.

Kiên nhẫn

.

1. Khi báo chí Việt Nam đưa tin Công Phượng và Tuấn Anh của HAGL sắp sang Nhật Bản chơi ở J-League 2 thì báo chí Thái Lan chạy hàng tít 3 cầu thủ của họ chuẩn bị gia nhập J-League, tức hạng cao nhất của bóng đá Nhật Bản và hơn J-League 2 một bậc. Thông tin đó bình thường thôi chứ chẳng có gì phải xấu mặt bởi bóng đá Việt Nam vẫn theo sau Thái Lan thì cầu thủ Việt chơi ở J-League 2, cầu thủ Thái chơi ở J-League là hợp lý.

Công Phượng (phải) và Tuấn Anh sắp có cơ hội sang Nhật Bản thi đấu. (Ảnh Internet)
Công Phượng (phải) và Tuấn Anh sắp có cơ hội sang Nhật Bản thi đấu. (Ảnh Internet)

Không chỉ cầu thủ Việt, Thái mà cầu thủ Đông Nam Á sẽ lần lượt gia nhập bóng đá Nhật Bản theo chương trình giúp đỡ của Nhật Bản với “vùng trũng” chúng ta trong 5 năm tới với hy vọng Đông Nam Á có nhiều suất tới dự Olympic 2020 mà Tokyo là thành phố đăng cai. Theo đó, J-League và J-League 2 sẽ cử HLV Nhật Bản sang các nước để giúp đỡ chuyên môn. Tùy thuộc vào nhu cầu của từng quốc gia mà các HLV xứ sở hoa anh đào sẽ huấn luyện đội trẻ hay về cầm quân CLB mạnh.

Chuyện đá ở J-League hay J-League 2 không quá quan trọng, miễn sao cầu thủ Việt Nam có sự tiến bộ sau những chuyến “du học” như thế này để góp phần cho bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển. Không chỉ cần 5 năm dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản mà có khi còn dài hơn nữa thì bóng đá nước ta mới lớn mạnh hơn nên đừng có vội.

2. Cái tin VFF, VPF và đại diện các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chuẩn bị sang Hàn Quốc để học hỏi K-League khiến người hâm mộ “ngã ngửa”. Mới hơn một năm trước, chính xác là nửa cuối tháng 9-2014, một đoàn khoảng 30 quan chức bóng đá Việt Nam sang Nhật Bản học hỏi J-League trong thời gian 1 tuần.

Những gì học hỏi về cách thức tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp; công tác đào tạo cầu thủ, HLV… từ J-League vẫn chưa thấy được áp dụng ở V-League. Điều mọi người dễ nhận ra là dấu ấn Nhật Bản đang dần in đậm trên bóng đá Việt Nam từ HLV trưởng đội tuyển nam, nữ Việt Nam đều là người Nhật Bản cho tới Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản thi đấu cho tới kế hoạch dài hơi 5 năm bắt đầu triển khai từ tháng 11 này.

Đang có dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ bóng đá Việt Nam – Nhật Bản thì lại đổ sang Hàn Quốc học hỏi. Người hâm mộ có cảm giác các quan chức bóng đá Việt Nam thiếu sự kiên nhẫn hoặc lấy cớ để đi du lịch hơn là học hỏi kinh nghiệm. Sau Hàn Quốc, mọi người không biết các quan chức bóng đá Việt Nam sẽ tới nước nào học hỏi trong năm 2016.

Những kiến thức thu nhặt được quá nông cạn từ mỗi nơi sẽ chẳng giúp các quan chức xây dựng được nền bóng đá phát triển bền vững. Được biết, người Thái có giải vô địch quốc gia lớn mạnh làm nền tảng cho đội tuyển quốc gia là nhờ họ đã chuyên tâm nghiên cứu Premier League của Anh trong suốt thời gian dài để lọc ra những thứ phù hợp với chính mình.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.