.

Với Facebook, xin đừng dễ dãi

.

Nhiều người có thói quen lên Facebook  chia sẻ cặn kẽ những cảm xúc cá nhân trong cuộc sống mà không lường trước được những rắc rối mình sẽ gặp phải.

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

“Vạ bàn phím”

Sự ra đời của Facebook được đón nhận với sự ham thích đặc biệt. Nhiều người nghĩ Facebook là “nhà” mình nên thoải mái chia sẻ cảm xúc cá nhân mà không biết, ngôi nhà không nóc, không tường đó hằng ngày có hàng trăm, hàng nghìn người “ngó vào”. Không ít người rơi vào tình huống trớ trêu cũng bởi cảm xúc riêng tư bị phơi bày rộng rãi.

Nhắc lại chuyện Facebook, chị X. M (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) vẫn chưa thôi tự trách bản thân. Số là, bạn chị M. vốn không có ưu thế về ngoại hình, nhưng lại có anh người yêu rất đẹp trai. Khi 2 người này đăng ảnh chụp chung lên Facebook, chị Mai đã vào “còm” (comment/bình luận) rất vô tư: “eo ơi, chó ngáp phải ruồi”. Nếu câu nói đó là lúc bạn bè cà-phê tán gẫu thì không sao, nhưng trên “face” có hàng trăm người khác đọc thấy bình luận đó khiến cô bạn rất xấu hổ. Chỉ một câu nói đùa không đúng chỗ đã khiến tình bạn 10 năm của hai người tan theo mây khói.

PGS, TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chuyên gia tâm lý cao cấp cho rằng: Facebook, cũng như bất cứ công cụ nào khác, càng tiện lợi thì càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Lạm dụng Facebook theo kiểu bất cứ việc gì cũng chia sẻ, về lâu dài sẽ không làm chủ được cảm xúc của bản thân, do vậy dễ đưa ra những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, xúc phạm người khác (kiểu ném đá). Thậm chí, việc thường xuyên “trò chuyện” trong thế giới ảo sẽ dẫn đến suy giảm giao tiếp với người thực. Đặc biệt, tự bản thân sẽ làm lộ nhiều thông tin cá nhân (do thể hiện bản thân một cách bất cẩn), có thể bị người khác lợi dụng.

Không chỉ “buôn bán” trên facebook những câu chuyện trên trời dưới đất, từ việc đi ăn ở đâu đến khoe được ba mẹ, người yêu mua cho điện thoại, máy tính, nhiều người còn vô tư lên “face” tâm sự chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng-nàng dâu, thậm chí nói xấu cả sếp. Có cô bạn làm kế toán kể với người viết rằng, trong công ty một dạo xôn xao vì N., một đồng nghiệp sau khi bị sếp mắng vì làm việc không chu đáo đã bực tức mà lên mạng chửi xéo sếp: “Chúng ta không thể chống lại những thằng ngu vì chúng quá đông và nguy hiểm”. Dù chỉ 5 phút sau khi viết, N. đã hối hận và nhanh chóng xóa đi dòng trạng thái nhưng những người bạn trên “face” của cô (có cả đồng nghiệp) đã kịp vào “like” (thích) và để lại không ít bình luận. N. tất nhiên sau đó đã bị mọi người trong công ty bàn tán rất nhiều. Đa phần, mọi người đều khuyên N nên biết giữ mồm, giữ miệng, không nên chuyện gì cũng đem lên “face” “xả” như thế.

Ngoài những câu chuyện vạ miệng tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” trên Facebook, có lẽ trường hợp H.T.T.Nh (SN 1997, ngụ phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) bị phạt 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích do mâu thuẫn trên Facebook là lời cảnh tỉnh cho một bộ phận người thường xuyên dùng mạng xã hội để “đấu khẩu” hay “chém gió”.

Hãy tôn trọng chính mình!

Facebook đáp ứng cho con người hai nhu cầu. Đó là nhu cầu tự thể hiện: Bộc lộ bản thân, trở nên được chú ý, được đón nhận, được chờ đợi. Và nhu cầu tự giải tỏa: là một kiểu liệu pháp tâm lý cho phép giải tỏa sự dồn nén, những điều không có cơ hội được nói ra trực tiếp, những bức xúc, hẫng hụt được tự do thể hiện trên Facebook.

Nhiều người nghĩ rằng, ai cũng có đời sống tâm lý riêng, có mong muốn, ước mơ và họ có quyền thể hiện những gì thuộc về họ một cách tự nhiên, thoải mái nhất. “Facebook là nhà riêng của mình, cứ buồn hay giận gì đó thì mình có quyền “xả” ra chớ. Ai thấy ngứa mắt thì đừng “vào nhà” tui. Ngược lại ai không thích tui “comment” thì cứ xóa Facebook tui đi. Mỗi người mỗi cá tính, mỗi sở thích riêng mà”. Y.Nh  giải thích lý do thường xuyên chia sẻ bức xúc trong cuộc sống của mình lên Facebook. Bạn cho rằng những hoạt động trên thế giới ảo không hề ảnh hưởng gì tới cuộc sống thật của mình.

Theo bà Hồ Thúy Hằng, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), các bạn trẻ hoàn toàn có quyền nói mọi điều bản thân nghĩ trên trang cá nhân nhưng phải biết rằng “nhất cử nhất động” của bạn trên Facebook là hàng trăm, hàng ngàn người biết. Và khi viết những điều không suy nghĩ chứng tỏ cá nhân đó không tôn trọng bản thân. Một câu nói lúc thiếu kiềm chế sẽ khiến cho hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt người khác. Vì vậy, trước khi đăng một dòng trạng thái (status) hay bình luận bạn nên cân nhắc xem nó có nên không, có ảnh hưởng đến ai không... Bà cho rằng khi người trẻ không tôn trọng bản thân thì khó thể có quyền đòi hỏi điều đó ở xã hội.

Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, bà Hoàng Lê Mỹ Hạnh, cán bộ tuyển dụng, Công ty TNHH phần mềm FPT chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: FPT là một công ty hiện đại và có phong cách khá thoải mái. Việc nhân viên đem chuyện công ty lên Facebook kể lể, hay nói xấu đồng nghiệp, nói xấu sếp, về phía công ty sẽ không có ý kiến. Mọi hành vi của cá nhân trên Facebook thể hiện trình độ ứng xử của họ đối với mạng xã hội, chịu trách nhiệm trước cộng đồng dư luận.

Ông Phan Quang Thân, Chủ tịch Hội đồng giáo dục hệ thống giáo dục chất lượng cao Skyline: Với vai trò của người làm giáo dục, chúng tôi rất quan tâm đến việc tuyên truyền cho học sinh cách sử dụng Facebook đúng đắn, có văn hóa và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống. Phải thấy rằng trong thời đại công nghệ thông tin, giáo dục phải đi kịp, chưa nói tới phải đi trước, đưa nội dung giáo dục Facebook vào thật sớm trong nhà trường để các em biết cách sử dụng đúng mục đích, góp phần vào việc xây dựng năng lực cá nhân và nhân cách học sinh.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.