.

Những vấn đề cũ và mới

.

LTS: Từ những năm đầu thế kỷ 20, các di tích Chăm tại miền Trung đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu khảo cổ. Những bức phù điêu, những tượng thần, các trang trí kiến trúc… tìm thấy ở các di tích đổ nát đã được thu thập mang về tập trung tại công viên thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Năm 1915, theo đề nghị của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, một tòa nhà đã được xây dựng tại địa điểm này để bảo quản, trưng bày các hiện vật và là tiền thân của Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay. 100 năm qua, hình ảnh BT Điêu khắc Chăm đã trở nên thân thiết trong lòng người dân thành phố Đà Nẵng và du khách gần xa, và câu chuyện của BT luôn gợi mở nhiều tâm tư, kỳ vọng…

Bồ Tát Quan Thế Âm - tranh bút sắt của Phan Ngọc Minh.
Bồ Tát Quan Thế Âm - tranh bút sắt của Phan Ngọc Minh.

100 năm của BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gắn liền với những biến cố của đất nước. Sự ra đời, phát triển của BT luôn là kết quả của những nỗ lực và tâm huyết. Từ thuở ban đầu, ý tưởng và dự án xây dựng BT đã được thai nghén và trải qua một lộ trình xét duyệt lâu dài. Khi những gian trưng bày đầu tiên của BT hoàn thành vào năm 1919, Henri Parmentier đã viết một câu trong tập ca-ta-lô đầu tiên của BT, nghe như một lời thở phào nhẹ nhõm “Kết quả cuối cùng cũng được đạt tới, nhưng người ta đã phải tốn vào đó mười bảy năm cố gắng kiên trì”.

Tâm huyết và kỳ vọng

BT được xây dựng và duy trì, phát triển trong 100 năm qua không chỉ nhờ ở tâm huyết của những người hoạt động văn hóa mà còn có sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả của các vị ở tầm nguyên thủ quốc gia. Năm 1936, BT được xây thêm ba gian trưng bày.

Trong lễ khánh thành phần mở rộng này, có sự hiện diện của vua Bảo Đại và Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Một tài liệu do Sở Thông tin Hoa Kỳ phát hành tháng 9-1972 cho biết, trước cảnh báo của học giả Philippe Stern về nguy cơ của bom đạn đối với BT, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã gửi công lệnh đến chỉ huy quân đội Hoa Kỳ nêu rõ: “Nhà Trắng (Văn phòng Tổng thống) mong muốn rằng, bằng tất cả giải pháp có thể, cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự”.

Công lệnh này được gửi vào tháng giêng năm 1970. Cùng trong thời gian chiến tranh ấy, ở Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Hồ Nghinh cũng nhắc nhở cán bộ “Khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Musée Chàm”.

Sau khi hòa bình lập lại, BT được ngành Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý và đầu tư phát triển. Năm 2005, với sự ủng hộ của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trần Đức Lương và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac, 40 hiện vật của BT đã được gửi đi tham gia một cuộc trưng bày lớn ở Paris với chủ đề “Kho báu nghệ thuật Việt Nam: Điêu khắc Champa thế kỷ V đến XV”. Sau đó, các hiện vật của BT tiếp tục được gửi đi triển lãm ở các BT lớn tại Hoa Kỳ trong các năm 2009, 2010 và 2014. Trong chuyến thăm BT Chăm ngày 27-2-2008, Tổng thống Singapore S.R. Nathan ghi vào sổ lưu niệm của BT “A very impressive collection” (Một bộ sưu tập rất ấn tượng).

Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là BT hạng I, cùng danh sách với 11 BT loại I của Việt Nam. Đối với công chúng trong và ngoài nước, hình ảnh BT luôn được yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng. Bà Annethe Stiekele, nhà báo người Đức, nhận xét “BT Điêu khắc Chăm là kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần”.

Ông Nathan Lauer, một người Mỹ gắn bó với văn hóa châu Á, đã phát biểu tại một hội thảo: “BT Chăm thực sự là một kho báu của Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung. BT là thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam, của những người đi đầu, đã trực tiếp tham gia trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa qua nhiều thập kỷ… BT Chăm hoàn toàn có thể trở thành một trong những BT độc đáo, nổi bật nhất trong số các BT tương tự ở khu vực Đông Nam Á, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng”.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và hoạt động khảo cổ học

Giá trị lớn của BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gắn liền với khảo cổ học. Bộ sưu tập quý giá của BT là kết quả của các cuộc khai quật, sưu tầm từ các di tích Champa trên khắp địa bàn miền Trung. Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, những nhà khảo cổ người Pháp đã có công trong việc thu thập các hiện vật để đưa về bảo quản ở BT, nhờ đó đã cứu vãn được phần lớn những hiện vật tiêu biểu tại các di tích Chăm khỏi bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh khốc liệt trong gần một thế kỷ qua.

Sau khi hòa bình lập lại, những nhà khảo cổ và hoạt động văn hóa của Việt Nam tiếp tục có những đóng góp cho việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật Champa. Bộ sưu tập của BT tiếp tục được bổ sung, đáng chú ý là tượng đồng Bồ tát Tara/Laskmindra Lokesvara sưu tầm ở Đồng Dương, nhóm hiện vật từ di tích Phú Hưng, An Mỹ. Việc phát hiện các hiện vật này tạo nên những bước phát triển mới trong nhận thức, khám phá về nghệ thuật Champa.

Riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong những năm gần đây, BT đã chủ trì, phối hợp tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật đem lại nhưng kết quả rất khích lệ. Đáng chú ý là các cuộc khai quật ở Phong Lệ, Cấm Mít và Quá Giáng.

Với các cuộc khai quật này, ngoài việc nghiên cứu chung và thu thập hiện vật cho BT, kết quả khai quật có ý nghĩa đóng góp cho việc nghiên cứu nền móng tháp Champa. Ở ba địa điểm di tích, nội dung khảo cổ được tập trung định hướng ở nghiên cứu nền móng và đã phát hiện các mô hình cấu tạo nền móng vừa có nét tương đồng vừa có nét khác biệt, góp phần đưa ra những nhận định có cơ sở về kiến trúc nền móng tháp Champa.

Kể từ sau những công bố của người Pháp về  khai quật “kho thiêng” ở tháp Ponagar Nha Trang (1909) và ở di tích Đại Hữu - Quảng Bình (1926), các cuộc khai quật ở Đà Nẵng trong các năm qua đã cung cấp những thông tin xác thực về các hiện vật tín ngưỡng ở ngay vị trí khảo cổ nguyên gốc trong lòng tháp Champa.

 Những cơ hội và thách thức mới

100 năm sau ngày thành lập, BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội mới. Tuy nhiên cơ hội vẫn còn đang ở phía trước, cái đang phải sống chung hằng ngày là một tòa nhà cũ kỹ sau 100 năm. Các bức tường bong tróc, lộ ra từng màu vôi vữa khác nhau của những đợt bảo dưỡng, mái thấm dột từng phần mà những cố gắng sơn phết sau những mùa mưa vẫn không thể nào che giấu hết. Các gian trưng bày tĩnh lặng, mang đậm một màu thời gian với những cách trưng bày hầu như không đổi từ thế kỷ trước.

Các chức năng phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của BT như kho, xưởng bảo quản, thư viện nghiên cứu, hội trường hội thảo, dịch vụ lưu niệm… đều bộc lộ tính tạm thời, chật hẹp và thiếu trang thiết bị. Và đội ngũ nhân lực, mặc dù đã có những nỗ lực vươn lên nhất định, nhưng đôi khi vẫn chưa thoát khỏi quán tính của một lối làm việc cầm chừng; một tập thể thân ái, hòa đồng nhưng đôi khi là một môi trường không kích thích được những hạt mầm sáng tạo, năng động.

Những tồn tại khó khăn của BT không nằm ngoài những tồn tại chung của nhiều BT trong cả nước. Nó nảy sinh từ một bối cảnh kinh tế-xã hội trong đó phần lớn công chúng và các nhà quản lý thường chỉ xem BT như là một nơi cất giữ đồ cũ, việc đầu tư cho BT luôn được xếp ở hàng áp chót sau khi đã có đủ trang trải cho tất cả các công việc được xem là cần thiết hơn cho cuộc sống.

Ngày nay, Việt Nam đang hội nhập với thế giới và tiếp xúc với những quan niệm của các xã hội khác về BT, trong đó BT được xem là một địa chỉ cần thiết cho sự nuôi dưỡng một đời sống tinh thần và trí tuệ lành mạnh, BT thường là sự kế thừa tài sản của những nhà quý tộc danh giá bao gồm các lâu đài, dinh thự chuyển thành nhà BT, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật vô giá và cả tiền tài trợ ký quỹ ở ngân hàng để nuôi sống BT.

Các BT của Việt Nam cũng bắt đầu gia nhập các tổ chức kết nối các BT trên thế giới, như Hiệp hội Bảo tàng Thế giới, Hiệp hội Bảo tàng châu Á… Các hiệp hội BT đang cùng chia sẻ những nhiệm vụ mới đầy năng động của thiết chế BT nhằm mục đích thu hút công chúng, phục vụ xã hội nhiều hơn và nhằm vượt qua được những khó khăn trong một môi trường nhiều cạnh tranh của các ngành công nghệ giải trí.

Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức cho BT Việt Nam nói chung. Với những tồn tại mang tính chung và tính đặc thù, BT Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chỉ có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức khi mà từ hai phía - phía các nhà quản lý và phía đội ngũ nhân viên BT, đều có những sự khởi động và tăng tốc mạnh mẽ. Ở phía các nhà quản lý, cần hướng đến những phương thức quản lý và đầu tư mới, qua đó khai thác được nguồn đầu tư của xã hội, giải được bài toán về tài chính, đồng thời tạo cơ chế cho một sự lãnh đạo đủ năng lực và quyền hạn để dỡ bỏ những rào cản của sự trì trệ.

Ở phía đội ngũ nhân viên BT, cần có một quyết tâm học hỏi để đủ kỹ năng và trình độ làm việc trong một môi trường đòi hỏi chuyên môn cao và cần một niềm say mê để vượt qua những khó khăn kinh tế trước mắt, hướng đến những thành quả mang tính trí tuệ và nhân văn của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.