.

Con người khiến nhiều loại động vật tuyệt chủng

.

Một nghiên cứu do nhóm của Chris Darimont thuộc Đại học Victoria (Canada) thực hiện vừa công bố trên tạp chí Science (Khoa học) cách đây vài ngày cho thấy, không loài động vật ăn thịt nào ăn nhiều thịt bằng con người.

Sự tác động của con người lên động vật ở trên cạn cũng như dưới biển là rất lớn bởi hoàn toàn có thể phá vỡ hệ sinh thái, chuỗi thức ăn và gây ra nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt.

Khai thác quá mức làm suy kiệt nguồn cá.
Khai thác quá mức làm suy kiệt nguồn cá.

Nghiên cứu của nhóm Chris Darimont thực hiện theo cách so sánh tác động của con người so với những loài động vật ăn thịt không phải là con người. Các nhà khoa học đã đánh giá hơn 300 nghiên cứu gồm 2.125 trường hợp ăn thịt động vật hoang dã (cá và động vật có vú trên cạn) từ các châu lục khác nhau và các đại dương khác nhau, ngoại trừ Nam cực.

Kết quả: Con người khai thác cá trung bình nhiều hơn 14 lần so với bất cứ loại động vật ăn thịt nào dưới nước. Con người cũng giết rất nhiều động vật ăn thịt khác như sư tử, sói hay gấu; gấp khoảng 9 lần so với những loại động vật ăn thịt lẫn nhau trong tự nhiên. Có nghĩa rằng, một cách chắc chắn, công nghiệp đánh bắt thủy sản đã bắt 78% cá hồi trưởng thành ở Alaska mỗi năm. Trong khi đó, gấu xám Bắc Mỹ là động vật săn loài cá này nhiều nhất cũng chỉ dừng lại ở mức 6%.

Cũng như con người săn tới 32% loại gấu sư tử Mỹ, trong lúc loài này chỉ giết nhau có 1%. Mức độ khai thác khác nhau theo từng khu vực. Những người săn bắn động vật ăn cỏ ở Bắc Mỹ và châu Âu nhiều từ 7 lần tới 12 lần so với người châu Phi; cũng như ngành đánh bắt hải sản ở Đại Tây Dương nhiều gấp ba lần ở Thái Bình Dương.

Có một điều khác biệt nữa giữa con người với các động vật ăn thịt khác không phải con người là đối tượng bị săn bắt. Những động vật ăn thịt không phải con người luôn có xu hướng nhắm những con mồi còn nhỏ hoặc ốm yếu. Một cách vô tình đây là hai đối tượng không có và chưa có khả năng sinh sản. Trong khi con người thường nhắm những con mồi to lớn hơn, những con mồi này phần lớn đang có khả năng sinh sản. Do đó, tác động của con người khiến cho nhiều loại rơi vào cảnh bị tuyệt chủng. Ngoài ra, con người còn khai thác quá mức, chẳng hạn như đánh bắt cá lên tới mức 100 triệu tấn mỗi năm làm cho nhiều loại cá không kịp sản sinh hoặc có nguy cơ biến mất.

Các nhà khoa học kêu gọi con người cần có sự thay đổi mạnh mẽ việc săn bắn và đánh bắt, cần phải giảm đáng kể việc tiêu thụ một lượng khổng lồ thịt động vật, hướng tới một mô hình phát triển bền vững lâu dài.

ANH THƯ (Theo Le Monde)

;
.
.
.
.
.