.
Giới thiệu sách

Bản ngã con người ám ảnh trong Chúa đất

.

Tôi và nhiều người yêu văn chương của Đỗ Bích Thúy nghiến ngấu đọc Chúa đất từ lời tựa cho đến trang 291 - kết thúc câu chuyện, không kịp ngắm nghía cái bìa với hình ảnh cột đá đen ngòm ám ảnh do họa sĩ Lê Huy vẽ. Vậy là chị đã quay lại đề tài văn chương miền núi, sau cuốn tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là đi sâu vào cuộc sống thị thành, với giọng văn đầy mê hoặc, và thân phận, tình yêu của những người đàn bà như u u, mê mê, điên đảo giữa những cơn gió lạnh thấu xương lùa ra từ khe núi…

Bìa sách Chúa đất. Ảnh: H.N
Bìa sách Chúa đất. Ảnh: H.N

Sau cái truyện dài Lặng yên dưới vực sâu (được chuyển thể và đang chuẩn bị bấm máy cho một phim truyền hình dài tập), khá lâu rồi Đỗ Bích Thúy mới đưa người đọc quay về Hà Giang, đến với một thung lũng đẹp như mơ giữa vùng cao nguyên đá, vùng Đường Thượng, thuộc huyện Yên Minh.

Cuốn tiểu thuyết Chúa đất của chị được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà, một thổ ty người Mông hung ác, sống cách đây khoảng 200 năm. Cuộc đời chúa đất gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết (đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang) cao khoảng 1,9m, có hai cái tai đục lỗ để nhét tay người bị hành quyết.

Cây cột đá treo cho đến chết những người đàn ông dám trêu ghẹo vợ ông ta và những người vi phạm luật lệ do chúa đất đặt ra. Sùng Chúa Đà có trong tay mọi thứ, tiền bạc, vợ đẹp, quyền năng tối thượng, sự bạo tàn hung ác, nhưng xét cho cùng, là một người đàn ông bất hạnh.

Và bên cạnh nhân vật chúa đất bạo tàn, những người đàn bà đẹp mơn mởn như bông hoa anh túc Vàng Chở, hay khô héo sầu thảm như bà Cả, được nhà văn thổi hồn vào đó với tất cả niềm yêu thương.

Một lần nữa, Đỗ Bích Thúy viết về đàn bà “với niềm yêu thương vô hạn”: Vì bao nhiêu đau buồn nhất trên thế gian này đều dành cho đàn bà. Vì bao nhiêu khát vọng lớn lao nhất, đều nằm trong giấc ngủ đàn bà. Vì bao nhiêu gánh nặng nhất trong đời người, đều rơi trên vai đàn bà. Vì bao nhiêu yêu thương nhất, đều nằm trong trái tim đàn bà. Vì bao nhiêu dại khờ nhất, cũng đều thuộc về đàn bà... Là tôi nông cạn nghĩ thế. Có thể chưa chắc đã đúng…

17 ngày để viết xong cuốn Chúa đất, có lẽ là một kỷ lục mà Đỗ Bích Thúy lập nên khi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Chị đã viết như “rút hết tủy sống ra khỏi từng đốt xương của mình”, nó là một đoạn đời vừa đi qua, và không bao giờ trở lại.

Thúy đã để cho con chó vàng phải nằm gối mõm lên hai chiếc giày của bà Cả, sau khi bà ấy đã nhảy xuống cái hủm nước tối đen. Thúy viết về cái chết của Pó, với hai mí mắt sưng phồng vì tác động của nọc rắn. Thúy để cho cô Say sẽ phải khóc cả đời.

Chị bảo rằng, khi viết xong đoạn bà Cả chọn cái chết, chứ không phải mang thân xác già nua và một trái tim không biết đã hóa đá hay đã tan nát như hạt ngô bị cán vỡ dưới thớt cối, về với người mẹ đã gần đất xa trời, bao năm hân hoan nghĩ rằng con gái mình, với thân phận bà Cả trong dinh thự chúa đất, thực là dưới một người trên muôn người, còn ai sánh bằng, chị đã ngồi thừ ra trước máy tính.

Trái tim chị cũng tan nát. Trái tim con chó, chắc rằng, cũng tan nát theo. Và nó chắc chắn sẽ nằm ở đó, bên trên cái hủm nước tối, đến lúc chết.

Còn Sùng Cắt, chính nó, không phải bất kỳ kẻ thân tín nào, đã ở bên cạnh chúa đất khi chúa đất lìa đời. “Khi viết đoạn này, tôi hình dung, thằng Ly Chứ Dia vừa co cẳng chạy vừa ngoái lại giục chúa đất chạy đi.

Ai thân cận chúa đất bằng nó? Ai được chúa đất tin dùng, chiều chuộng bằng nó? Ai được chúa đất cho bọc cả răng vàng ngoài nó? Thế mà đứng trước cái chết, nó từ chối chúa đất. Chỉ có Sùng Cắt, điên cuồng trong đám lửa đang cháy ngùn ngụt, và những chiếc xà nhà đang lừ lừ rơi xuống, tìm mọi cách để cứu chúa đất, và cuối cùng, nó chẳng thể nào khác, chết trong đống lửa, không oán thán, không ân hận. Con người, có đối được thế với nhau không?”.

Người ta thường bảo rằng, nhà văn, viết cái sau rất khó vượt lên cái trước, nhất là những truyện ngắn về miền núi của Đỗ Bích Thúy. Nhưng không, chị không những vượt lên, mà còn viết rất xuất sắc, truyện ngắn nào, tiểu thuyết nào của chị cũng được bạn đọc vồ vập đón nhận.

Có lẽ đó là niềm hạnh phúc, là nguồn năng lượng vô giá để chị say đắm hơn, rút ruột ra mà viết. Từ những truyện ngắn chị viết tay trên giấy khi chúng tôi còn đi học Ngải đắng ở trên núi, Sau những mùa trăng, đến nay đã có 13 tập truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết của chị ra đời; và đặc biệt là, truyện nào cũng đau đáu như nhau, người đàn bà Mông nào cũng như hòn than rực rỡ bọc trong cái vẻ lặng thầm giấu kín.

Những truyện ngắn ngày xưa của chị là kiểu truyện không phải truyện, nhẹ nhàng, sâu lắng; thì nay mỗi truyện ngắn, mỗi tiểu thuyết thể hiện tầng sâu của bản ngã, tâm lý nhân vật phức tạp. Để, khi gập cuốn sách lại rồi, vẫn muốn mở ra, đọc tiếp.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.