.

Đài thờ Mỹ Sơn E1

.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 là hiện vật tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại khu di tích Mỹ Sơn, là cứ liệu quan trọng làm cơ sở để so sánh, đối chiếu khi nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của vương quốc Champa trong quan hệ tiếp xúc, giao lưu với các nền nghệ thuật cùng thời kỳ tại Đông Nam Á.

Đài thờ Mỹ Sơn E1. Ảnh: V.Đ.P
Đài thờ Mỹ Sơn E1. Ảnh: V.Đ.P

Đặc biệt, giá trị điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 được gọi là phong cách Mỹ Sơn E1 - phong cách mở đầu cho xu hướng bản địa hóa những yếu tố tiếp thu ngoại lai. Đây là đài thờ Champa duy nhất được tìm thấy có miêu tả nhiều nhân vật và cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Ấn Độ giáo cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật một cách chi tiết, là căn cứ để nghiên cứu về đời sống tâm linh và đời sống xã hội của Champa.

Về kiến trúc, đài thờ Mỹ Sơn E1 còn là một cứ liệu tiêu biểu cho loại hình đài thờ có kích thước lớn và có chạm khắc chung quanh, gồm nhiều mảnh ghép lại, có gờ mộng bên trên, được xem là tiêu biểu cho giai đoạn đầu của việc xây dựng các tháp Chăm.

Được xây dựng từ năm 1915 và chính thức khánh thành vào đầu năm 1919, Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là BT trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất Việt Nam với hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Champa, trong đó phải kể đến 3 bảo vật quốc gia là đài thờ Trà Kiệu, tượng Phật Bồ Tát Tara và đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào năm 2012.

Theo hồ sơ di sản công nhận bảo vật quốc gia, đài thờ Mỹ Sơn E1 được làm bằng chất liệu đá sa thạch, gồm 16 khối đá nhưng đã bị mất 2 khối (hiện trưng bày tại BT là 14 khối), có kích thước cao 65cm, dài 353cm và rộng 271cm. Đài thờ mang ký hiệu 22.4, được trưng bày tại trung tâm phòng Mỹ Sơn của BT, có niên đại thế kỷ VII - VIII, được các nhà khảo cổ Pháp phát hiện và khai quật năm 1903, trong khối đổ nát của tháp E1 thuộc khu đền tháp Champa ở Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và được đem về BT Điêu khắc Chăm từ năm 1918.

Đài thờ được xếp thành một vành đai hình vuông, tạo thành nhiều cấp được trang trí cả bốn mặt, với các mô-típ đặc trưng của Champa như cảnh sinh hoạt, tu sĩ, động vật, lá dương xỉ, hoa sen... Ở phần cấp cũng như ở mặt ngoài của các khối đá đều chạm khắc các đường viền, các gờ chỉ. Trong các ô lõm có chạm nổi hình người, động vật và thực vật, được các nhà nghiên cứu phỏng đoán là cảnh sinh hoạt tôn giáo và ẩn dật của các tu sĩ.

Bố cục của đài thờ, gồm: mặt trước là một bậc cấp nhỏ, thành của bậc cấp là một bức chạm tả cảnh ba người trong điệu múa khăn. Người ở giữa trong tư thế uốn mình hai chân xoãi gần sát đất, hai tay dang rộng nâng một dải lụa. Hai bên là hai vũ công, chân trái khép lại, chân phải xoãi bật ra, tất cả toát lên một vẻ đẹp thành kính trong nghi lễ dâng cúng thần linh. Hai bên bậc cấp là 2 phiến đá chạm khắc 2 vòm cuốn, mô phỏng theo hình dáng các vòm cuốn trên các cửa tháp.

Bên hông phải của bậc cấp là cảnh một đạo sĩ ngồi trầm ngâm trước một quyển kinh, bên trái đạo sĩ là một chú két ló đầu ra từ một lùm cây, bên phải là một chú sóc duỗi cái đuôi xù chạy xuống từ một thân cây to có tán lá tỏa ngang đầu đạo sĩ. Các ô khác của đài thờ miêu tả cảnh một tu sĩ nằm tĩnh tâm, lần chuỗi hạt dưới một bóng cây, cảnh biểu diễn âm nhạc với người thổi sáo và người vỗ trống baranưng, cảnh tu sĩ đang giảng đạo cho tín đồ, cảnh đạo sĩ đang luyện thuốc và chữa bệnh.

Bố cục và điêu khắc trên đài thờ mang tính biểu tượng rất cao, trước hết, trang trí trên đài thờ mô phỏng các trang trí kiến trúc của một ngôi tháp. Ngoài ra còn có trang trí theo mô-típ các trụ áp tường, bản thân một ngôi tháp Chăm Hindu giáo lại tượng trưng cho một ngọn núi, đỉnh núi là nơi ngự trị của thần linh. Ngoài ra, nhìn qua các lớp biểu tượng đó chúng ta sẽ nhận ra các cảnh chạm khắc quanh đài thờ là khung cảnh núi rừng, hang động, nơi các tu sĩ Bà-la-môn tu tập, ẩn dật và hành đạo.

Với những giá trị độc đáo của mình, đài thờ Mỹ Sơn E1 sẽ góp phần làm nên dấu ấn trăm năm cho BT Điêu khắc Chăm.

VIÊN ĐÌNH PHONG

;
.
.
.
.
.