.

Ngôi trường Nguyễn Du ở Viêng Chăn

.

Năm 1998, lần đầu tiên tôi đặt chân đến thủ đô Viêng Chăn (Lào). Việc đầu tiên của tôi là lục tìm sách vở của Mai Lan Hương và Mai Linh Giang xem tình hình học hành của hai cháu. Nhìn thấy trên nhãn vở cũ của Hương, Giang ghi tên Trường phổ thông cấp I Nguyễn Du I bằng tiếng Việt, tôi vô cùng xúc động. Tôi không ngờ nơi đất khách quê người xa xôi này tôi lại gặp Đại thi hào!

Trường phổ thông cấp I Nguyễn Du cũ.
Trường phổ thông cấp I Nguyễn Du cũ...

Sau này, tìm hiểu tôi mới biết, năm 1966, Hội Việt kiều ở thủ đô Viêng Chăn đã tích cực quyên góp, xây dựng hai ngôi trường cùng mang tên Nguyễn Du ở hai vùng có nhiều bà con người Việt làm ăn sinh sống. Các cháu vẫn học theo chương trình của Bộ Giáo dục Lào nhưng mỗi tuần có hai buổi học thêm tiếng Việt để con em biết tiếng mẹ đẻ cho khỏi mất gốc.

Lương giáo viên dạy thêm tiếng Việt được trích từ quỹ Hội. Mai Linh Giang đèo xe máy đưa tôi đi thăm ngôi trường cũ của cháu. Trường cách nhà không xa. Giang đã học 4 năm (lớp 1 đến lớp 4) ở ngôi trường này. Đó là một ngôi nhà sàn dài khoảng 30m, sàn, vách, cầu thang và lan can bằng gỗ, mái lợp tôn, chia làm 4 phòng.

Ở chính giữa hàng lan can treo tấm bảng hình chữ nhật, khắc nổi trên chữ Lào, dưới chữ Việt: TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP I NGUYỄN DU I. Giang cho biết: Trong lớp có đến 25 bạn người Việt, người Lào chỉ 15 bạn thôi. Nhưng nhờ học chung với các bạn người Lào mà Giang hiểu và nói tiếng Lào rất nhanh. Dạy tiếng Việt hồi đó là cô Hương, người Quảng Bình, nguyên giáo viên cấp I theo chồng sang định cư ở Lào. Mỗi tuần hai buổi học thêm là chiều thứ 3 và  chiều thứ 6 dành riêng cho con em Việt kiều.

Cô Hương chủ yếu dạy tập đọc và viết chính tả. Các bài tập đọc và viết chính tả đều lấy trong sách tập đọc cấp I do Bộ Giáo dục Việt Nam biên soạn và ấn hành. Sau này trở thành Thạc sĩ - chuyên viên của Bộ Tài chính Lào, Mai Linh Giang vẫn không quên ngôi trường mang tên Đại thi hào Nguyễn Du mà mình từng học những năm thiếu thời.

Mùa hè năm 2005, con trai trưởng của tôi là Mai An Huy mang hai cháu Mai Thanh Hà (6 tuổi) và Mai Thanh Thảo (4 tuổi) từ thủ đô Viêng Chăn về Việt Nam thăm tôi. Huy báo cho tôi một tin mừng: Để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo bà con Việt kiều, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đã thông qua dự án xây trường ngôi trường Nguyễn Du mới trên khoảng đất rộng khoảng 10.400m2 do chính quyền thủ đô Viêng Chăn cấp. Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt kiều thành đạt ở Lào sẽ hỗ trợ kinh phí.

... và Trường phổ thông Nguyễn Du mới.
... và Trường phổ thông Nguyễn Du mới.

Hai năm sau (2007), tôi sang thủ đô Viêng Chăn thì ngôi trường Nguyễn Du mới cũng vừa xây xong. Ngôi trường trông rất khang trang, gồm 3 dãy nhà 3 tầng với 29 phòng học, phòng thư viện, phòng học máy vi tính, phòng nghỉ của giáo viên và phòng ăn nghỉ của học sinh bán trú. Trong năm học đầu tiên, Trường Nguyễn Du mới đã tiếp nhận 700 học sinh từ lớp mẫu giáo đến hết cấp 2. Cháu Mai Thanh Hà và cháu Mai Thanh Thảo đều được nhận vào học ở ngôi trường mới này.

Đầu tháng 10 năm nay (2015), tôi lại có dịp sang thủ đô Viêng Chăn. Hôm đến trụ sở của Hội Việt kiều, tình cờ tôi gặp anh Hưng, giáo viên người Nga Sơn, Thanh Hóa được cử sang dạy tiếng Việt ở Trường Nguyễn Du.

Anh Hưng cho biết: Năm học 2014-2015, Trường Nguyễn Du có hơn 2 nghìn học sinh theo học ở 4 cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Một số gia đình người Lào cũng đưa con em đến học ở ngôi trường này. Các em chủ yếu học theo chương trình của Bộ Giáo dục Lào. Tiếng Việt học thêm mỗi tuần 4 tiết. Ban giám hiệu nhà trường hết sức quan tâm việc dạy tiếng Việt cho các em.

Không chỉ dạy tiếng Việt, vào các dịp Tết cổ truyền, Trung thu, kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác… nhà trường còn tổ chức những buổi ngoại khóa hoặc câu lạc bộ. Những buổi ngoại khóa hoặc câu lạc bộ diễn ra trong không khí hết sức sôi nổi với các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em tự biên tự diễn.

Các buổi sinh hoạt này không những tạo điều kiện cho các em có môi trường thuận lợi để tập nói tiếng Việt mà còn bồi đắp tình yêu quê hương Việt Nam cho các em. Anh Hưng cho biết: Những em học tiếng Việt giỏi chủ yếu là con em các gia đình mới sang Lào định cư mấy chục năm lại đây. Với các gia đình sống ở Lào đã khá lâu nhưng có thói quen nói tiếng Việt ở nhà, các em tiếp thu khá nhanh. Một số người Lào cũng xin cho con em họ học tiếng Việt.

Trường Nguyễn Du không chỉ là nơi học tập, truyền bá tiếng Việt cho con em người Việt tại Viêng Chăn mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của bà con Việt kiều trong những buổi đưa đón con cháu, những dịp lễ, Tết, những buổi họp phụ huynh.

Ngôi trường mang tên Đại thi hào Nguyễn Du là bằng chứng hùng hồn thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt - Lào!

MAI VĂN HOAN

;
.
.
.
.
.