.

Người Chăm, muôn vẻ đội

.

Hai làng - Từ Tâm làng Kinh và Cakleng palei Chăm - cách nhau chưa tới nồi cơm chín, gia đình hay bạn kết thân thì vô số, vậy mà cách thức hay thao tác di chuyển hàng hóa, đồ đạc giữa hai dân tộc khác nhau cả vực thẳm. Thế mới gọi là bản sắc văn hóa. Ngay mấy gia đình người Kinh sống palei Chăm “ăn cơm bà con Chăm mòn răng” vẫn thế.

Vác củi. Ảnh: Inrajaya
Vác củi. Ảnh: Inrajaya

Bà Hai Mót rủ mẹ đi chợ Phú Quý cách làng non cây số. Bà Hai Mót gánh, thúng thóc một bên, thúng đứa con một bên. Mẹ thì, bé Út cắp nách, thúng thóc đội trên đầu. Cứ thế mà đi, mà chuyện rôm rả. Xong chợ, về, cũng hệt vậy. Hệt vậy từ ngày Cakleng lập “ấp chiến lược” cho đến trưa “giải phóng”, khi bà Hai Mót qua cáo từ mẹ để trở về bản quán ở dưới Hải Chữ.

Người nữ Chăm gì cũng đội. Đội từ bó củi đời thường cơ cực cho đến đội Cỗ bồng trầu Thông hala trong lễ Rija Nưgar linh thánh, đội từ thúng thóc giống ra đồng cho đến đội Ciêt lễ vật lên tháp. Trong lúc người nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên anh em như Kơho, Êđê, Churu… lấy gùi làm chính. Người Raglai sống cạnh Chăm, sinh hoạt của người anh em này luôn dính chặt với gùi. Bó củi về nhà hay túm gạo lên núi, hũ muối từ xuôi lên hay trái rừng đi xuống chợ đổi chác, vẫn là gùi.  

Khác với cánh đàn ông Chăm luôn dùng đến hai vai lực lưỡng để mà vác. Bao tải nặng tới đâu, cũng vác. Vác rựa lên rừng, các chú nói đi được hai “cái vác”. Đó là nói đàn ông thường dân, chứ giới chức sắc tôn giáo Halau janưng thì tuyệt - không. Họ quan niệm Pô dang di dwa guk bira: Thần ngự trên hai vai. Nên, vai không được phép đặt bất kì vật dụng gì lên nó. Ngay cái cuốc, cái gậy cũng không được đặt lên vai, mà phải xách. Còn người nữ Chăm thì, cái gì cũng có thể đội được. Và đội là chính. Cho vật nặng lên đầu có thể tác hại đến xương cổ và thần kinh vùng cổ, như khoa học hiện đại bảo thế, nhưng cái được của nó là tạo dáng thẳng cho người nữ. Thao tác đội của người nữ Chăm nhuyễn đến chị em có thể đội lu nước hai mươi lít nhảy qua cái mương con mà không cần nhờ đến bàn tay đỡ lấy cái lu mỏng manh kia.   

Nhớ thuở bé, các bà mẹ Chăm làng gốm Bàu Trúc đội cả “giành” gốm to đùng đi băng qua cánh đồng trưa nắng, mà thương. Hình ảnh quê hương “đẹp” nhưng đáng để cho mất đi kia, nay không còn nữa. Dáng đội ấy cứ mãi ám ảnh tôi không dứt. Ám với tiếng rao vang vào tuổi thơ tôi: Ai… nồi, trách, trã, lu… không… Trên giành gốm chất đầy vun nào lu, trách, trã, nồi… tất tần tật, các mẹ đi vào palei Chăm hay làng Kinh lân cận. Một đổi một. Nghĩa là lu, nồi chứa được bao nhiêu, cứ đổ thóc vào đầy là xong. Không phải mất công trả giá. Có mất thì giờ chăng chỉ là ở tâm sự nỗi niềm với đám con đang chờ “mẹ về”.

 Lấy nước về làng.Ảnh: Inrasara
Lấy nước về làng.Ảnh: Inrasara

Riêng cái dáng đội đẹp không nên mất đi, và thực tế nó đã không biến mất, ngay trong thời hiện đại, đó là khi người nữ Chăm Bà-ni đội xalao lithei mâm cơm vào Thang mưgik Thánh đường trong đêm thánh lễ Ramưvan. Dưới ánh nến lung linh xưa hay bóng điện sáng trưng nay, từng đoàn cô gái đội mâm lễ vật lên chùa, tiếng í ới gọi nhau với tiếng nói cười nghe rộn suốt các hẻm làng. Mọi lo âu thường nhật biến mất, chỉ còn ánh mắt sắc ngọt với nụ cười vô ưu có mặt.

Nụ cười kia vẫn còn nguyên vẹn - dù ít nhiều đã nhuốm màu ưu tư cho ngày mai bất trắc, khi cô gái trong ngày cuối cùng của Đam likhah Lễ cưới, đội Ciêt bánh trái qua nhà chồng mới cưới. Ciêt bánh trái cũng được đội vào hôm Tak kayau Phạt mộc trong đám tang Chăm Bà-la-môn.

Câu chuyện kể xung quanh lịch sử hình thành và phát triển dạng Ciêt này thuộc loại ly kỳ gay cấn. Mấy bận đi xa, ông ghé palei nào đó veh mưnhum ia uống nước, và để lại hạt giống. Sinh thời, ông có thể giấu vợ con, bà kia cũng có thể giấu làng nước. Đến lúc ông mất, làm đám tang cho ông, đúng vào ngày hội ngộ trọng đại đó, bà kia “khai thật” qua nhiệm vụ đội Ciêt bánh trái đến giỗ ông. Không thể khác. Và nhất là, không ai trách oán ai. Người Chăm còn cho đó là thái độ đẹp và đầy tính nhân văn nữa.

Vật dụng đội trên đầu có thể là vật để đựng, như: lu (chứa nước), giành (chất đồ gốm), bao hay thúng, mủng (đựng gạo, thóc…), Ciêt (bánh trái, thuốc dân tộc), Đôn hala (đựng lễ vật) hay mâm (cơm, bánh trái, đồ cúng tế…).

Chị em Chăm cũng có thể đặt chất liệu trực tiếp lên đầu, như tấm ván hay [bó] củi chẳng hạn. Nếu đáy vật dụng không được phẳng và quá cứng như lu [nước], chị em có thể lót khăn được quấn tròn để tránh bị nghiêng hay đỡ bị cấn gây đau đầu, còn vật dụng chứa chất liệu không căng như thúng [gạo] thì miễn. Được tôi luyện qua nhiều thử thách từ bé, nên chị em rất dẻo dai và có thể nói, rất chuyên nghiệp. Có cần cổ chị em khả năng chịu đựng đến hơn ba mươi cân thóc.

Thúng lớn, thúng nhỡ rồi đến mủng được đặt chồng lên. Khi đã đứng thẳng dậy, thì chuyện bước đi coi như không vấn đề. Đến lúc cổ cảm thấy mỏi thì nhờ người khác đỡ xuống. Nghỉ xíu, lại tiếp tục lên đường. Ở vào một thế buộc như cúi đầu tránh nhành cây chẳng hạn, để không cho vật dụng nghiêng, chị em cần biết giữ dáng đi thẳng đứng. Nếu có nghiêng, thì thân mình nghiêng, chứ cần cổ với vật đội thì tuyệt đối không. Dáng đi thẳng đứng tạo thế cân bằng, cho nên rất nhiều chị em đội nhuyễn đến không sử dụng đến hai bàn tay để nắm vật dụng, cả khi họ bước thật nhanh hay nhảy qua hòn đá.

Thao tác đội trong đời thường và cả trong cuộc lễ cũng đã được các nghệ sĩ Chăm mang vào nghệ thuật, đưa lên sân khấu trình diễn. Các tiết mục Tamia đwa buk Múa đội lu, hay Tamia đwa Thông hala múa Đội Cỗ bồng trầu được biết đến nhiều, đều xuất phát từ thực tiễn đời sống kia.

Đó là “đội” đwa theo nghĩa đen, và cụ thể. Cao hơn, và rộng ra - đội còn mang nghĩa bóng, liên quan với hiện tượng thuộc về tinh thần hay tâm linh.

Về động từ chỉ thao tác “cầm nắm và mang đi”, chỉ tính riêng bộ phận tiếp xúc là vai, tiếng Chăm có: Anong tương đương với từ “gánh” trong tiếng Việt. Galam nghĩa là “vác” mà phần tiếp xúc là ở chính giữa vai hay bak cũng là “vác”, nhưng phần tiếp xúc phần nhiều ở ngang bả vai. Còn ganiơng nghĩa là quẩy, ta mang đi bằng cách móc trên một đầu đòn đặt lên vai. Khi nói ganiơng pok njuh: quẩy bó củi, ta biết người đó đang dùng cây đòn để mang trên vai một bó củi phía sau lưng, chứ không là hai bó, như “gánh”.

Người Việt nói: Đầu đội vai mang; Chăm thì hơi khác: Akok đwa bira anong: Đầu đội vai gánh. Tục ngữ Chăm còn có câu: Nưh akok đwa, nưh bira anong: Chia đầu đội, sớt vai gánh. “Gánh” ít nhiều mang giá trị tinh thần, nhưng không có giá trị cao tuyệt như “đội” đwa.

Để tạ ơn trời đất, hướng về phía cao, người Chăm nói: Đwa tangin di akok: Đội [hai bàn] tay lên đầu [lạy]. Người lạy chấp hai tay, đưa lên đầu trong lúc hai gối quỳ, sau cùng ta cúi rạp mình xuống. Ba lần như thế. Đó là khi ta lạy thần Yang. Gần hơn, ta lạy bậc sinh thành, hoặc xưa kia - lạy vua chúa cũng cùng tư thế thượng tôn đó. Liên quan tới vua chúa, còn có đặc ngữ Đwa gon patao: “Đội” lệnh vua. Lệnh vua ban xuống, ta “đội” về mà thi hành, không thể khác. Hay để tỏ lòng kính trọng đối với người lớn tuổi, người Chăm có thành ngữ: Rituh thun taha đwa bbuk patih: [Sống] trăm năm, đội đầu bạc. Thành ngữ này thay cho lời chúc, được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt Chăm.

Như vậy “đwa” là cái gì thiêng liêng, cao trọng mà ta cần “đội” trên đầu. Trong sử thi  Akayet Dewa Mưno, để tạ ơn các chiến hữu cùng tráng sĩ Sanggi từng vào sinh ra tử cứu đứa con là hoàng tử Dêva Mưnô vượt bao hiểm nguy trở về quê hương bình an, bà hoàng hậu thốt lên lời tạ ân:

Mik đwa apakal graup kamôn
Thong Xanggi ba tal nưgar ka mik bbôh anưk

Ta đội ơn tất cả các cháu

Cùng Sanggi đưa con trai ta trở về cố hương cho ta được nhìn thấy Đwa apakal là vậy. Khi nhận công lao vừa lớn lao vừa trường kì, ta nói đwa apakal. Còn lúc nhận tặng phẩm nhỏ hay khi đối tượng có một thái độ, hành vi tốt mang tính tức thời và ngắn hạn, ta nói đwa karun: đội ơn, cũng đủ.  

Ở phía đối trọng với sự kính cẩn và biết ơn, đwa còn được người Chăm dùng cho sự việc mang nghĩa tiêu cực, xấu xa. Chăm kêu “đội nhục”: Đwa mưlau, chứ không nói “mang nhục”, như bên tiếng Việt. Sống giữa trời đất, hành vi hay lời lẽ của bạn bị tai tiếng, tai tiếng lớn ảnh hưởng đến gia đình, làng xóm và cộng đồng mà chưa gột rửa - bạn phải đội lên đầu nỗi nhục kia.

Hoặc người Chăm nói: đwa duix xak: đội tội lỗi - rất cụ thể, chứ không nói “mang” tội lỗi. Câu ca dao nổi tiếng:

Cam thong Bini hu min
Thei laic ông khin duix xak nhu đwa.

Chăm lấy Bà-ni được thôi
Ai cho rằng không, thì tội lỗi hắn đội.

Chăm Bà-ni hay Chăm Bà-la-môn cũng là Chăm, “nước một lọ, chung hạt cát lồi”, do tôn giáo tín ngưỡng dị biệt mà gọi tên khác nhau. Thế mà chỉ vì tâm phân biệt mà nảy sinh bao hệ lụy. Cô gái Chăm Bà-la-môn bị hành hạ cho đến chết, dẫn đến cái kết cục là người tình Bà-ni nhảy vào giàn lửa thiêu để cùng người yêu mong hưởng hạnh phúc ở miền xứ nào không biết, sau khi ném nguyên bản trường ca về phía đám đông. Trường ca Ariya Cam - Bini tự sáng tác kể lại cuộc tình bi tráng của hai bạn trẻ, chính là lời cảnh tỉnh gửi đến thế giới cõi người đầy tâm phân biệt đối xử kia. Những người gây nên cái chết ấy mang tội lỗi lớn, nếu không muốn nói là tội ác chống lại tình yêu, chống lại nhân loại. Tội lỗi ấy cần phải “đội” lên đầu. Để mà nhớ, mà chừa.

Khi chiều xuống, thấy chị Hám xách gàu không về, và mẹ la: - Mầy hư hại quá, thì tôi biết ngay chị vừa đánh vỡ lu nước rồi. Chị đã làm vỡ bao nhiêu cái lu, khó mà nhớ nổi. Nhưng qua cách mẹ khoe, cả đời tao còn chưa tiêu hết ba cái, thì tôi biết chị… hư thiệt.

- Dân palei Bàu Trúc thương mầy phải biết, - mẹ nhảnh thêm.

Không thương sao được, bởi chị góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho các mẹ, các chị. Dẫu sao, không thể trách chị Hám. Thời Mỹ về đóng đồn lập huyện Ninh Phước vào cuối những năm 60, khi lu gốm Bàu Trúc được thay thế bởi loạt thùng thiếc tiện nghi, thì đố ai tìm ra trong cánh nữ trẻ Chăm cô nào còn biết đến chuyện đwa buk đội lu đi lấy nước là gì.

Đwa buk đã làm cổ tích. Bóng dáng người nữ Chăm đội lu nước đi qua đồi cát trắng Phan Rang, Phan Thiết chỉ còn thoáng hiện trên sân khấu đèn màu lấp lánh đầy tính trình diễn. Cổ tích ở tỉnh lẻ, các thành phố lớn, và cả tận nhà quê, nơi khai sinh ra truyền thống đwa cùng bao nhiêu loại lu với những hoa văn giản đơn mà độc đáo.

INRASARA

;
.
.
.
.
.