.

Một mình rẽ lối

.

Gặp Trần Văn Lanh tại tiệm cà-phê bánh ngọt Prince trên đường Bạch Đằng, ít ai hình dung được chàng trai chủ quán này mới sinh năm 1996.

Trần Văn Lanh trong tiệm bánh của mình.Ảnh: K.N
Trần Văn Lanh trong tiệm bánh của mình. Ảnh: K.N

Lanh nhiệt tình tư vấn cho khách những món bánh ngọt do chính tay cậu làm, tất cả đều là những loại bánh tây nổi tiếng như tiramisu, mousse, gateau,… Thấy có khách vào là cậu lại đích thân ra chào hỏi, rồi hướng dẫn cho nhân viên tiếp đón tận tình.

Lanh tiếp nhận tiệm cà-phê bánh ngọt này từ người chủ cũ và dành ra 1 tháng để vừa sửa chữa, vừa buôn bán. Tiệm bánh của Lanh thu hút khá đông du khách cả tây lẫn ta đi dạo Bạch Đằng vào buổi tối. Sau 1 tháng bán thử, cuối tháng 8 vừa qua, Lanh quyết định khai trương chính thức tiệm bánh nhỏ xinh của mình.

Làm chủ một tiệm bánh ở ngay trung tâm thành phố vào tuổi 19, có lẽ sẽ có người nghĩ Lanh là con nhà “có điều kiện”, được cha mẹ hỗ trợ nhiều về vật chất. Nhưng câu chuyện của Lanh sẽ làm thay đổi suy nghĩ đó. Học hết lớp 12 ở Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng, Lanh quyết định không thi vào đại học mà xin đi làm ngay. Lanh bảo, lúc đó một phần là do không thật tự tin lắm vào sức học của mình, phần khác vì muốn được cọ xát với cuộc sống, tự kiếm ra đồng tiền. Được ba mẹ ủng hộ, lễ bế giảng cuối cùng của bậc THPT vừa kết thúc, Lanh khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc.

Vốn bản tính nhanh nhẹn, tháo vát, lại có sẵn niềm yêu thích với công việc nấu nướng, Lanh xin được chân phụ bếp trong nhà hàng tiệc cưới Glorious ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Vốn chưa bao giờ được đào tạo bài bản về nghề này, Lanh vừa làm, vừa học hỏi. Chỉ sau 1 tháng, Lanh đã thuần thục và có thể làm việc độc lập mà không cần các “sư phụ” chỉ dẫn.

Lanh kể, gần 1 năm làm việc ở tuổi 18 đã dạy cho em cách sắp xếp thời gian, làm việc với tác phong công nghiệp, chuẩn xác từng phút từng giây để đảm bảo uy tín cho nhà hàng khi phục vụ khách. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015, đúng vào mùa cao điểm tiệc cưới thì cả 4 phụ bếp của nhà hàng xin nghỉ, một mình Lanh đảm nhận đến 5 vai trò sơ chế, làm tráng miệng, trang trí, trông coi kho,… Lanh cười bảo, em trở thành con cưng của bếp trưởng. Ngày phải về Đà Nẵng vì lý do gia đình, chủ nhà hàng còn hứa em có thể trở lại bất kỳ lúc nào mình muốn.

Bản tính không chịu ngồi yên một chỗ, ngay cả lúc về ở với ba mẹ, Lanh vừa đăng ký theo học một khóa bếp trưởng ở Trường Hướng nghiệp Á - Âu (tại Đà Nẵng), vừa phân phối các lô hàng dụng cụ làm bánh nhập khẩu từ Thái Lan cho thị trường Đà Nẵng.

Tốt nghiệp khóa bếp trưởng, Lanh xin vào làm ở các khách sạn, khu nghỉ mát tại quê nhà. Được một thời gian, Lanh nhận thấy công việc này có nhiều “thời gian chết”, không phù hợp với tính cách “luôn tay luôn chân” của mình. Vậy là cậu dồn hết tiền tiết kiệm để mua lại tiệm cà-phê bánh ngọt Prince trên đường Bạch Đằng, tự tay sửa sang quán, thuê nhân viên, làm các loại bánh và thức uống…

Lanh tâm sự, ước mơ lớn nhất của cậu là thành lập một nhà hàng tiệc cưới đa chức năng ngay tại quê hương mình. Lanh bảo, Đà Nẵng có quá nhiều lợi thế về phong cảnh thiên nhiên và sản vật. Những tháng ngày làm việc nơi thành phố miền Nam năng động, em đã học được nhiều điều về cách kinh doanh nhà hàng tiệc cưới. Trở về Đà Nẵng, em mong muốn dùng tiệm cà-phê của mình để tạo dựng vốn ban đầu, biến ước mơ thành sự thật ngay trên chính quê hương.

Dù không hề đi theo con đường “truyền thống” là “học đại học - ra trường - kiếm việc ổn định”, những gì Lanh đã làm được chứng tỏ cậu là một người dám ước mơ và dám theo đuổi ước mơ ấy. Con đường phía trước của Lanh còn rất dài, với ý chí mạnh mẽ, tính cần cù tháo vát, hy vọng chàng thanh niên này sẽ làm được nhiều điều không hề nhỏ bé.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.