.

Tình đồng đội

.

Lần đầu tiên, vào mùa Xuân năm 1965, khi những lính viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, tôi nghỉ hè từ Huế về thăm bà nội ở Mã Châu thì gặp và làm quen với Phan Hoàng và Huỳnh Văn Chính. Những lính cao to, áo cổ da, giày sơn đá, mắt xanh, mũi đỏ nghênh ngang trên đường phố Đà Nẵng hướng bao đôi mắt dõi theo. Tuổi trẻ Đà Nẵng bắt đầu những cuộc bãi khóa, xuống đường, hô vang: American go home!

Tác giả (bìa phải) trong một lần đi tìm nơi chôn cất anh chị em đoàn Văn công Quảng Đà trên đất Gò Nổi. Ảnh: H.D.L
Tác giả (bìa phải) trong một lần đi tìm nơi chôn cất anh chị em đoàn Văn công Quảng Đà trên đất Gò Nổi. Ảnh: H.D.L

Phan Hoàng cùng học Trung học Trần Quý Cáp ở Hội An với Chính, thấy mấy bạn học như Hồ Ngọc Ninh, Huỳnh Ngọc Anh, Nguyễn Hữu Thạnh có máu giang hồ, hăng diệt ác phá kìm cũng muốn gia nhập. Khi gia đình ở Quảng Nam ra Đà Nẵng thì Phan Hoàng cũng ra Đà Nẵng học đệ Nhất trường Bán công. Qua Phan Hoàng, Hồ Ngọc Ninh gặp và kéo tôi nối tổ chức tại Hội An, Thăng Bình - Quảng Nam, Đà Nẵng với Huế... Từ đó chúng tôi cùng có mặt trong các cuộc bãi khóa, xuống đường.

Huỳnh Văn Chính cùng trong tổ chức sinh viên - học sinh giải phóng Đà Nẵng với Phan Hoàng, cùng được Lê Công Cơ phân cho Hồ Ngọc Ninh và Hoài Thu đưa lên Quang Hiện - Thanh Trung học chính trị và quân sự. Chính nhớ đang nghe ông Hà Kỳ Ngộ giảng tràng giang đại hải đến khuya lơ, anh nào cũng gục lên gục xuống, chưa ngủ được bao nhiêu thì bị gọi giật ngược dậy chống càn. Lần đầu tiên họ nghe hai từ chống càn.

Tưởng chạy đâu xa, hóa ra các ổng đẩy xuống một cái hang dài sâu dưới bờ tre. Mới rúc vào hang tối om chưa được một phút thì há miệng ngấc mặt lên trần, nơi có cái lỗ sáng bằng bụm tay, nói là lỗ thông hơi, hả họng thở. Anh Thới bộ đội, phụ trách tập huấn quân sự, dân Thanh Hóa, bày úp mặt xuống đất mà thở. Hôm ấy, nằm trong cái công sự mật dài, cả chục người rúc nên thiếu không khí, đến ba giờ chiều thì mới nghe ở trên báo yên.

Rúc lên từng người một, đất bụi lấm lem mặt mày, anh nào anh nấy xem như đây là một chiến công của ngày đầu tham gia cách mạng! Địch càn không chịu rút, các anh quyết định kết thúc khóa học sớm ngoài dự kiến, về, nhưng phải đi quanh đường khác.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Tôi, Hồ Ngọc Ninh, Phan Hoàng đều bị tù. Thời gian này, Chính thường chạy đường dài Đà Nẵng - Sài Gòn, qua những chuyến ngược xuôi đường trường, nối liên lạc với Hồ Duy Quang, Hồ Mân, Thu Sương, Phan Thị Thanh... Chính vừa buôn cau khô, thuốc rê... lo làm ăn và cùng gia đình bí mật đóng góp cho kháng chiến. Khi tôi và Phan Hoàng thoát ra khỏi lao Thừa Phủ - Huế Tết Mậu Thân -1968, về lại chiến trường Quảng Đà thì Hà Trọng Xuân gặp tìm cách móc lại liên lạc với các cơ sở ở Đà Nẵng, trong số đó có Huỳnh Văn Chính.

Sau chiến dịch tổng công kích Xuân Mậu Thân, địch điên cuồng phản kích, các vùng giải phóng bị Mỹ ghi vào bản đồ hành quân là ‘‘vùng tự do oanh kích’’, các cơ quan của Quảng Đà liên tục di chuyển, có thời kỳ của năm 1969, muốn tiếp cận đồng bằng thì phải vào nương thân trên đất Quảng Nam. Cơ quan của Hà Trọng Xuân và Phan Hoàng lúc thì xuống đóng ở Đồng Lùng, Quế Xuân, lúc đóng ở thôn Hai Xuyên Tân, lúc ở Cây Thị - Bình Giang...

Hôm ấy, Phan Hoàng đi với mấy phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà và Đoàn văn công Quảng Đà từ Cây Thị - Phú Phong ra Xuyên Tân để về Khu Trung lên khu Tây Duy Xuyên. Anh em đang lội qua sông Bà Rén - đoạn qua thôn Ba Xuyên Tân thì nghe du kích báo xe tăng ở Tuần Dưỡng xuống, đang bắn trong chợ Mù U, có thể chạy ra chợ Bà. Mới nghe vậy, anh em đang cố vượt qua sông lên thôn Ba Xuyên Tân thì nghe tiếng đại liên nổ như bắp rang sau lưng.

Phan Hoàng đi nhanh như anh em chạy, bơi cái vèo qua sông, lên bờ nhìn lại thì thấy mấy cô văn công còn bồng bềnh kêu che ché giữa sông, thế là Phan Hoàng vọt xuống sông kéo các cô văn công vào bờ. Xe tăng ập đến bờ sông bắn mấy loạt đại liên rồi không vượt qua sông Bà Rén, quay lại chạy vào...

Thấy im ắng, anh em trong đoàn văn công cùng du kích Xuyên Tân quay lại tìm. Hoài Hà, phóng viên báo Giải Phóng Quảng Đà bị thương, Kim Xuyến văn công Quảng Đà bị thương, một người chết... không tìm thấy Phan Hoàng? Lúc chạy thục mạng tá hỏa tam tinh vì địch bắn đuổi sau lưng, ngay cả Kim Xuyến - cô văn công xinh đẹp được Phan Hoàng kéo từ giữa sông vào đẩy lên bờ cũng không biết người cứu mạng sau đó chạy đi hướng nào hay anh bị chìm xuống sông Bà Rén! Chiều xuống nhanh, pháo cầm canh bắt đầu điểm ì ùng, ì ục xa xa, anh em buộc lòng phải rời thôn Ba Xuyên Tân, vượt quốc lộ 1, lên khu Tây Duy Xuyên...

Hôm sau, chiều ngày 20-10-1969, nhằm chiều ngày mồng 9-9-Kỷ Dậu, du kích Xuyên Tân lại tìm Phan Hoàng, không thấy tăm hơi. Đến ngày thứ ba, lần tìm thứ ba thì nghe trong gió phất phơ mùi xác chết. Lần theo mùi xác chết, anh em thấy Phan Hoàng nằm cong trong bụi dương liễu, mặt nhìn ra hướng sông Bà Rén. Khi chôn lấp Phan Hoàng tại nơi anh ngã xuống, anh em du kích nhận định, Phan Hoàng bị trúng đạn vào lưng, anh cố chạy, sợ địch truy theo, anh bò vào trốn trong bụi dương liễu rồi chết.

Tại bãi cát Phú Phong, Cây Thị - chợ Bà, Hà Trọng Xuân thay mặt cơ quan Mặt trận Giải phóng Quảng Đà làm chủ lễ truy điệu Phan Hoàng.  Thật tội, hôm ấy nhận được tin buồn, bác Tý già cũng đội nón đi với bác Hoàng gái xuống chợ Bà dự lễ truy điệu Phan Hoàng.

Bác Trần Tý đã từng làm liên lạc và che giấu khi ông Võ Toàn (Năm Công) về công tác trên đất Duy Xuyên thời tiền khởi nghĩa năm 1945. Bác có ba người con trai, thì cả ba là Trần Mậu Tý, Trần Sửu, Trần Mẹo đều hy sinh cho cách mạng. Mỗi lần nhận tin con trai hy sinh là một lần buồn đau, đến lần thứ ba, nghe tin con trai đầu Trần Mậu Tý - nhà thơ Trần Mậu Tý, cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh thì bác Tý không khóc mà nằm liệt như người đau nặng.

Điều đau đớn nhất vào những năm cuối đời bác Tý là không tìm ra hài cốt của ba người con trai. Biết tìm xác các con không dễ, song bác muốn đưa hài cốt các con về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà để có nơi hương khói, để con cháu nội ngoại biết gia đình có những người quên mình hy sinh cho Tổ quốc.

Người sống đã gian nan, đối diện với bao trái ngang cuộc đời đã thành chuyện bình thường, người chết cũng đâu đã yên. Phan Hoàng là một trong những trường hợp mà bác Tý già sau này đã giúp gia đình đào lấy hài cốt, khâm liệm, thắp hương vái lạy, cùng gia đình đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ Duy Xuyên.

Chọn được vị trí tốt nằm cạnh tượng đài, tưởng vậy là mồ yên mả đẹp thì gia đình của Phan Hoàng nhận được tin hài cốt ấy không phải hài cốt của Phan Hoàng mà là hài cốt của Lê Văn Huy - một chiến sĩ bảo vệ từng đi công tác với Hà Trọng Xuân và Phan Hoàng, đã hy sinh sau Phan Hoàng một vài tháng, ngã xuống vì đạn pháo địch trên bờ con sông Bà Rén, du kích Xuyên Tân đem chôn bên mộ đất cạnh mộ của Phan Hoàng.

Gia đình Huy xác nhận vì khi đào lên thấy xương cốt dài quá kích cỡ của người thân, và không có cái răng vàng như hài cốt gia đình Phan Hoàng di dời trước đó đã thấy. Thế là gia đình, trong đó có bác Tý già, cùng lại trao đổi, nhận dạng và đưa cái hài cốt xác định là của Phan Hoàng về nghĩa trang liệt sĩ Duy Xuyên, đưa vào vị trí phía trong, ‘‘bàn giao’’ cái mộ phía trước lại cho gia đình Lê Văn Huy. Hai ngôi mộ đều thay tấm bia mới. Gia đình lấy ngày mồng 10-9 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ liệt sĩ Phan Hoàng.

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.