.
Giới thiệu sách

Biết nhìn lui, suy nghĩ, khi bước tới

.

(Đọc “Năm tháng tình người”, Hồi ký của Lê Công Cơ, NXB Hội Nhà văn, 2015)

Đó là một trong những lời tâm sự của Lê Công Cơ trong chương kết cuốn hồi ký “Năm tháng tình người” (NTTN) - NXB Hội Nhà văn, 2015. Cuốn hồi ký (tác giả ghi là “Tập 2”), chủ yếu ghi lại những sự kiện, con người hoạt động ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng trong giai đoạn 1975-2012.

Tuy vậy, như lời tâm sự của tác giả, ở nhiều chương sách, mỗi khi gặp lại một người bạn cũ hay trước một “sự cố”, một nhiệm vụ mới, Lê Công Cơ lại “nhìn lui”, lại nhớ về những năm tháng “gian lao và anh dũng”, những kỷ niệm, những bài học đã phải trả bằng máu khi anh còn hoạt động trong phong trào đô thị hay trên “rừng” trước 1975.

Vì thế, qua NTTN, độc giả có thể hình dung những thăng trầm của vùng đất trọng yếu ở miền Trung trong suốt nửa thế kỷ qua; cũng có thể nói, NTTN là cuốn sách bổ sung cần thiết cho “chính sử” không chỉ của dải đất miền Trung.

Lê Công Cơ (còn có tên là Lê Phương Thảo) là một nhân vật nổi tiếng, không chỉ từ khi anh sáng lập và xây dựng Trường Đại học Duy Tân trưởng thành như ngày nay. Từ nửa thế kỷ trước, Lê Công Cơ từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp sinh viên-học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965). Sau đó, anh được cử ra hoạt động ở Thừa Thiên-Huế với chức vụ Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn (1969-1972), Ủy viên Thành ủy Huế (1972-1976)…

Có lẽ ít người trải qua nhiều chức vụ, nhiều “nghề” và chịu nhiều thử thách khắc nghiệt như Lê Công Cơ; đặc biệt hơn, Lê Công Cơ đã vượt qua mọi thử thách, đứng vững và bước tới. Có những thử thách mà người không am hiểu hoàn cảnh, điều kiện hoạt động trong lòng đối phương thì rất khó hình dung. Sau ngày đất nước thống nhất, nhập tỉnh Bình Trị Thiên, Lê Công Cơ được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc 3 năm, rồi chuyển về công tác ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Trớ trêu thay, người đảng viên đã qua hàng chục năm thử lửa ấy - mặc dù được một số đồng chí lãnh đạo có uy tín ở Quảng Nam-Đà Nẵng như Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh bảo vệ - bất ngờ bị đình chỉ công tác để điều tra, không phải một hai tháng mà 3 năm trời!

Trong 3 năm, tức hơn 1.000 ngày, cứ thứ bảy mỗi tuần là phải đến T.26 ngồi viết tự khai, rồi “phải đi tìm lại những người đã cùng hoạt động hoặc là cơ sở do tôi tổ chức để họ xác nhận… Khổ nhất là những người cùng thời đã mất. Tôi lại phải gặp các anh Trần Anh Liên (lúc ấy ở tận Hà Nội), anh Hồ Nghinh… “Nếu ai nói đồng chí Thảo là CIA thì tôi xin lấy sinh mệnh chính trị của tôi bảo đảm ngàn lần không” - anh Trần Anh Liên(*) viết…”. Vậy mà suốt hơn ngàn ngày, chỉ được hưởng nửa lương, vợ con lo cho sinh mệnh chính trị của chồng hơn cả sự thiếu đói. Lê Công Cơ viết tự khai đến 800 trang…

Đã đành, làm cách mạng thì phải cảnh giác, nhưng phải nghi ngờ cả đồng chí của mình thì thật đau xót. Mấy năm trước, nhà văn Tô Nhuận Vĩ, trong tiểu thuyết “Vùng sâu”, cũng đã viết về sự đau đớn của một nhân vật hoạt động nội thành trung kiên, sau giải phóng, được “ngồi chơi xơi nước”, trước sự nghi kỵ của cấp trên, của cả bà con, bạn bè…

Mà với cả những anh hùng cống hiến lớn lao cho đất nước như Phạm Xuân Ẩn, sau ngày chiến thắng vẫn còn bị theo dõi nữa là…!(**) Có thể nói, đây là sự hy sinh lớn lao của những chiến sĩ hoạt động trong lòng đối phương mà không có sự vinh danh nào bù đắp nổi. Riêng Lê Công Cơ, rút cục, không tìm ra chứng cớ gì, “người ta” lại để anh trở lại cơ quan cũ!...

Trong 3 năm bị “điều tra” thì cô đơn đã đành, ngay khi Lê Công Cơ là đại biểu Quốc hội, rồi được cử làm Giám đốc Sở Du lịch, không ít lúc Lê Công Cơ cũng “cô đơn”! Chỉ vì anh luôn có chính kiến riêng, không chịu “nói leo” theo mọi người, không bao giờ thỏa mãn với cái có sẵn, luôn tìm tòi đổi mới, dám phản biện.

Trong vụ cuốn tiểu thuyết Học phí trả bằng máu (NXB Thanh niên, 1984) gây xôn xao dư luận trong cả nước, Lê Công Cơ cũng khốn đốn, “mất” nhiều hơn “được”. Đây là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhưng dư luận “bên lề” và ở “hậu trường” - nhất là ở Huế - lại hướng mũi chỉ trích vào Lê Công Cơ, theo nhiều người, chính là nguyên mẫu của nhân vật Phi trong tiểu thuyết. Nhân đây, tôi cũng “nhìn lui” một chút chuyện cũ không vui này.

Lúc đó, tôi đang làm Phó Tổng biên tập cho Tạp chí Sông Hương Nguyễn Khoa Điềm (Huế), thì một số người đang sôi sùng sục phản đối cuốn sách, thậm chí có cuốn bị đốt trước Trường Đại học Sư phạm Huế, có anh em nhìn tôi e dè vì nghĩ tôi là bà con thân với Nguyễn Khắc Phục. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm thì biết tôi và Phục, nếu có bà con thì cũng “bắn đại bác không tới” nên vẫn tỏ ra trọng thị, đạp xe và leo lên nhà tôi ở tầng 4 Khu Tập thể Đống Đa để bàn nên xử lý đăng các bài phê phán Học phí trả bằng máu trên Sông Hương như thế nào cho có văn hóa.

Cuốn sách từng có lệnh thu hồi tiêu hủy đó, về sau đã được tái bản 2 lần (NXB Thanh niên, 1999 và NXB Công an Nhân dân, 2005) và đến nay, anh bạn đồng nghiệp, đồng họ mà có lẽ không phải họ hàng với tôi là Nguyễn Khắc Phục, vì căn bệnh hiểm nghèo, đang sống những ngày cuối cùng của một cuộc đời lao động bền bỉ đáng khâm phục! Như vậy là Nguyễn Khắc Phục mặc nhiên được “trắng án”, tuy cuốn sách không phải đã hoàn hảo. Riêng Lê Công Cơ, mặc dù chỉ liên quan gián tiếp, nhưng Lê Công Cơ đã phải “thôi không làm Trưởng Ban Công tác truyền thống của Mặt trận nữa”.

Trong cuộc đời có 50 năm tuổi Đảng của Lê Công Cơ đã nhiều lần “thôi” chức này, rồi lại được cử làm chức khác nhiều lần. Cái “chức” Lê Công Cơ vừa bị “thôi” chẳng có lợi lộc chi, chỉ có niềm vui được gặp lại những đồng đội cũ và một số nhà văn để sưu tầm và viết cuốn sử sống của vùng đất anh hùng Quảng Nam-Đà Nẵng qua hai cuộc chiến tranh; nhưng Lê Công Cơ đã để mất - không phải, cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đã đánh mất một tài sản vô giá.

Đó là 7.000 trang tư liệu sưu tầm và được chép lại, trước khi chuyển qua làm Giám đốc Sở Du lịch, Lê Công Cơ đã bàn giao cho một cơ quan chức năng, nhưng về sau, khi chuẩn bị thành lập Đại học Duy Tân, Lê Công Cơ định xin lại tập tư liệu đó để in thành giáo trình giảng dạy thì được trả lời: “… Hình như trong một lần dọn dẹp, thấy mớ giấy ố vàng, ai đó đã gom chung vào lượng giấy đem cân thanh lý…”. Và Lê Công Cơ đã phải thốt kêu lên: “Đau đớn quá!... Tiếc công, tiếc của đã đành, nhưng lớn hơn là tiếc về cái mà mãi mãi sẽ không có cách nào tái dựng! Ôi, 7.000 trang tư liệu thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và đằng sau là những cuộc đời, và cả máu…!”.

Nhiều năm đã qua, từ những sự việc nói trên, kể cả việc thành lập Đại học Duy Tân đầy những khó khăn, trắc trở ban đầu, đến nay, “quan tòa” công bằng nhất là thời gian đã chứng minh nhiều ý kiến, nhiều sự lựa chọn của Lê Công Cơ là đúng. Việc Lê Công Cơ được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cũng là một minh chứng về sự đóng góp không nhỏ của anh cho đất nước.

Bây giờ, ở độ tuổi 75 (Lê Công Cơ sinh năm 1941 tại Điện Bàn, Quảng Nam), hẳn là Lê Công Cơ không nhằm “đi tới” một công trình, một sự nghiệp nào quan trọng nữa, nhưng cuốn hồi ký NTTN với cách “nhìn lui” chân thật, mang nặng những suy tư của một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn lịch sử anh hùng mà không thiếu những hoàn cảnh éo le ở một vùng đất miền Trung mà còn có ích cho những ai đang hăng hái bước tới trên con đường không ít thách thức và biến động khó lường hôm nay…

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(*) Đồng chí Trần Anh Liên là Phó Bí thư Thành ủy Huế trong chống Pháp. Sau 1954, ra Bắc làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau vào Nam, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế.

(**) Xem sách Điệp viên hoàn hảo về Anh hùng LLVT Phạm Xuân Ẩn.

;
.
.
.
.
.