.

40 năm nghiên cứu về Chăm

.

1. Dân tộc Chăm hiện có khoảng 19 vạn người sống trên 10 tỉnh, thành khác nhau, tập trung nhiều hơn cả là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang… Khác với các dân tộc thiểu số khác, người Chăm sinh sống ở vùng đồng bằng và thành phố, xen cư và cộng cư với đồng bào Kinh. Dẫu vậy, họ vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của mình.

Người Chăm là cư dân của Champa cổ, một dân tộc đã dựng nên nền văn hóa-văn minh lâu đời, có những đóng góp đáng kể vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, hôm qua và hôm nay. Nhưng nền văn hóa ấy đang mai một…

Trưng bày sách Chăm tại Không gian Văn hóa Chăm - Hà Nội, 2010
Trưng bày sách Chăm tại Không gian Văn hóa Chăm - Hà Nội, 2010

Nhắc đến văn hóa Chăm, điều đầu tiên người ta luôn nhắc đến là nền kiến trúc và điêu khắc vô cùng phong phú và đặc sắc của dân tộc này. Các khu tháp (và phế tích) bằng gạch nung trải dài suốt dải đất miền Trung Việt Nam, từ Quảng Bình cho đến Vũng Tàu, là chứng tích huy hoàng của văn minh Champa, trong đó Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử thế giới.

Gắn liền với kiến trúc là cả nền điêu khắc với những phong cách độc đáo. Tượng Vũ nữ Trà Kiệu và tượng Shiva Po Klaung Girai được xem là kiệt tác của cả nền điêu khắc Đông Nam Á. Cạnh đó, không thể không nói đến các lễ hội và những vũ điệu, ca múa nhạc Chăm, văn học Chăm, gốm và thổ cẩm Chăm…

Thế nhưng, sau hai thế kỷ vương quốc Champa tan rã để hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất, các nhà nghiên cứu đã làm được gì để khôi phục nền văn hóa - văn minh đó?

2. Thời Pháp thuộc, các nhà dân tộc học, nhà ngôn ngữ Pháp như E. Aymonier, E. Durand, G. Maspéro, Parmentier…  đã có những nỗ lực lớn để cho ra đời các công trình về sử học, về ngôn ngữ, các cuốn từ điển song ngữ Pháp- Chăm, nhất là các nghiên cứu quan trọng về kiến trúc và điêu khắc của dân tộc này. Tiếc rằng, sau đó công cuộc khôi phục kia bị ngắt quãng bởi chiến tranh.

Trước 1975, nếu ở miền Bắc do trở ngại về điều kiện lịch sử và địa lý, hầu như không có công trình nghiên cứu nào về Chăm thì ở miền Nam, các tác giả đã có những thành tựu đáng kể. Về sử học, anh em Dohamide và Dorohiêm cho in cuốn Lược sử dân tộc Chàm lược sử do Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam xuất bản năm 1965, Nguyễn Khắc Ngữ cho ra công trình nghiên cứu về Mẫu hệ Chàm (NXB Trình bày, 1967), sau đó Nguyễn Văn Luận với Người Chàm Nam Bộ ở Tây Nam Phần in năm 1974 (NXB Giáo dục và Thanh niên).

Đặc biệt vị linh mục người Pháp Gérard Moussay với sự cộng tác của trí thức Chăm địa phương đã cho xuất bản các sử thi và trường ca Chăm bằng chữ Chăm truyền thống nhiều tập gọi là Khảo lục nguyên cảo Chàm (gồm Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Ariya Glơng Anak, Trung tâm Văn hóa Chàm, Phan Rang, 1971) và nhất là Từ điển Chàm - Việt – Pháp cũng do Trung tâm này in năm 1971. Cùng thời điểm, học giả Chăm Thiên Sanh Cảnh ra mắt Nội san Panrang, Tiếng nói Cộng đồng dân tộc Chàm - Ninh Thuận được 8 kỳ.

3. Nhưng phải nói, mãi khi đất nước thống nhất, nhất là từ thời mở cửa, thành tựu về nghiên cứu Chăm và văn hóa Chăm mới có bước nhảy vọt cả về chất lẫn lượng.

Khởi đầu là cuốn Người Chăm ở Thuận Hải do Sở Văn hóa-Thông tin Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận cũ) in năm 1989, tác phẩm được xem như một tiên đề cho cuốn Văn hóa Chăm (NXB Khoa học Xã hội, 1991) do ba tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp viết. Nghiên cứu văn hóa tổng quát còn có thể kể các tác phẩm như: Văn hóa Chămpa của Ngô Văn Doanh (NXB Văn hóa Thông tin, 1994) và cuốn Đời sống văn hóa-xã hội người Chăm ở Việt Nam do tác giả người Chăm Nguyễn Văn Tỷ viết (NXB Lao động, 2010). Nhưng chắc chắn thành tựu lớn nhất về nghiên cứu văn hóa Chăm thời gian qua chính là các công trình mang tính chuyên sâu.

Về ngôn ngữ có 4 cuốn từ điển song ngữ, đáng kể nhất là Từ điển Chăm - Việt (NXB Khoa học Xã hội, 1995), Từ điển Việt - Chăm (NXB Khoa học Xã hội, 1996) do Bùi Khánh Thế chủ biên, cộng tác với các trí thức Chăm. Năm sau đó, tác giả này còn in cuốn Cơ cấu tiếng Chăm (NXB Giáo dục, 1996). Trong việc truyền bá và phổ biến tiếng và chữ dân tộc, không thể không kể đến công lao của Ban biên soạn sách chữ Chăm qua công trình Ngữ văn Chăm cấp tiểu học, với chức năng biên soạn và theo dõi dạy và học tiếng Chăm ở các địa phương có con em Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Về văn học, tác giả Chăm Inrasara vừa kịp cho ra đời bộ Văn học Chăm khái luận, văn tuyển gồm 3 tập (NXB Văn hóa dân tộc, 1994-1995), sau đó là Trường ca Chăm (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2006) rồi Sử thi Akayet Chăm (NXB Khoa học Xã hội, 2009). Trong khi đó, ở Phú Yên, một tác giả Chăm khác là Kasô Liễng cho ra mắt Trường ca tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă (Hội Văn nghệ dân gian Phú Yên, 2000).

Về văn học dân gian, tiếp nối Phạm Xuân Thông, Thiên Sanh Cảnh với Truyện cổ Chàm (NXB Văn hóa dân tộc, 1978), Trương Hiến Mai và vài cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận in Truyện cổ dân gian Chăm (NXB Văn hóa dân tộc, 2000) và Inrasara với cuốn Văn học dân gian Chăm (NXB Văn hóa dân tộc, 2006).

Có hai tác giả đáng chú ý khác là Ngô Văn Doanh và Sakaya. Nếu người trước chuyên về điêu khắc và kiến trúc như Thánh địa Mỹ Sơn (NXB Trẻ, 2003), Điêu khắc Champa (NXB Thông tấn, 2004), hay các lễ hội như Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm (NXB Văn hóa Dân tộc, 1998), Lễ hội chuyển mùa của người Chăm (NXB Trẻ, 2006), thì người sau chuyên về ngành nghề truyền thống dân tộc mình. Sakaya: Nghề dệt cổ truyền của người Chăm (NXB Văn hóa dân tộc, 2003), Nghề dệt cổ truyền người Chăm làng Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận (NXB Tri thức, 2012).

Riêng lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc, các thành tựu của Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thời gian qua có giá trị lớn về mặt khoa học lẫn thực tiễn. Cạnh đó, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương sau những công trình riêng, năm 2011 đã cho xuất bản cuốn The Cham of Vietnam - History, Society and Art (NXB NUS Press - Singapore, cùng giáo sư Bruce Lockhart biên tập) sáng giá.

Trong những năm kế tiếp, các nhà nghiên cứu liên tục cho xuất bản các công trình chuyên sâu của mình. Có thể kể: Phan Đăng Nhật với Luật tục Chăm và Luật tục Raglai, (NXB Văn hóa dân tộc, 2003), Vũ Kim Lộc và Cổ vật huyền bí (NXB Văn hóa dân tộc, 2006) cùng năm với Phan Quốc Anh ra cuốn Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận (NXB Văn hóa dân tộc, 2006), sau đó Đinh Bá Hòa xuất bản Gốm cổ Champa Bình Định (NXB Khoa học Xã hội, 2008), Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành ở Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận in Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận (NXB Nông nghiệp, 2010); và mới nhất nhà thơ nữ Chăm Kiều Maily cho in cuốn Độc đáo ẩm thực Chăm dày dặn của mình (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2014).

Đặc biệt trong dòng chảy liên lỉ đó, chúng tôi muốn nhấn đến một tác phẩm mang tính phát hiện, đó là Có 500 năm như thế của nhà báo Hồ Trung Tú do NXB Thời đại in năm 2011. Cuốn sách như là tiên đề cho những phát hiện mới, khác về Chăm ở tương lai.

Xuyên suốt các công trình nặng tính hàn lâm trên, đặc san Tagalau – Sáng tác, Sưu tầm, Nghiên cứu Văn hóa Chăm xuất hiện như một cách điểm xuyết cho các nỗ lực kia sinh động và có sức sống hơn. Phải nhận rằng, các tác giả Chăm ra và lưu trì được 17 kỳ Tagalau liên tục là các kỳ công. Viết ở đặc san này đa phần là các tác giả trẻ tuổi Chăm, được xem là thế hệ khởi động cho chiều hướng nghiên cứu mới với những đột phá mới.

Và chúng ta có quyền hy vọng.

INRASARA

;
.
.
.
.
.