.
Phương hay Thuốc quý

Địa liền

.

“Địa liền hành khí giảm đau/ Chữa phong, hàn, thấp, đau đầu, nhức răng”. Đó là câu vè chúng tôi thường phổ biến trong các phòng thuốc nam Tuệ Tĩnh đường để giúp nhớ tính dược của Địa liền, còn gọi là Thiền liền, Sơn nại, Tam nại, Sa khương, tên khoa học Kaempferia galanga L., thuộc họ Gừng - Zingiberaceae.

Địa liền - Kaempferia galanga L. Ảnh: P.C.T
Địa liền - Kaempferia galanga L. Ảnh: P.C.T

Địa liền là cây thảo sống lâu năm, không có thân. Thân rễ gồm nhiều củ nhỏ hình trứng, mọc nối tiếp nhau, có nhiều vân ngang. Lá 2-3 cái, mọc xòe ra trên mặt đất, có bẹ. Phiến lá dài 8-10cm, rộng 6-7cm, hình bầu dục, thót hẹp lại thành cuống, mép nguyên, hơi có lông ở mặt dưới. Hoa trắng pha tím, không cuống, mọc ở nách lá. Toàn cây, nhất là thân rễ, có mùi thơm và vị nồng. Mùa hoa quả tháng 5-7.

Địa liền mọc hoang dại và được trồng nhiều nước thuộc Á châu nhiệt đới như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia,… Ở nước ta, Địa liền mọc rải rác ở rừng vùng núi thấp và trung du, và mọc tương đối tập trung ở những rừng khộp họ Dầu ở vùng Tây Nguyên.

Địa liền cũng thường được trồng lấy củ làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng thân rễ vào mùa Đông xuân. Thu hái thân rễ vào mùa khô. Đào củ về, rửa sạch, thái phiến mỏng, phơi khô (không được sấy bằng than), sao cho dược liệu không bị đen và kém thơm. Do có tinh dầu nên Địa liền dễ bảo quản, ít bị mốc mọt.

Nghiên cứu thành phần hóa học cho thấy thân rễ Địa liền chứa 2,4-3,9% tinh dầu, để lạnh sẽ thu được phần kết tinh mà thành phần chủ yếu là p-methoxy ethylcinnamat chiếm 20-25%; còn có những chất khác như pentadecan, ∆3-caren, ethylcinnamat, O-methoxy ethylcinnmat, p methoxy ethylcinnamat, camphen, borneol, p-methoxystyren.

Theo Đông y, Địa liền có vị cay, tính ấm, có tác dụng ôn trung (làm ấm tỳ vị), tán hàn, hành khí, giảm đau, tiêu thực, trừ thấp, trừ uế khí. Nước chiết ở củ có tính hạ đờm, lợi trung tiện. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy Địa liền có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Thường dùng trị ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau răng do phong. Còn được dùng để trị ỉa chảy, hoắc loạn và trị ho gà.

Ở Vân Nam Trung Quốc, địa liền dùng trị viêm dạ dày, ruột cấp tính, thực trệ khí trướng, loét dạ dày và viêm dạ dày mạn tính, đau răng, sưng mang tai, đòn ngã tổn thương, phong thấp đau xương. Ở Philippines, nước sắc địa liền chữa ăn uống khó tiêu, sốt rét. Lá địa liền giã nát, xào nóng đắp chữa tê thấp. Ở Malaysia, than rễ địa liền dùng chữa cao huyết áp, lở loét, hen suyễn. Lá và thân rễ nhai ngậm chữa ho và đau họng. Thân rễ dùng riêng chữa cảm lạnh. Một vài nơi dùng lá và thân rễ địa liền làm rau ăn sống. Nước chiết củ dùng trị ho, làm bớt hôi miệng, làm cao dán trị nhức mỏi. Lá và củ cũng dùng ngậm cho bớt ho và làm cho hết hôi miệng. Rễ còn dùng chế vào mỡ xức tóc cho thơm.

Liều dùng: Ngày dùng 3-6g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay viên hoặc ngâm rượu.

Bài thuốc:

1- Cảm sốt nhức đầu: Thân rễ Địa liền 5g, Bạch chỉ 5g, Cát căn 10g, tán bột làm viên uống. Viện Dược liệu đã nghiên cứu sản xuất viên Bạch địa căn (gồm Địa liền 0,03g, Bạch chỉ 0,10g, Cát căn 0,12g) dùng làm thuốc hạ sốt, giảm đau trong bệnh sốt xuất huyết và sốt cao ở một số bệnh truyền nhiễm; còn có tác dụng kháng khuẩn chống bội nhiễm.

2- Chữa cảm sốt, nhức đầu, táo bón kinh niên, ăn không tiêu (Kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu): Địa liền 1.000g, Rau má 1.000g, Thổ phục linh 1.000g, Cam thảo 500g. Tất cả phơi khô tán bột, ngày uống 2-4g.

3- Ngực bụng lạnh đau, tiêu hóa kém: Địa liền 4-8g, sắc hay tán bột uống. Hoặc dùng: Địa liền, Đinh hương, Đương quy, Cam thảo lượng bằng nhau, tán bột trộn hồ làm viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 10 viên với rượu.

4- Chữa ăn uống khó tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh tọa: Địa liền 20g, Quế chi 10g, tán bột, uống mỗi lần 2g, ngày 3 lần.

5- Chữa ho gà: Địa liền 300g, lá Chanh 300g, vỏ rễ Dâu (tẩm mật ong sao) 1.000g. Rau sam tươi 1.000g, Rau má tươi 1.000g, lá Tía tô 500g, đường kính vừa đủ, nấu với 12 lít nước, có còn 4 lít. Trẻ em mỗi ngày uống 15-30 ml.

6- Rượu xoa bóp: Rượu Địa liền (ngâm củ Địa liền xắt nhỏ trong rượu 40-500, trong 5-7 ngày) có thể dùng xoa bóp hoặc uống làm bớt nhức mỏi gân cốt, đau lưng và làm cho máu huyết lưu thông. Kinh nghiệm người viết bài này thường chế rượu xoa bóp theo công thức: Địa liền 100g, Bạch chỉ 30g, Huyết giác 20g, Thiên niên kiện 20g, Đại hồi 20g, Quế chi 20g, Long não 10g. Ngâm với 1 lít rượu sau 7 ngày, dùng xoa bóp chữa đau nhức, tê phù, có thể ngậm chữa đau nhức răng (nhổ bỏ, không được uống). Đặc biệt rượu này dùng xoa bóp kết hợp hỏa long cứu vùng bụng cho phụ nữ sau sinh vừa giúp tiêu hóa tốt, vừa làm thon bụng, đẹp da, thơm người.

Lưu ý: Người âm hư, thiếu máu, hoặc dạ dày nóng rát không nên dùng Địa liền.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.