.

Sức mạnh của ngôn từ

.

Giọng nói ấm áp, truyền cảm cùng phong cách trình bày tự tin, gút mở vấn đề nhịp nhàng, sâu sắc đã giúp người lính quê Hưng Yên bén duyên với công tác tuyên huấn tại Quân khu 5 hơn 15 năm qua và có lẽ sẽ là hành trang giúp anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ sau này.

Trung tá Lê Xuân Đông (trái) đang tham mưu cho lãnh đạo Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 kế hoạch tuyên truyền trong thời gian tới. Ảnh: T.Y
Trung tá Lê Xuân Đông (trái) đang tham mưu cho lãnh đạo Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 kế hoạch tuyên truyền trong thời gian tới. Ảnh: T.Y

Con đường trở thành báo cáo viên

Sau khi tốt nghiệp lớp Sĩ quan thông tin tại Trường Sĩ quan thông tin Nha Trang năm 1997, Lê Xuân Đông về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn Thông tin N75 thuộc Quân khu 5 và bén duyên với nghiệp báo cáo viên (BCV) từ đó. Vốn là học trò khối A, ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Đông ít có thời gian dành cho các môn lịch sử, địa lý.

Tuy nhiên, ngày đầu về nhận công tác tại Quân khu 5, ở vị trí Trung đội trưởng, anh nhận thấy nhiều lính trẻ rất hạn chế về kiến thức lịch sử, xã hội nên cất công tìm kiếm, sưu tầm những câu chuyện lịch sử, vùng đất, văn hóa làm tư liệu cho những buổi nói chuyện, trao đổi với lính trẻ tại trung đội mình phụ trách.

Càng tìm hiểu, Đông càng cuốn vào từng mẩu chuyện, nhìn thấy trong đó truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và hơn bao giờ hết, chàng sĩ quan thông tin mong muốn khơi dậy tình yêu lịch sử cho những người lính trẻ như anh lúc bấy giờ.

Chất giọng trầm ấm, truyền cảm cùng lối ăn nói có duyên của Trung đội trưởng Lê Xuân Đông ngay lập tức lọt vào “mắt xanh” của các cấp lãnh đạo, mở đường cho anh trở thành người BCV chuyên nghiệp. Năm 2000, tại Hội thi Báo cáo viên - Giảng viên chính trị Quân khu lần thứ 3, Lê Xuân Đông đã gây bất ngờ khi đoạt giải nhì BCV trong hội thi năm đó.

Lê Xuân Đông chia sẻ, lần đầu dự thi, điều khiến anh lo lắng nhất có lẽ là cách phát âm, “nhỡ đâu mình phát âm sai sẽ khiến BGK cười và mất tập trung vào bài thuyết trình của mình thì mọi công sức coi như đổ sông đổ biển”. Bởi sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên, giống như bao người khác, Xuân Đông cũng nói ngọng “n” thành “l” như một lẽ tự nhiên. Chỉ đến khi đi học xa nhà, ý thức được những trận cười của bạn bè khi nghe mình nói chuyện, và nhất là mong muốn trở thành BCV giỏi của Quân khu, Xuân Đông “bắt buộc” mình phải thay đổi cách nói cho thật chuẩn.

Con đường để Xuân Đông trở thành một BCV chuyên nghiệp không đơn giản chỉ có thế, những bài nói về tên lửa phòng thủ, chính trị, thời sự, lịch sử nếu không phong phú về tư liệu, hấp dẫn trong cách diễn đạt thì rất khó thu hút người khác chú ý. Nói bất kỳ điều gì, anh luôn đặt mục tiêu nói như thế nào để người ta chịu nghe, thích thú và muốn nghe thêm nữa. Theo anh, cách duy nhất để anh đạt được điều đó là đọc sách, báo, xem thời sự, dành thời gian chắt lọc thông tin phù hợp cho từng bài giảng, kể cả tập cách diễn đạt ngôn ngữ cơ thể trước gương...

Trong các buổi báo cáo tình hình chính trị, người nói cần mang đến những thông tin chính xác, đồng thời phải biết nói cái gì, nói với ai và nói như thế nào cho phù hợp. Ví như, nói chuyện với cựu chiến binh, người trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, cần khai thác yếu tố truyền thống, sự hy sinh xương máu của cha ông, tác phong nghiêm túc và đọc các thông tin liên quan một cách cặn kẽ để sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của họ. Ngược lại, khi nói chuyện với lính trẻ, anh lại khá dí dỏm, gần gũi, câu chuyện nhiều hình tượng mang đến sự hấp dẫn, dễ nhớ.

Vũ lực không sinh ra chủ quyền

Từ một anh chàng sĩ quan thông tin, nhờ nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc trong công việc, Lê Xuân Đông vừa được phong quân hàm Trung tá khi tuổi đời chưa đến 40. Trước khi chuyển công tác về phòng Tuyên huấn Quân khu 5, Trung tá Lê Xuân Đông bổ sung thêm cho mình bằng Cử nhân xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước để có thêm kiến thức và kỹ năng lồng ghép những tư tưởng, định hướng chính trị trong từng bài giảng của mình.

Chỉ tính riêng thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, Trung tá Đông trực tiếp chắp bút 2 chuyên đề “Thông báo việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam và những định hướng tiếp theo”, “Những chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” gửi các đơn vị trực thuộc và 11 tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 5 để phối hợp tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong nội dung 2 chuyên đề đó đã khái quát toàn bộ diễn biến trên Biển Đông và nhấn mạnh những tác động đến tình hình nội địa, nhất là sự chống phá của địch trên địa bàn Tây nguyên, biên giới Việt Nam - Campuchia, lợi dụng biểu tình gây mất ổn định chính trị… Từ đó định hướng lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, diễn biến hòa bình và sẵn sàng xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.

Suốt 75 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Trung tá Lê Xuân Đông hầu như chẳng còn thời gian dành cho gia đình, kể cả ngày nghỉ. Hơn 2 tháng đó, anh trực tiếp nói chuyện 35 buổi (trong tổng số hơn 200 buổi tuyên truyền của Quân khu 5) cho 9.970 cán bộ chủ chốt các quận, huyện, phường, xã và một số cơ quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.

Công tác tuyên truyền kịp thời, tích cực đã góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Để phản bác những lập luận của phía Trung Quốc, anh đã nghiên cứu kỹ một số nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc và khẳng định “vũ lực không sinh ra chủ quyền”. Trong những thời điểm như thế, người BCV tại Quân khu 5 là người định hướng thông tin, định hướng dư luận. Nếu mình không đào sâu thông tin, suy nghĩ và lập luận thấu đáo, bám sát sự chỉ đạo của Đảng thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, biện pháp đối phó của Đảng và Nhà nước.

Đại tá Lê Viết Trí, Phó trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 5 khi được hỏi về Lê Xuân Đông đã dành rất nhiều lời khen tặng, rằng “đồng chí Đông là một cán bộ có thực tài, ý thức kỷ luật rất nghiêm túc. Cơ quan giao việc gì, dù khó khăn, mới mẻ, đồng chí cũng suy nghĩ cách làm, nhanh chóng và hiệu quả. Anh biết cách sắp xếp công việc để đi cơ sở, nói chuyện thời sự cho cán bộ và nhân dân, thông qua đó thông báo tình hình và tham mưu cho Quân khu ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm chất lượng, đạt tính khả thi cao”.

Trước khi tiếp xúc với Trung tá Lê Xuân Đông, chúng tôi được nghe những người đồng nghiệp của anh kể rằng, để có một phong thái chững chạc, bản lĩnh, vui tươi, hóm hỉnh trong mỗi bài giảng, anh đã vượt qua rất nhiều nỗi buồn trong cuộc sống khi con gái thứ nhì của anh vừa sinh ra đã bị vàng da bệnh lý nặng, buộc phải thay máu dẫn đến biến chứng bại não, dù vợ chồng anh mang con đi chữa trị nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả.

Không đủ thời gian bên con, chăm sóc con với anh là cả sự chịu đựng không dễ dàng. Dường như với Trung tá Lê Xuân Đông bây giờ, niềm vui trong công việc giúp anh san sẻ phần nào nỗi buồn trong cuộc sống và sự nỗ lực vươn lên của một người lính khiến anh luôn được cấp trên tin tưởng, đồng đội thương yêu.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.