.

Mái ấm cho người già

.

Khảo sát thực tế những năm gần đây cho thấy việc xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi là nhu cầu có thật và ngày càng trở nên bức thiết.

Hai ông Lê Minh Xuân (phải) và Nguyễn Hạ cùng chung một ý tưởng: Khuyên những người cao tuổi có điều kiện nên vào Trung tâm dưỡng lão. Ảnh: V.T.L
Hai ông Lê Minh Xuân (phải) và Nguyễn Hạ cùng chung một ý tưởng: Khuyên những người cao tuổi có điều kiện nên vào Trung tâm dưỡng lão. Ảnh: V.T.L

Nhu cầu có thật

Xưa có một người nuôi cha già, cha thường đánh rơi làm bể chén ăn cơm nên con bực mình, thay bằng một cái gáo dừa. Ngày nọ, người con thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt cái gáo dừa khô. Hỏi, thì nó thưa: Dạ, con làm cái gáo này để khi cha già yếu như ông nội thì dọn cơm cho cha ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể cha ạ.

Chuyện xưa gửi một thông điệp cho ngàn sau: Chúng ta yêu thương, chăm sóc cha mẹ mình như thế nào thì sau này con cái sẽ thương yêu, chăm sóc chúng ta như thế đó, như dân gian đã nói “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”.

Với cuộc sống hối hả hiện nay, con cái sẽ yêu thương, chăm sóc cha mẹ già ra sao? Theo quan sát của Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng Nguyễn Thuận, hiện có rất ít gia đình 3 đến 4 thế hệ cùng sống chung một nhà (tam/tứ đại đồng đường) như trước.

Vì vậy, khi “trái gió trở trời” các cụ người cao tuổi (NCT) không được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể. Gia đình và xã hội hiện đại đã lấy đi cuộc sống đầm ấm, yêu thương trong gia đình truyền thống; con cháu bề bộn công việc mưu sinh, không thể dành thời gian cho các cụ trong gia đình.

Giải pháp được đưa ra là gửi cha mẹ già vào Trung tâm dưỡng lão, nhất là đối với những người con luôn bận rộn với công việc, không thể ở bên chăm sóc hai đấng sinh thành. Nếu nhiều người xem đây là giải pháp “tối ưu” để tỏ lòng yêu thương cha mẹ thì cũng có không ít người cho rằng làm vậy là bất hiếu, bởi ở nước ta, việc đưa cha mẹ già vào cơ sở dưỡng lão vẫn còn gặp không ít rào cản về đạo đức.

Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng (ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), khi còn làm Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), được nhiều người có điều kiện về tài chính đến hỏi có thể gửi cha mẹ mình vào trung tâm và hằng tháng trả tiền được không.

Nay về Trung tâm Bảo trợ xã hội - nơi hiện nuôi dưỡng 170 người, trong đó có 75 người già neo đơn - bà cũng gặp nhiều người đến đặt vấn đề tương tự. Sau khi kể rằng đã trả lời chung cho các trường hợp này là trung tâm chỉ nhận người già neo đơn, còn người già còn thân nhân thì chưa có mô hình Trung tâm dưỡng lão, bà Hương kết luận: “Đà Nẵng nên sớm thành lập Trung tâm dưỡng lão để mang lại quyền lợi cho NCT và đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Từ trên giấy bước ra thực địa

Những ai mong muốn có một cơ sở chăm sóc NCT đã rất háo hức khi đọc tin “Sắp có Trung tâm dưỡng lão thành phố Đà Nẵng” đăng trên báo Đà Nẵng số ra ngày 3-4-2014. Theo đó, trong 2 năm 2014-2015 cơ sở dành riêng cho người già này được xây dựng và đi vào hoạt động. Thế nhưng, sắp bước sang năm 2016 rồi mà cơ sở mơ ước này vẫn còn nằm... trên giấy!

Rất nhiều người già ở Việt Nam đối diện với cảnh
Rất nhiều người già ở Việt Nam đối diện với cảnh "chưa giàu đã già", vẫn phải lao động vất vả. Ảnh: T.Y

Về dự án Trung tâm dưỡng lão, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất tại Quyết định số 3313/QĐ-UBND ngày 26-5-2014 với tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 10.840m2 tại lô đất công cộng A2.8 rộng khoảng 1,1 ha thuộc Khu E2 mở rộng (giai đoạn 1) – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Dự án này được giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt thực hiện bằng cách kêu gọi đầu tư xã hội hóa, với nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. “Đây là dự án được sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội, đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho NCT có nơi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ đang trong giai đoạn vận động, khó khăn trong việc kêu gọi nguồn kinh phí đầu tư (do các nhà đầu tư đang trong giai đoạn tìm hiểu)”, ông Hùng nhận xét.

Trung tâm dưỡng lão, theo nhận định của bà Hương, là cái xã hội đang cần, nó mang lại lợi ích cho người già và phần nào làm vơi đi nỗi lo (không chăm sóc cha mẹ chu đáo) của con cái họ.

Vô ở tập thể, NCT sẽ tham gia nhiều hoạt động điều độ làm cho đời sống vui hẳn lên; được hưởng nhiều lợi ích mà ở nhà không thể có được: Bại liệt thì được tập cho phục hồi chức năng; ốm đau thì “gọi đâu có đó”, nhân viên y tế nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhập viện...

Ở nhà, ngay như việc tắm rửa thôi, một con không thể chăm được một cha hay một mẹ, nhưng ở cơ sở dưỡng lão thì đông nhân viên nên việc này đã không khó lại được thực hiện rất chuyên môn, bài bản. Nếu không “thường trú”, thì có thể “gửi già” như gửi trẻ, hoặc sáng gửi chiều về, hoặc thỉnh thoảng ở dăm ba ngày sinh hoạt cho vui rồi về với con cháu...

Vậy thì, bao giờ Đà Nẵng có Trung tâm dưỡng lão? Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng, cũng do ông Long làm Chủ tịch Hội), qua vận động hiện có 4 nhà đầu tư quan tâm đến dự án, trong đó có 2 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài.

Việc xây dựng cơ sở dưỡng lão là rất bức thiết, ông Long nhấn mạnh, tuy nhiên các nhà đầu tư “đang trong giai đoạn tìm hiểu nên chưa có quyết định cuối cùng, sang quý I-2016 mới có kết quả, sau đó sẽ có báo cáo cụ thể UBND thành phố về tiến độ thực hiện và các vấn đề liên quan đến dự án”.

Kỳ vọng một “mái ấm”

“Trung tâm dưỡng lão hả? Nên làm sớm, người già rất cần”, ông Lê Minh Xuân, cán bộ hưu trí, hiện ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, bật ngay câu trả lời khi nghe nhà báo hỏi. Ông mất người bạn đời khi vừa chạm tuổi chín mươi, hai người con đã ra riêng, chỉ mỗi mình ông trong ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng.

Gần hai chục năm nay ông làm bạn với ông Nguyễn Hạ trong Hội NCT phường. Các ông trong lúc trà dư tửu hậu đặt ra “3 quên, 4 có” đối với người già. Quên hận thù, quên tuổi tác, quên bệnh tật. Có nhà, có gia đình, có sổ tiết kiệm, có người tri kỷ.

Khi chúng tôi hỏi nếu có Trung tâm dưỡng lão thì ông có bán nhà vào đó ở không? Ông bảo cũng còn tùy vì dù sao thì ở gần con cũng vẫn tình cảm hơn. Ông nhấn mạnh: Ở gần con chứ không phải ở cùng con. Rồi kể ra “5 không”, cũng do các ông đặt ra từ kinh nghiệm bản thân: Không bán nhà ở với con, không ở cùng con mà ở gần con, không chăm sóc cháu mà thăm cháu, không can thiệp vào việc riêng của con, không từ chối khi con cho tiền dù là... ít.

Ở cùng con, theo ông, rất mất tự do, tất cả việc làm của mình đều bị con “kiểm soát” hết. Ông khuyên những ai có điều kiện nên vào Trung tâm dưỡng lão để được thoải mái hơn.

NCT ở nông thôn không ai muốn vào Trung tâm dưỡng lão, theo ông Đặng Duân, 71 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong. Họ thích ở nhà giữ con cháu, rảnh rỗi thì làm việc nhẹ trong vườn, thỉnh thoảng gặp hàng xóm nói chuyện trên trời dưới đất.

“Theo tôi thì nhà dưỡng lão rất hay, có điều Đà Nẵng mình chưa có mô hình nào nên người ta không hình dung ra đời sống NCT ở đó ra sao. Nếu có mô hình tốt thì tôi nghĩ cả NCT và con cháu họ sẽ thay đổi cách nhìn về mái ấm cho người già còn xa lạ với người dân Đà Nẵng này”, ông Duân chia sẻ.

Về mô hình này, ông Nguyễn Thuận rất lạc quan: “Để Trung tâm dưỡng lão tồn tại và phát triển, theo tôi, ngoài sự bảo trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, cần kêu gọi toàn xã hội cùng tham gia chăm sóc NCT; nên xây dựng phương án có thu phí đối với những trường hợp người nhà có nhu cầu gửi các cụ vào trung tâm. Có kinh phí mới có thể duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng chăm sóc các cụ tại trung tâm”.

Thực tế nhiều cơ sở dưỡng lão ở hai đầu đất nước thu phí rất cao, thu nhập ở Đà Nẵng hiện khó mà “mơ” tới được. Tuy nhiên, đừng vì khó mà không mơ, hãy xây dựng một căn nhà đã, còn nó có trở thành “mái ấm” hay không còn tùy thuộc vào cách chúng ta xử sự ra sao với thế hệ trước mình…

"Dân số Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang chuyển từ dân số vàng sang dân số già, vì thế, nhu cầu nhà dưỡng lão đang ngày càng bức thiết. Một số NCT có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, cần có một mái ấm thông qua sự quan tâm của xã hội. Ngoài ra, NCT trong một số gia đình tại thành phố, vì nhiều lý do, con cháu không có điều kiện gần gũi, chăm sóc thường xuyên, nên cũng cần có nơi giao tiếp, sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi, đáp ứng những nhu cầu riêng tư theo tâm lý của họ.

Bên cạnh đó, có một số NCT đã ra nước ngoài sinh sống, nay muốn về lại với Tổ quốc tìm một cơ sở an dưỡng tuổi già tại quê hương. Cũng đã có hiện tượng một số NCT là người nước ngoài đang mong muốn đến Việt Nam tìm nơi nghỉ dưỡng thoải mái lâu dài hoặc theo mùa tại một cơ sở dưỡng lão... Đây là nhu cầu xã hội có thực, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được."

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển
giáo dục đặc biệt Nguyễn Hoàng Long

Gia tăng nhu cầu nhà dưỡng lão

Theo Quỹ Dân số LHQ, Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người già, chiếm 20,5% dân số. Tiếp đó là Đức với 18,8%. Mô hình nhà dưỡng lão ở Nhật rất phát triển. Đó là các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp có kèm các dịch vụ y tế, giải trí.

Để nâng cấp các nhà dưỡng lão, nhiều nước phát triển còn trang bị thêm các loại máy móc tân tiến, thậm chí là robot hỗ trợ. Năm 2004, nhà dưỡng lão Katsura-ryo ở Machida (Nhật) đã trang bị thêm robot để chăm sóc người già. Một số nhà dưỡng lão khác ở Nhật cũng trang bị các dòng sản phẩm tự động hóa như máy tắm tự động cho người già, “quần robot” chạy bằng pin để giúp người già yếu có thể tự đi lại…

Tại các nước có nền kinh tế phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…, dân số già đi sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc cho người già và mô hình nhà dưỡng lão đã trở thành nơi bầu bạn cùng chia sẻ và được chăm sóc y tế tốt nhất.

Ví như ở Nhà dưỡng lão Riistavuori nằm ở ngoại ô Helsinki (Phần Lan), thuốc men - chi phí nặng nhất - đã có bảo hiểm xã hội chi trả hết, phần lớn người già sống tại đây đều phải trả tiền, nhưng số tiền phải trả không giống nhau mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một yếu tố quan trọng nữa là thu nhập của con cái. Nếu con cái các cụ có thu nhập cao, số tiền phải đóng góp sẽ nhiều hơn.

Ở Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800.000 người già có nhu cầu được chăm sóc, nhưng số nhà dưỡng lão quá ít ỏi. Điều này cho thấy mô hình nhà dưỡng lão do Nhà nước bảo trợ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội ở hiện tại và trong tương lai, nhất là đối với những người có thu nhập khá trở lên.

V.P.Q (tổng hợp)

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.