.

Cọ xát với các giải đấu chuẩn quốc tế

.

Xuất sắc vượt qua rất nhiều thí sinh đến từ các trường đại học trong cả nước, các sinh viên (SV) của Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã “rinh” được nhiều giải thưởng cao tại cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 24 và kỳ thi Lập trình SV quốc tế ACMM/ICPC lần thứ 41 khu vực châu Á được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11-2015.

Các SV đoàn ĐH Đà Nẵng đoạt giải tại cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các SV đoàn ĐH Đà Nẵng đoạt giải tại cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Là tay ngang bước vào tham dự cuộc thi Olympic Tin học SV Việt Nam lần thứ 24, Đoàn Công Danh, sinh năm 1994, SV Trung tâm xuất sắc - ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã giành giải nhất khối không chuyên. Danh kể, cuộc thi tập trung vào các thuật toán, độ khó được phân chia theo các cấp khác nhau từ không chuyên, chuyên và siêu cúp. “Em đã được học về các thuật toán này nhưng chỉ một phần rất ít, chủ yếu là em tự tìm tòi, mày mò và rèn luyện trước cuộc thi. Một điều may mắn là em từng tham gia một số cuộc thi về tin học nên cũng có chút kinh nghiệm khi thi đấu nên giải đề nhanh hơn các thí sinh khác”, Danh chia sẻ.

Vốn là dân chuyên Toán-Tin của Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, đã từng đoạt cúp đồng cũng tại cuộc thi Olympic Tin học SV năm 2013, năm nay Trần Lê Nguyên Vũ, sinh năm 1994, SV Chương trình Genetic, ĐH Đà Nẵng đã giành giải 3 siêu cúp. Đây là một trong những giải cao khá hiếm hoi của ĐH Đà Nẵng trong thời gian qua vì giải siêu cúp chỉ dành cho những thí sinh đã có giải cấp quốc gia hoặc quốc tế. Theo Nguyên Vũ, đề thi ngày càng khó, đòi hỏi kiến thức cao rộng, sự tư duy cũng như có nhiều thuật toán mới, buộc SV phải có các kỹ năng tự nghiên cứu cao. Chính vì vậy mà Vũ, Danh cũng như nhiều thí sinh khác đã tự luyện qua các cuộc thi thử trên mạng bởi độ khó của các loại đề này cũng tương đương nhau.

Đỗ Minh Thắng, sinh năm 1995, SV khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, giành giải nhất khối chuyên cho biết, trong bài thi thuật toán có rất nhiều chủ đề rộng và bao quát với sự biến hóa khác nhau. Khi tham gia những cuộc thi như thế này bên cạnh kiến thức, tư duy, kinh nghiệm thi đấu, các bạn được “cọ xát” với nhiều kiến thức chuyên sâu, sẽ bổ trợ rất nhiều cho công việc của các bạn sau này, bởi công việc có hiệu quả hay không là nhờ các thuật toán. Theo Thắng, bên cạnh các kiến thức đã học, các bạn SV nên dành thời gian tìm hiểu chuyên sâu về thuật toán, nên thường xuyên tham gia các cuộc thi để có thêm kinh nghiệm cũng như các kỹ năng làm việc nhóm.

Ngoài các bài thi cá nhân ở cuộc thi Olympic Tin học sinh viên, ĐH Đà Nẵng còn chia các nhóm SV tham dự kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACMM/ICPC lần thứ 41 khu vực châu Á. Kết quả được xét theo số lượng bài các nhóm làm được trong khoảng thời gian nhất định. Vượt qua các vòng loại miền Trung, vòng loại toàn quốc, nhóm BK.AMA của ĐH Bách khoa Đà Nẵng đoạt giải nhì khối không chuyên cấp khu vực châu Á. Đây là kết quả khá cao, khích lệ tinh thần cố gắng của các thành viên đội ĐH Đà Nẵng vì với lượng câu hỏi nhiều, thời gian thi kéo dài 5 tiếng liên tục, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn cần nhiều yếu tố khác như sức khỏe, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các thành viên… Các cuộc thi này cũng là cơ hội để các SV của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có thêm các kỹ năng đặc biệt là kỹ năng lập trình theo chuẩn quốc tế và ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp trong công việc.

Cuộc thi Olympic Tin học SV lần thứ 24 lần này có 59 SV dự thi khối Siêu cúp, 145 SV khối Chuyên tin, 94 SV khối Không chuyên tin, 28 SV khối Cao đẳng, 22 SV dự thi khối Phần mềm nguồn mở. Kỳ thi Lập trình SV  quốc tế ACM/ICPC lần thứ 41 khu vực châu Á có sự tham gia của 111 đội tuyển với 333 SV đến từ 64 trường đại học và cao đẳng trong nước và 12 đội tuyển quốc tế đến từ 9 trường đại học của 6 nước Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Philippines. Đội chiến thắng ACM/ICPC vòng khu vực châu Á sẽ được tham dự chung kết ACM/ICPC toàn cầu tổ chức tại Phuket Thái Lan vào ngày 15 đến 20-5-2016.

Với 1 giải nhất, 2 giải nhì khối Chuyên tin và 1 giải nhất, 1 giải ba khối Không chuyên, trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng giành giải nhất toàn đoàn cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 24 khối Chuyên tin, lọt top 12 ACM/ICPC và giải nhì ACM/ICPC không chuyên. Theo đánh giá của TS Phạm Minh Tuấn, trưởng bộ môn Mạng và truyền thông, khoa CNTT, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, người trực tiếp hướng dẫn và đưa các em đi thi, thành tích năm nay là sự thành công vượt bậc. Đó cũng là thành quả của các bạn SV đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, đặc biệt là khối thi ACM/ICPC.

CAO MINH

;
.
.
.
.
.