.

Những người mẹ không chồng

.

Một trong những điểm đang thu hút du khách ở London là Bảo tàng Foundling. Nơi đây đang kể câu chuyện cảm động nhất về một bệnh viện, nơi thu nhận  trẻ bị bỏ rơi qua cuộc trưng bày triển lãm có chủ đề “The Fallen Woman” (Người phụ nữ sa ngã), ở Anh thời Victoria.

Bà mẹ đã trao con cho Bệnh viện Foundling - Tranh của Henry Nelson O’Neil’s.
Bà mẹ đã trao con cho Bệnh viện Foundling - Tranh của Henry Nelson O’Neil’s.

Thuật ngữ “The Fallen Woman” ám chỉ đến những người phụ nữ không chồng nhưng lại có con. Nhân vật  gọi là “phụ nữ sa ngã” đã được mô tả trong nghệ thuật, văn học và phương tiện truyền thông luôn cảnh báo chống lại hậu quả của sự đánh mất đức hạnh.

Thomas Coram - Người sáng lập Bệnh viện Foundling (1741).
Thomas Coram - Người sáng lập Bệnh viện Foundling (1741).

Các nghệ sĩ Dante Gabriel Rossetti, Richard Redgrave, George Frederic Watts và Thomas Faed quyết định chọn chủ đề “người phụ nữ sa ngã”, tập hợp các bức tranh được thực hiện cách đây 150 năm, đỉnh cao của thời đại Victoria. Điều thực sự gây sốc và bi thảm là tất cả các nhân vật bà mẹ trẻ tuổi, bình thường, bị cuốn vào một nền luân lý khủng khiếp và không hề khoan nhượng, phải từ bỏ đứa con-không-cha của họ để tái hợp vào cộng đồng, xã hội.

Những tác phẩm nghệ thuật, minh họa báo và các hình ảnh nổi ở phòng trưng bày biểu thị cách miêu tả người phụ nữ sa ngã đến với văn hóa đại chúng, đồng thời cũng giúp xác định vai trò của người phụ nữ và những hạn chế trong xã hội thời bấy giờ. Một người phụ nữ có con ngoài giá thú là một kẻ ngoài lề xã hội. Con mình là một đứa con hoang. Luật sửa đổi Luật Poor 1834, ở Anh, giới thiệu các điều khoản không hợp pháp đã làm khó khăn hơn và nhục nhã hơn cho các bà mẹ độc thân. Quan điểm này đã bỏ qua thực tế: phụ nữ tầng lớp lao động; nhiều phụ nữ bị hãm hiếp bởi các thành viên của gia đình họ, hoặc “bị quan hệ” tại các cơ quan nhà nước.

Các hình ảnh đau lòng trưng bày tại Bảo tàng Foundling cho thấy, những người phụ nữ có con nhưng không chồng, thì phải đưa con đến các bệnh viện (viện mồ côi), các lý do đưa ra thường là bị cưỡng hiếp hay dụ dỗ. Ann Gidding, 21 tuổi, người vào viện năm 1831, đã nói với các thống đốc các bệnh viện của Foundling rằng cô đã từng là một người giúp việc. Cha của đứa trẻ, cô giải thích, là John Harewood, một người hầu ở nhà. Sau khi cô phát hiện ra mình có thai, anh bỏ rơi cô ấy. Susannah Jane Keys, đã cho ra đời một cặp sinh đôi, giải thích rằng cha của con cô là một người ở trọ tại nhà của bạn. Anh ta có vẻ đáng kính và đến thăm cô tại nhà của cha cô, và cô bị hãm hiếp ở đó. Cô “chống cự và kêu lên”, nhưng không có ai nghe. Còn Harriet Hooper đã gặp “cha” của con mình tại một lớp học hát nhà thờ; ông đề nghị đưa cô đến một ngôi nhà, nơi có một cây đàn piano, vì vậy cô có thể hát ở đó; nhưng khi đến đó thì không thấy đàn piano chỉ thấy… cái giường. “Tôi muốn ra đi, nhưng ông ngăn cản và giữ tôi trong nhà một thời gian”, cô giải thích - và về sau cô không bao giờ gặp lại anh ta. Sarah Farquar, người đưa con đến Bệnh viện Foundling vào năm 1854, là một cô giáo. Trong một loạt các bức thư gửi cho bệnh viện, cô mô tả việc cô bị đánh thuốc mê và sau đó hãm hiếp…

Con đường lầm lạc. Tranh của Frederick Walker (1863)
Con đường lầm lạc. Tranh của Frederick Walker (1863)

Cuộc triển lãm lần này, Bảo tàng Foundling tường thuật chi tiết về hoạt động của Bệnh viện Foundling - được thành lập vào năm 1741 bởi thuyền trưởng Thomas Coram, người có lòng bác ái, thương người. Bệnh viện đã được Handel, một doanh nhân hỗ trợ về tài chính.

Những đứa trẻ đầu tiên được nhận vào viện mồ côi ngày 25-3-1741, một ngôi nhà tạm thời nằm trong Hatton Garden. Muốn giao con, các bà - mẹ - không - chồng phải ghi các mẫu yêu cầu tất cả các chi tiết cần thiết. Những người phụ nữ Victoria buộc phải từ bỏ đứa con của họ, có thể viết thư hỏi về con cái của họ, nhưng không thể tiếp cận chúng. Tất cả các bà mẹ đã được một biên nhận “cho đứt” đứa con, trong đó có tên ban đầu, nhưng sau đó phần tên họ tùy thuộc vào bệnh viện. Quá trình đặt tên rất lập dị. Có một danh sách dài các tên trưng bày tại bảo tàng - một tấm bảng dày đặc chữ cái gợi nỗi buồn của sự mất mát.

Hầu hết các bà mẹ chưa kết hôn cách đây 150 năm đã phải trao đứa con của họ đến bệnh viện Foundling. Trong suốt thế kỷ XIX, khoảng 4.500 phụ nữ giao cho con cái của họ tại bệnh viện này. Bây giờ cái tên Foundling trở thành tên  một bảo tàng.

Báo The Guardian viết, dạo quanh triển lãm, cảm giác buồn và hy vọng bằng nhau. Không nên đổ lỗi cho phụ nữ  tất cả mọi thứ. Tất cả đang xây dựng một xã hội tốt hơn. Nó đáng để nhớ lại quá khứ, để nhắc nhở rằng, người ta thực sự không muốn quay trở lại với thời Victoria”.

Triển lãm “The Fallen Woman” diễn ra đến  ngày 3-1-2016 tại Bảo tàng Foundling-40 Brunswick Square, London, Anh.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.