.

Những bóng cây trong cổ tích Việt

.

1. Có nhiều loài cây in bóng trong không gian nghệ thuật của cổ tích Việt, mà trước tiên phải kể đến cây tre.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trí tưởng tượng dân gian từng tạo nên trong cổ tích Việt một cây tre rất chi là độc đáo: Cây tre trăm đốt. Làm gì trên đời này lại có cây tre nào cao cả trăm đốt như vậy, mà nếu có thì cũng không ai đủ sức mang vác cái cây chọc trời ấy từ trên rừng về tới làng, huống chi anh chàng Khoai ngu ngơ thật thà như đếm này nhẹ dạ cả tin rằng phải tìm cho được cây tre ngoại cỡ mang về để… vót đũa dùng trong cỗ cưới!

Nhưng phú ông không ngờ tới khả năng tách ra rồi lại nhập vào như chơi của hai câu thần chú Khắc xuất Khắc nhập kia đã khiến cho điều tưởng chừng không thể bỗng chốc trở thành có thể, và hơn thế nữa còn tạo cho anh chàng Khoai một quyền lực cho phép anh được yêu sách/được đánh đổi để cưới người con gái mình thương quý: “Cả hai họ lúc bấy giờ tái mặt, không còn ai nghĩ đến chuyện gỡ ra hoặc chế nhạo nữa. Họ mặc áo rộng, đứng sắp hàng, van xin anh Khoai thả ba người kia ra (…) Họ trai thoát nạn, cuốn gói ra về, và lão trưởng giả ngay ngày hôm sau phải gả cô út cho anh Khoai” (*).

2. Thực ra, cây tre trăm đốt của dân tộc Kinh chưa phải là cây tre cao nhất trong cổ tích Việt, bởi kỷ lục này đã thuộc về một cây tre của dân tộc Hà Nhì. Truyện Trồng tre lên trăng của người Hà Nhì kể chuyện nàng Rây Dích “nhặt lóng tre về trồng bên gốc cây to, mỗi ngày tưới cho nó ba bầu nước. Ba tháng sau, mầm tre lên khỏi mặt đất. Bảy tháng sau, tre đã có lóng, đúng chín tháng, cây tre cao bằng cô (…) Nàng tưới cho đến khi nước dưới hồ cạn, miệng bầu mòn, thì cây tre cao vút lên trời, nhìn không thấy ngọn (…) Nước nguồn xuống ngập đất, Rây Dích phải leo lên cây tre ngồi cho khỏi trôi. Cô vừa trèo lên đến ngọn thì cây tre càng cao lên mãi (…) Cây tre lại vươn lên thẳng đứng, cao vút lên đến mặt trăng, để nàng ở trên đó”.

Tuy nhiên, nếu cây tre trong cả hai thiên cổ tích Cây tre trăm đốtTrồng tre lên trăng đều là những cây tre ảo thì cây tre trong Sự tích cây nêu ngày Tết là một cây tre thực - sinh trưởng tự nhiên: “Người đem tre trồng ngay trên miếng đất vừa tậu (…) Cây tre mọc càng cao (…) Cây tre cao vút lên mãi, giống tre đẻ lan thêm ra…”. Có điều cây tre thực trong thế giới nghệ thuật cuối cùng lại trở thành cây tre ảo - tức là cây nêu - trong đời thật: “Dân ta có tục ngày Tết trồng nêu. Nêu là một cây tre cắm ở giữa sân có treo chuông khánh. Tiếng chuông khành kêu leng keng luôn luôn nhắc nhở Quỷ nhớ đây là đất của Người”.

3. Cây tre của nàng Rây Dích cao đến mức có thể đưa nàng lên trăng nhưng dẫu sao vẫn không ngừng bén rễ xanh cây từ đất - thậm chí khi kết thúc thiên cổ tích, cái cây cao ngút trời ấy cũng còn là một gốc cây sát đất, bởi giống như Từ Thức lên đến tiên cảnh vẫn tìm đường trở lại cố hương, nàng Rây Dích sống trên cung trăng vẫn không nguôi nỗi nhớ làng nhớ rừng, và nàng quyết định “ôm ngọn tre xuống trước, Bóc Xét xuống sau. Tụt xuống đến đâu, Bót Xét lấy dao chặt cụt thân tre đến đó. Khi hai người xuống đến đất thì cây tre đã bị chặt sát gốc”.

Tóm lại, cây tre trong truyện Trồng cây lên trăng trước sau vẫn là cái cây của Đất, khác với cây đa đang bén rễ xanh cây từ đất trong truyện Chú Cuội được trí tưởng tượng dân gian cho bay hẳn lên cung trăng - nói khác đi được cố tình di dời lên trồng trên cung trăng, tạo nên cái cây của Trăng: “Cây đa bắt đầu lung lay, rồi từ từ bật rễ khỏi mặt đất và bốc lên cao. Nhìn thấy sự thể xảy ra, Cuội lao sấn đến cây đa bám chặt vào một cái rễ. Nhưng cây đa cứ tiếp tục bốc lên cao. Nó cứ bay lên mãi, cao vút lên bầu trời cùng với chú Cuội bám chặt lấy rễ. Cây đa bay mãi, bay mãi cho đến khi tới mặt trăng và đứng ở đấy suốt từ đó cho đến bây giờ”.

4. Truyện cổ tích Cây khế kể về một cây khế ngọt “xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu cả những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được”, và cái cây sai quả này đã trở thành liều thuốc thử lòng tham của hai anh em - đúng hơn là của hai cặp vợ chồng. Vợ chồng người em thật thà chất phác, không tham lam nên trở thành giàu có, còn vợ chồng người anh do quá đỗi ham hố tham lam mà phải trả giá bằng mạng sống của người chồng: “Chỉ trong chớp mắt, người anh bị sóng cuốn đi. Cái túi lớn và những ống quần tay áo chứa đầy vàng và châu báu dìm anh ta rất mau xuống đáy biển”.

Cũng là liều thuốc thử lòng tham nhưng cây tre trong truyện Lươn thần và cậu bé nghèo khổ của dân tộc Mạ kỳ ảo hơn: “Cậu bé chôn xác lươn ở ven suối. Ngày hôm sau, ra suối cậu ngạc nhiên thấy chỗ mồ lươn đã mọc lên một cây tre vàng óng, cao vút lên trời. Đến trưa gió thổi mạnh, cây tre nghiêng ngả bốn bề, cây ngả mãi xuống vùng biển (…) Gió ngừng thổi, cây tre liền đứng thẳng dậy”.

Cậu bé hiếu thảo và giàu lòng trắc ẩn đương nhiên được đền đáp, còn ông cậu cũng do quá đỗi tham lam ham hố như vợ chồng người anh trong Cây khế nên phải bị trừng phạt: “Cây tre đẹp vẫn đứng cao vút lên trời. Gió chưa thổi, ông cậu liền trèo lên cây tre vít cho nó ngả xuống (…) Tre ngả xuống vùng biển (…) Ông cậu đợi lâu quá kêu lên: Tre ơi! Lâu quá! Lâu quá! Ông cậu vừa nói dứt lời, cây tre liền đứng thẳng ngay dậy. Ông cậu bị rơi từ trên ngọn tre xuống giữa đám gai tre…”.

5. Khi trong nhà có người qua đời, gia chủ ra vườn đeo cho mỗi cây trồng một dải khăn trắng nhỏ - đấy là mỹ tục thấm đẫm chất nhân văn mà nhiều làng quê Việt hiện nay vẫn còn giữ được. Theo quan niệm dân gian, cây cũng có linh hồn - vạn vật hữu linh, cũng biết để tang và biết khóc thương người quá cố, chính vì vậy đọc cổ tích Việt càng thấy linh hồn cây hiện hữu một cách sinh động, gắn liền với cuộc sống con người, thậm chí trong không ít trường hợp, còn do chính linh hồn người hóa thân thành linh hồn cây - chứ không chỉ do lươn thần hóa thân như trong thiên cổ tích vừa nêu của dân tộc Mạ.

Truyện Sự tích Trầu Cau kể về sự hóa thân của nhân vật người anh và vợ của người anh. Trên đường đi tìm em nay đã hóa thân thành tảng đá vôi, người anh “rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá” - sau này được gọi là cây cau, còn vợ của người anh trên đường đi tìm chồng cũng “biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá” - sau này được gọi là cây trầu.

Tuy nhiên đây là trường hợp suy nguyên tiêu biểu của cổ tích Việt: dân gian dùng sự hóa thân của ba nhân vật - vợ chồng người anh và người em - để giải thích nguồn gốc của phong tục ăn trầu, khác với trường hợp hóa thân thuần túy nghệ thuật trong thiên cổ tích Tấm Cám, như là cây xoan đào qua lần hóa thân thứ hai của nhân vật Tấm: “Chẳng bao lâu, ở chỗ chôn lông chim vàng anh mọc lên một cây xoan đào thật đẹp, cây lớn rất mau, cành lá sum suê. Vua thấy cây xoan đào đẹp, liền mắc võng vào cây nằm nghỉ”, và như là cây thị qua lần hóa thân thứ tư cũng của nhân vật này: “Ở đống tro của khung cửi làm bằng gỗ xoan đào đổ bên đường, chẳng bao lâu mọc  lên một cây thị lớn, cành lá sum suê. Cây thị ra nhiều hoa nhưng chỉ đậu có một quả thật to ở một cành cao vút”.

Cái quả thị ấy rồi sẽ hóa thân để Tấm có thể tái sinh - trở lại làm người, và chắc rằng một bậc mẫu nghi thiên hạ từng gắn bó sâu nặng với đời cây như Tấm sẽ không bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói là hạ lệnh đốn gục hàng ngàn cây cổ thụ vẫn đương xanh tốt ở kinh thành...

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Các trích dẫn từ đây trở xuống đều theo 100 truyện cổ tích Việt Nam, Lữ Huy Nguyên và Đặng Văn Lung biên soạn, Nxb Văn học, 2013.

;
.
.
.
.
.