.
Phương hay Thuốc quý

7 "bài thuốc" chữa bệnh "tình chí"

.

Sách Nội Kinh của Đông y nói: “Mừng quá hại tâm khí thì lấy sợ mà chữa; giận quá hại đến can khí thì lấy thương cảm mà chữa; suy nghĩ hại đến tỳ khí thì lấy giận mà chữa; lo hại đến phế khí thì lấy mừng mà chữa; sợ sệt hại đến thận khí thì lấy nghĩ ngợi mà chữa; đó cũng giống như khí trời uất thì nhờ có gió mới tan, khí đất đai uất thì nhờ có sấm mới vỡ”... Dưới đây là 7 bệnh án chữa bệnh “tình chí” chép trong sách Nam Dược Thần Hiệu của Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Tượng Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, tác giả bộ sách Nam Dược Thần Hiệu.
Tượng Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, tác giả bộ sách Nam Dược Thần Hiệu.

1- Vì lo nghĩ sinh bệnh thì lấy giận mà chữa

Xưa vua Tề vì lo nghĩ quá thành bệnh, mọi thuốc không chuyển, nghe có thầy giỏi tên Văn Chí bèn cho mời đến, ông chỉ nói với Thái tử “làm cho Đức vua tức giận thì sẽ lành bệnh, nếu Đức vua có giết tôi thì nhờ Thái tử hết sức cứu cho”. Thái tử nói “không can gì, thầy cứ chữa”. Văn Chí vào yết kiến vua, bước đi ngang tàng xéo bừa lên long sàng, quả nhiên vua nổi giận, sai bắt ông xử tử, Thái tử đến bên cạnh bày tỏ can ngăn, không bao lâu sau vua lành bệnh.

2- Vì mừng quá mà thành bệnh thì lấy sợ mà chữa

Xưa người tỉnh Thái Nguyên là ông Triệu Tri Tắc thi đậu tiến sĩ rồi mừng quá sinh bệnh không dậy được, mời danh sư họ Sào đến xem mạch thì thầy Sào chỉ chép miệng không nói gì mà phủi áo ra về. Ông Triệu rất lo sợ khóc rống lên, liền gọi con bảo “thầy thuốc giỏi đã không chịu chữa thì mệnh ta nguy” rồi mấy giờ sau hết bệnh.

3- Vì tức giận sinh bệnh thì lấy thương xót mà chữa

Xưa ông Lý Khắc Dụng điều quân tấn công một thành đã 2 tuần không hạ được, tức giận quá sinh bệnh ọe mửa hôn mê, nhiều thầy hay chữa vẫn không công hiệu, có ông sư giỏi thuốc xem mạch rồi ra ngoài nói: tướng quân vì uất giận mà bệnh, không có việc thương cảm thì không giải được. Ông bèn mạo thư sai người hốt hoảng đưa đến nói: “Bà vợ ở nhà chết bất ngờ”. Ông Dụng liền đau thương quá lăn ra, qua hôm sau là khỏi bệnh.

4- Vì lo sinh bệnh thì lấy mừng mà chữa

Xưa có người lỡ tay giết người, lo chạy hết gia tài mới khỏi tội rồi lo lắng quá sinh ra như điên cuồng, người nhà tìm khắp thầy khắp thuốc mà bệnh vẫn y nguyên. Bỗng có thầy bảo bệnh này vì quá lo sinh ra nên làm cho mừng là khỏi, bèn lấy thiếc và đồng đúc thành bạc nén, chôn dưới vũng bùn, rồi đưa người bệnh đến đào, thấy được vô số bạc nén, mừng quá, khỏi bệnh.

5- Vì sợ quá sinh bệnh thì lấy lo mà chữa

Xưa có bà ở kinh đô làm nghề khâu vá thêu thùa rất khéo, một hôm khâu chiếc áo ngự gần xong lỡ tay rơi vào lửa cháy, sợ quá sinh bệnh mất ngủ, kinh sợ không yên.

Thầy thuốc thăm dò căn bệnh mới báo cho ông chồng “bệnh này vì kinh sợ, không làm cho lo nghĩ thì khó khỏi” liền bày cách chữa. Sáng hôm sau, ông chồng sắm sửa hành lý giả cách đi sang ngoại quốc mua gấm về cho vua, bà vợ 10 phần lo nghĩ, bệnh giảm dần rồi khỏi hẳn.

6- Vì lo nghĩ sinh bệnh thì lấy sợ mà chữa

Xưa có ông Giám Quận vì lo nghĩ sinh bệnh, ngực tức cứng, cơm cháo không nuốt được, con ông mời Thái y là Hòa Doãn chữa, Doãn bảo “bệnh này nếu không lừa cho kinh sợ thì khó chữa được”. Thời ấy ông Lý Tấn Khanh làm ngự sử ngay thẳng liêm chính, ngày thường ông Giám Quận rất sợ, người con tới nhà cầu cứu ông Khanh. Khi đến ông Khanh bừng bừng nổi giận kể tội trách mắng, ông Giám Quận nghe đến run sợ, mồ hôi toát ra đầy lưng, chốc lát là bệnh tiêu tan bởi vì lo nghĩ là khí kết lại, kinh sợ thì khí nổi lên, khi nói thì thoát ra người nhẹ.

7- Vì thương nhớ sinh bệnh thì lấy ghét mà chữa

Có một cô gái rất mến mẹ, lúc gả chồng thì mẹ mất, cô thương nhớ quá sinh bệnh, tinh thần phờ phạc, ngủ li bì, thuốc không giảm. Chồng mời lương y Hà Thế Lượng đến, ông bảo “cô này thương nhớ mãi thành bệnh phải dùng mẹo mà chữa”, bèn thầm đút tiền cho đồng bóng, dặn dò hôm sau chồng bảo vợ: “Mình nhớ mẹ thiết tha sao,  không biết ở cửu tuyền mẹ có nhớ mình không? Sao không đến bà đồng nhờ gọi hồn mẹ lên mà hỏi”. Vợ nghe lời tới bà đồng, bà lên nói việc nhà không sai một chút nào, người con khóc than, người mẹ quát: “Khóc làm chi, tao với mày xung khắc mà phải chết non nên tao muốn báo thù mày, sở dĩ ốm đau lôi thôi chính là vì tao làm đó, tao với mày hết mẹ con mà là thù địch”. Nghe xong con gái không khóc nữa mà đổi sắc mặt nói, ta tưởng vì thương mẹ mà sinh bệnh, hóa ra chính mẹ hại ta, thôi cần gì thương nữa.

PHAN LANG (st)

;
.
.
.
.
.