính Cụ Hồ lặng lẽ mà can trường đã mãi khắc sâu trong lòng những người bạn Mỹ vì hòa bình.

Trong thư gửi cho Đại tá Đoàn Hồng Chương, ông David Fintester, ở thành phố Fresno, Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Việt Nam đã cảm kích: “Các ông đã giúp tôi tìm thấy bình yên trong trái tim mình. Tôi sẽ nói với mọi người về Việt Nam hôm nay và động viên họ đến thăm đất nước xinh đẹp và thân thiện của các bạn”.

HÀ MY

;
.
.
.
.
.