.

Dạy con từ thuở còn thơ

.

Cho đến khi văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ công dân có chiều hướng đi xuống thấy rõ, người ta mới “ngộ” ra một điều rằng: Cần phải “đào tạo” cách làm người ngay từ bậc học mầm non.

Các cháu Trường mầm non Hồng Nhung đến thăm nghĩa trang liệt sĩ.
Các cháu Trường mầm non Hồng Nhung đến thăm nghĩa trang liệt sĩ.

Xây đạo làm người ngay từ... viên gạch đầu tiên

Những nốt nhạc đầu tiên của bài hát “Món quà tình bạn” vang lên cùng lúc các cháu bé mầm non nhí nhảnh bước ra sân khấu. Một lát, một bức tranh có hai cánh diều mang hình lá cờ hai nước Việt - Nhật, một trái tim kết bằng vòng tay nối của các bạn mặc ki-mô-nô và áo dài, một đoàn tàu lửa chở niềm vui, những con hạc giấy lắc lư theo điệu nhạc... Đó là tác phẩm tự vẽ của cô và cháu, một thông điệp của tấm lòng Việt gửi đến các bạn Nhật đúng một tháng sau thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại xứ sở Mặt trời mọc.

Cô Vương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Nhung, quận Thanh Khê, không ngăn được cảm xúc mỗi khi nhớ lại tiết mục văn nghệ các cháu trường mình tham gia chương trình Pray for Japan (Cầu nguyện cho Nhật Bản) được tổ chức tại sân khấu mở ở khu vườn tượng bên sông Hoài, thành phố Hội An, vào đêm 10-4-2011.

Ở trường mầm non tư thục đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 này, một trong những nội dung chính của chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhiều năm qua là dạy trẻ biết quan tâm đến người khác. Liên hệ với thực tế cuộc sống, các cô đã khơi dậy lòng nhân ái trong tâm hồn các cháu bằng cách kể về những đau thương, mất mát của người dân Nhật, nhất là các em bé bơ vơ sau thảm họa.

Các chuyên đề “Giáo dục lễ giáo” dạy trẻ ứng xử có văn hóa, biết kính trên nhường dưới, biết tự làm đẹp cho mình và mọi người xung quanh, góp phần tự định hình, phát triển nhân cách. Đến thăm các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dưỡng lão, viếng nghĩa trang liệt sĩ… mỗi địa chỉ là mỗi bài học thực tế dạy các cháu đạo nghĩa làm người ở đời.

Ở Trường mầm non Tuổi Ngọc, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo cô Ngô Thị Dao, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ là một nội dung quan trọng, đòi hỏi mối quan hệ mật thiết giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Các bài học theo từng chuyên đề đã được các cô giáo lồng ghép vào các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh, các trò chơi dân gian, vừa “trực quan hóa” nội dung vừa giúp các cháu quen dần với kỹ năng sống chan hòa với môi trường, với mọi người xung quanh.

Xây đạo làm người ngay từ... viên gạch đầu tiên là ngành mầm non, tiếp sau đó là ở bậc tiểu học. Thầy Lê Văn Lại, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước, xã Hòa Phong, cho hay: Thực tế, trong lĩnh vực đạo đức thì học sinh nông thôn ít bị “nhiễm độc” hơn so với thành phố, tuy vậy, hội đồng sư phạm nhà trường vẫn bàn bạc, thảo luận nhiều giải pháp thích nghi với môi trường nông thôn nhằm giáo dục đạo đức các em từ bậc tiểu học.

Tặng quà cho trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Tặng quà cho trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Kỹ năng sống

Một trong những tục ngữ, thành ngữ dạy con người cách ứng xử là “nhập gia tùy tục”. Lớp trẻ bây giờ ai chả biết câu này. Thế nhưng vẫn có không ít người đến những nơi trang nghiêm, yên tịnh như đền thờ, chùa chiền... vẫn chưng diện những bộ cánh quá “mát mẻ”, hoặc đến những nơi công cộng như sân vận động, rạp chiếu phim, bến xe, nhà ga... thì chen lấn, to tiếng; lên xe thì không biết nhường nhịn người già, trẻ em, phụ nữ mang thai,… Không ít các bạn trẻ phớt lờ những cách ứng xử thể hiện tầm văn hóa này, mặc dù họ vẫn được dạy bày, giáo dục bằng nhiều hình thức.

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, một ngôi trường nông thôn nay đã thành phố thị, nhận thấy học sinh trường mình dễ có nguy cơ chạy theo thị hiếu, xu hướng sống lệch lạc, đã cho triển khai sâu rộng “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh” đến từng lớp học, định hướng cho các em một lối sống lành mạnh, hướng thiện.

Thành Đoàn Đà Nẵng, trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2012 – 2017 của mình đã đề ra Phong trào “4 đồng hành”, trong đó có đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội. Để giúp thanh niên nâng cao bản lĩnh và nhận thức về lối sống, thẩm mỹ, phong cách làm việc và năng lực hội nhập trong nước và quốc tế, Thành Đoàn chú trọng các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử, quản lý... Đặc biệt, đơn vị tăng cường công tác phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng, hoàn thiện và đổi mới các nội dung giảng dạy về kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội cho học sinh, sinh viên phù hợp với từng cấp học.

Người ta bảo “dạy con từ thuở còn thơ”, nhưng dạy thế nào thì người lớn (người dạy) phải làm gương trước đã. Ông bà, cha mẹ mẫu mực thì mới dạy được con cháu hiếu thảo.

Cô Lê Thị Châu, giáo viên khoa Điều dưỡng - Trường Cao đẳng Phương Đông cho rằng giáo viên cũng là tấm gương sáng trong văn hóa ứng xử, giảng dạy, trong giao tiếp. Bởi lẽ, nhất cử, nhất động của giáo viên khi đứng trước người bệnh và học sinh - sinh viên đều biểu hiện một kiến thức kinh nghiệm và chân tình của người thầy giáo, y đức của người thầy thuốc. Cô khẳng định: “Việc người bệnh có đặt niềm tin vào học sinh - sinh viên, lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ các khoa phòng nơi các em đang thực hành, thực tập hay không, một phần lớn tùy thuộc vào phong cách thái độ và phương pháp giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng sống, giao tiếp của người giáo viên”.

Việc đào tạo, hình thành nếp ứng xử sao cho có văn hóa không phải chuyện một sớm một chiều mà thành công ngay được, nhất là đối với những người đã bị “hẫng” từ ngay viên gạch đầu tiên. Để có một thế hệ công dân tốt cho đất nước, việc dạy làm người phải được tiến hành từ khi đứa trẻ biết nói cho đến cuối đời.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.