.

Gánh càng thêm nặng

.

Với chính sách bảo trợ xã hội được cho là hàng đầu trong khu vực, Đà Nẵng đã xoa dịu nỗi bất hạnh của một bộ phận người dân thành phố, giúp họ vượt qua nỗi đau và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Tình nguyện viên Tổ chức AI (Activity International - Tổ chức Hoạt động quốc tế, Hà Lan) đưa người cao tuổi khuyết tật đi làm vật lý trị liệu tại Trung tâm BTXH Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Tình nguyện viên Tổ chức AI (Activity International - Tổ chức Hoạt động quốc tế, Hà Lan) đưa người cao tuổi khuyết tật đi làm vật lý trị liệu tại Trung tâm BTXH Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Một ngôi nhà, nhiều hoàn cảnh

50 tuổi, không vợ con, không nhà cửa, ông Lê Hóa vừa rồi đã xin ở lại hẳn Trung tâm (TT) Bảo trợ xã hội (BTXH) Đà Nẵng. Ông quê Thanh Hóa, sống với cha mẹ ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê. Cha mẹ chết, con cái bàn nhau bán nhà, chia mỗi người một ít. Ông nhận phần mình, tiêu đến đồng cuối cùng thì chẳng biết nương nhờ vào đâu, phải đi lang thang. 11 năm trước ông vô TT, được một thời gian thì có nguyện vọng xin về tá túc nhà mấy anh chị. Nhưng chuyện “ở nhờ” nhà người khác, cho dù là ruột rà, cũng chỉ là tạm thời chứ không “ăn đời ở kiếp” được. Cứ thế, ông vô ra đến 7 lần, cán bộ ai cũng quen mặt, nay thì Ban Giám đốc TT quyết định cho ông được “thường trú” tại cơ sở BTXH này tới hết đời!

Anh Nguyễn Quang Trung, nhân viên quản lý hồ sơ của TT, nắm rõ từng cảnh đời những con người bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà chung này. Như em Nguyễn Bình Dương (tên do TT đặt) khoảng 10 tuổi, bị bệnh bại não, động kinh, hen suyễn. 2 năm trước, em đi bệnh viện vì bị sởi nặng, phải ở phòng cách ly.

Em lên cơn động kinh, thở dốc từng hồi, lồng ngực co cứng. Chị Võ Thị Thu, nhân viên TT đi theo chăm sóc em, cứ sợ em bỏ chị mà đi. Chị tức tốc báo ca trực, chứng kiến cảnh bác sĩ tận lực cứu chữa cho em mà nghĩ như cứu mạng sống con mình. Cuối cùng thì em qua được. Ngày 10-10 vừa qua, một cháu bé bị bỏ rơi, được đưa vào TT chỉ mới… 20 ngày tuổi, khi chưa kịp rụng rốn. Chị Thu, với 14 năm chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật tại TT, lại đảm nhận vai trò người mẹ.

Đến đầu tháng 11 này, TT nuôi dưỡng 170 người, trong đó có 75 người già neo đơn, 25 trẻ em mồ côi/bị bỏ rơi, 30 người lang thang xin ăn, 50 người khuyết tật/bị tâm thần nhẹ. Trong 75 người già neo đơn chỉ có 40 cụ còn sức khỏe, có thể đi lại, tự sinh hoạt; 35 cụ còn lại đều phải nhờ hai nhân viên là anh Đặng Bá Hưng và chị Hồ Thị Phượng trợ giúp tất cả các sinh hoạt hằng ngày, từ ăn uống đến vệ sinh.

Hưng tốt nghiệp ngành Công tác xã hội – chăm sóc người khuyết tật Trường ĐH Lao động xã hội cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh. Về TT được 10 năm thì 4 năm Hưng làm nhân viên chăm sóc đặc biệt cho các cụ già bị tai biến, rối loạn hành vi, tâm thần nhẹ… Ai từng chăm sóc người thân bị bệnh nằm một chỗ sẽ thấu hiểu công việc và tấm lòng của các nhân viên này, họ làm một loạt các việc không tên, giữ cho các cụ luôn sạch sẽ để không bị lở loét, hôi hám…

Từ khi sống cho đến lúc qua đời

“Hàng xóm” của Trung tâm BTXH Đà Nẵng là TT Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, ở tổ 137 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Mức trợ cấp nuôi dưỡng đối với đối tượng BTXH tại hai cơ sở công lập này đã tăng lên theo Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND ngày 28-8-2015 của UBND thành phố. Theo đó, người khuyết tật đặc biệt nặng tăng từ 630.000 đồng lên 810.000 đồng/người/tháng; người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi tăng từ 840.000 đồng lên 1.080.000 đồng/người/tháng; trợ cấp mai táng phí 3 triệu đồng/người tăng lên 5,4 triệu đồng/người…

Không chỉ được trợ cấp từ ngân sách thành phố, các đối tượng BTXH còn được cả xã hội quan tâm. Riêng TT Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2015 đã đón 487 lượt các nhà từ thiện hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân trị giá trên 365 triệu đồng; hỗ trợ hệ thống âm thanh, ti-vi, tổ chức các buổi văn nghệ cho bệnh nhân.

Ban Nghĩa trang thành phố cũng không đứng ngoài những nghĩa cử cao đẹp này. Ông Phùng Quýt, Phó trưởng ban Nghĩa trang cho biết mỗi năm trên địa bàn thành phố có khoảng 3-5 người chết không có thân nhân. Đối với các trường hợp này, địa phương có người chết đứng ra lo chôn cất, liên hệ Ban để mua quan tài, đồ liệm và đặt một chiếc xe đưa tang với tổng số tiền chỉ từ 2,5 – 3 triệu đồng (Ban đã “gánh” với địa phương bằng việc giảm giá từ 15 – 20%). Người chết được hỏa táng miễn phí tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên, nghĩa trang Hòa Sơn. Xong, anh em quản trang tại đây sẽ hỗ trợ xây một viền quanh mộ và dựng bia xi-măng ghi đầy đủ thông tin về người chết phòng sau này có thân nhân đi tìm. Riêng với các hộ nghèo thuộc diện xã hội hoặc chính sách, nếu có giấy xác nhận của địa phương đều được Ban hỗ trợ 40% tiền xe đưa tang, kể cả người các tỉnh, thành khác.

Vơi nhẹ gánh nặng xã hội

Nếu TT Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng không có biến động lớn về “dân số” thì TT BTXH Đà Nẵng tăng đột biến về số người đưa vào TT. Việc này, bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc TT BTXH Đà Nẵng giải thích, trước đây những người lang thang xin ăn không phải đưa về TT, nay theo Quyết định 02/2015/QĐ-UBND ngày 16-1-2015 của UBND thành phố về việc “Đưa người lang thang vào cơ sở BTXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” thì phải đưa vào hết.

Cùng với đó, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” số người đưa vào TT tăng đột biến. Hằng năm, bình quân thu nhận vào TT chỉ 100 – 110 người, năm nay chỉ tính đến cuối tháng 10 đã có đến 230 người, trong đó có 212 người thuộc diện lang thang và 18 người được các địa phương lập thủ tục đưa vào TT theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đầu năm TT chỉ có 145 người, nay thêm 230 người nữa thì “gánh” sao nổi. Để giải quyết bài toán này, cán bộ, nhân viên TT tỏa ra đi xác minh địa chỉ, nơi ở của những người thuộc diện lang thang, làm thủ tục trả về địa phương những 205 trường hợp, chỉ giữ lại 7 người không có thân nhân.

Bà Thanh Hương nhìn nhận: “Dân các tỉnh bạn thấy Đà Nẵng là nơi dễ sống, có chính sách bảo trợ xã hội tốt, thấy các cơ sở BTXH thành phố chăm sóc đàng hoàng nên người lang thang ai cũng ưng vô. Một số người về nhà một thời gian thấy cực quá nên cố tình vi phạm các nội quy, quy định về văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng để được… vào lại TT”.  Như trường hợp anh Lê Công Đ., 30 tuổi, người thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, từng đi vẽ quảng cáo, vì đàn đúm với các đối tượng nghiện rượu, bê tha ngày đêm mà suy sụp, bèn ra Đà Nẵng lợi dụng tay trái bị teo cơ để lang thang xin ăn. Anh bị đưa vào TT, cán bộ liên lạc được với cha mẹ anh, báo họ ra đón về, nhưng được chỉ mấy tháng là thấy anh lù lù xuất hiện xin ăn trên đường phố Đà Nẵng. Đến nay, anh đã 5 lần vào TT BTXH. Lần gần nhất, vừa được gia đình đưa về Hà Lam hơn tháng nay, chưa biết có quay ra không? Thân nhân người bệnh tâm thần các tỉnh bạn cũng “mơ ước” người nhà được nuôi dưỡng tại Đà Nẵng. TT Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng hiện cũng có 5 bệnh nhân người Quảng Nam có cha mẹ già yếu, trong đó có một người ở tận Bắc Trà My.

Người cần BTXH thì nhiều, nhưng ngân sách thì có hạn. Lo an sinh xã hội cho người dân Đà Nẵng còn phải tính toán chi li, nếu “cưu mang” thêm người ngoại tỉnh nữa thì khó mà “gánh” nổi. Theo bà Thanh Hương, các địa phương trong khu vực cần một mặt bằng chung về chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho tất cả các tầng lớp người dân để giảm áp lực xã hội về nghèo khó, xin ăn. Thấy Đà Nẵng làm tốt là các nơi đổ xô về theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, tạo áp lực trong lộ trình xây dựng một Đà Nẵng văn hóa, văn minh đô thị.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 12 cơ sở BTXH cấp thành phố (2 cơ sở công lập, 10 cơ sở ngoài công lập), đang nuôi dưỡng tổng cộng 1.204 người, trong đó có 705 trẻ em.

Nhìn chung, các cơ sở BTXH thời gian qua đã thực hiện tốt chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Nguồn thu của các cơ sở chủ yếu từ các nguồn vận động các tổ chức, cá nhân (hiện đã bị cắt giảm do kinh tế khó khăn), các khoản thu tự sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Tuy kinh phí hoạt động vẫn còn hạn chế, bấp bênh, nhưng các cơ sở đã duy trì được các hoạt động góp phần cùng với thành phố chăm sóc các đối tượng bất hạnh.

Nguồn: Phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.